Ảm đạm ngành du lịch châu Âu trong mùa Hè COVID-19 thứ hai

18:05' - 20/03/2021
BNEWS Hy vọng phục hồi du lịch tại Châu Âu đang ngày càng mờ mịt do việc triển khai vaccine COVID-19 gặp khó khăn, dịch bệnh tái bùng phát và nhiều nước áp dụng phong tỏa trở lại.

Các hãng hàng không và công ty du lịch của châu Âu đang chuẩn bị cho “một mùa Hè thất thu” thứ hai. Hy vọng phục hồi du lịch đang ngày càng mờ mịt do việc triển khai vaccine COVID-19 gặp khó khăn, dịch bệnh tái bùng phát và nhiều nước áp dụng phong tỏa trở lại.

Cổ phiếu hàng không và du lịch châu Âu đồng loạt giảm trong phiên cuối tuần 19/3 sau khi Chính phủ Pháp thông báo đưa 16 tỉnh trong đó có thủ đô Paris vào diện phong tỏa toàn bộ lần thứ 3, bắt đầu từ nửa đêm 19/3 và kéo dài ít nhất 4 tuần.

Động thái này diễn ra chỉ vài ngày sau khi Italy áp dụng các biện pháp hạn chế kinh doanh và đi lại nghiêm ngặt trên diện rộng bao gồm cả hai thành phố lớn là Rome và Milan.

Những biện pháp phong tỏa này sẽ là rào cản lớn đối với triển vọng phục hồi ngành du lịch trong mùa cao điểm Hè sắp tới. Chuyên gia tư vấn Leah Ryan của Alton Aviation có trụ sở tại Dublin cho rằng, nhu cầu sẽ khó quay trở lại, và những tin tức tiêu cực về vaccine và phong tỏa sẽ ảnh hưởng đến lượng đặt vé vốn đã ảm đạm hiện nay.

Tình hình đang ngày càng xấu hơn khi các ca nhiễm mới tiếp tục gia tăng ở Hy Lạp và các nơi khác, bên cạnh việc một số quốc gia châu Âu đình chỉ tiêm vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca do lo ngại về độ an toàn của vaccine này.

Một số quốc gia đã thông báo tiếp tục sử dụng vaccine của AstraZeneca trong tuần này sau khi sau khi có kết luận của Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) khẳng định lợi ích rõ ràng lớn hơn rủi ro của nó.

Trong khi đó, các hãng hàng không giá rẻ như Ryanair và Wizz Air đã nhanh chóng bố trí lại máy bay giữa các tuyến bay để tăng hiệu quả chi phí.

Tuy nhiên, Ireland - thị trường nội địa của Ryanair - dự kiến sẽ duy trì các quy định nghiêm ngặt về đi lại ít nhất trong suốt tháng Sáu do tình hình quốc tế đang xấu đi và xuất hiện nhiều biến thể virus dễ lây lan hơn.

Giới quan sát chỉ ra rằng các hãng hàng không đang nợ hàng tỷ USD phải đối mặt với tình hình căng thẳng hơn nữa và một số công ty có thể phá sản nếu không có nguồn tài chính mới.

Trong khi các hãng hàng không giá siêu rẻ có thể vượt qua một mùa Hè ảm đạm nữa, các công ty như easyJet và Virgin Atlantic có thể phải đối mặt với áp lực cân đối tài chính.

Tập đoàn hàng không Pháp-Hà Lan Air France-KLM cũng đang tìm cách tăng vốn và giảm nợ dựa vào khoản cứu trợ 10,4 tỷ euro được nhận vào năm ngoái. Còn IAG - chủ sở hữu hãng hàng không British Airways đã huy động 1,2 tỷ euro (1,43 tỷ USD) trong một đợt phát hành trái phiếu vào ngày 18/3.

Không chỉ các hãng hàng không, tâm lý lo ngại cũng bao phủ các ngành khác như lữ hành, khách sạn và cả nền kinh tế rộng lớn hơn, nhất là những quốc gia Địa Trung Hải phụ thuộc vào du lịch.

Nhà kinh tế Jacob Nell của Morgan Stanley nhận định, số lượng ca nhiễm đang tăng lên, việc triển khai vaccine chậm chạp và “có nguy cơ châu Âu có thể mất mùa Hè thứ hai”.

Bên kia bờ Đại Tây Dương, các hãng hàng không Mỹ đưa ra những kỳ vọng lạc quan hơn, với báo cáo lượng đặt vé đi du lịch trong mùa Xuân và mùa Hè tăng trên toàn quốc. 

Chính phủ Mỹ đang đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng liên bang và các hạn chế đi lại đang dần được nới lỏng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục