Âm vang tiếng trống da trâu trong văn hóa Việt

10:54' - 13/02/2021
BNEWS Tiếng trống từ ngàn xưa đã song hành, gần gũi và gắn bó với đời sống người dân Việt. Về với Đọi Tam, làng nghề cổ truyền, tôi tìm về với âm thanh vang vọng từ ngàn xưa.

Âm vang hồi trống trận

Ngũ liên hồi cứu đê

Linh thiêng hồi trống tế

Những hồn xưa vọng về

Tiếng trống từ ngàn xưa đã song hành, gần gũi và gắn bó với đời sống người dân Việt. Đó là tiếng trống trận thúc giục, hào hùng. Tiếng trống của người giữ đê, cầu bình an hay bình dị hơn là tiếng trống của những điệu hát, múa lân… trong những ngày hội làng.

Tiếng trống cũng rộn rã mỗi khi có lễ hội làng Việt dịp Tết đến, Xuân về. 

Về với Đọi Tam, làng nghề cổ truyền, tôi tìm về với âm thanh vang vọng từ ngàn xưa. 

Làng Đọi Tam, xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, cái nôi của nghề cổ truyền làm trống - sản phẩm được tạo ra nhờ những đôi tay tài hoa.  

Về Đọi Tam, từ xa xa phía cổng làng, tôi đã có thể nghe văng vẳng tiếng xẻ gỗ, bào gỗ, và cả những âm thanh tùng tùng – cắc cắc. Trống Đọi Tam được biết đến không chỉ bởi mang hơi thở của lịch sử, mà ẩn chứa trong đó là cả nghệ thuật làm trống, từ trống trong đời sống dân gian, trống thờ, trống phục vụ lễ hội. 

Trong không khí ấm áp của mùa xuân, ông Lê Ngọc Hùng, nghệ nhân làm trống tại làng nghề Đọi Tam bày tỏ, làm trống có đến hàng trăm công cụ, được phân chia rõ ràng theo công năng. Dụng cụ nào dùng để làm tang trống, dụng cụ nào làm da trống.

Các dụng cụ làm tang trống bao gồm: ván bài, yếm bào, đòn ống, da bào, dao dựa, ca hạt mớp, ca dọc, máy xẻ gỗ, nạo, bào đứng, bào ngang, con sản; dụng cụ làm da trống đơn giản hơn, cụ thể gồm: nghiến, khom, dùi đục…

Để có một sản phẩm tốt, việc chọn nguyên liệu cũng rất công phu, tỉ mỉ. Nguyên liệu làm mặt  trống phải từ da trâu; gỗ để làm tang trống (thân). Trải qua hàng trăm năm, những nghệ nhân làm trống ở Đọi Tam đã đúc kết lại: “Da trâu tang mít, đánh ít kêu nhiều". Có nghĩa là, da trâu làm mặt trống và gỗ mít làm tang thì trống sẽ rất tốt. 

Nghệ nhân Lê Ngọc Hùng chia sẻ, tang trống phải là loại gỗ mít già, vừa nhẹ, không bị ngót và quan trọng nhất là giữ được “tiếng".

Người dân Đọi Tam chỉ dùng da trâu cái để bưng mặt trống, da được chọn thường là da của những con trâu già có độ bền, dẻo và dai hơn.

Khi mua da, chọn con trâu có da nhiều nếp nhăn, lông bạc. Da trâu để làm trống tối kỵ chọn da của những con trâu béo, trâu trắng. Công đoạn căng mặt trống cũng hết sức quan trọng, sao cho vừa căng lại vừa kín, khi đánh tạo tiếng kêu giòn, vang.

Mỗi chiếc trống được làm ra, đối với người dân Đọi Tam như thể một đứa con tinh thần. Họ đã dồn công sức, sự tỉ mỉ qua đôi bàn tay tài hoa và quan trọng hơn cả là tâm huyết vào trống. Mỗi chiếc trống sau khi hoàn thiện đều được các nghệ nhân làng nghề làm “giấy khai sinh” với ngày, tháng, năm và nơi sản xuất.  

Ở làng Đọi Tam, con trai trong làng chừng 10 tuổi đã biết sơ lược về cách làm trống. Đến tầm 14 - 15 tuổi thì đã bắt đầu học nghề bài bản.

Đến mười tám, đôi mươi đã có thể theo cha anh đi làm những chiếc trống cỡ đại (trống sấm chỉ dành cho đàn ông khoẻ mạnh, có kinh nghiệm và kỹ thuật điêu luyện).

Những người thợ làng Ðọi Tam làm được nhiều các loại trống như: trống đại, trống đội, trống dùng trong đình, chùa, trống chèo, trống cơm, trống trường, trống trung thu, trống hội, trống múa lân sư rồng...  

Trong thời đại công nghiệp phát triển, những chiếc trống, tiếng trống dần trở nên bão hòa và bị thay thế bởi những âm thanh điện tử. Nhưng với sự năng động, những người thợ làng nghề trống Đọi Tam luôn sáng tạo, đáp ứng theo thị hiếu người sử dụng.

Nếu như trước đây, các nghệ nhân làm các loại trống tròn, tang gỗ thì hiện nay xuất hiện nhiều kiểu trống mới, thậm chí các các loại trống của các dân tộc ít người như Chăm, Khơme… và cả các loại trống là sản phẩm nhỏ trang trí để phục vụ nhu cầu của khách du lịch. 

Không chỉ vậy, nghệ nhân Lê Ngọc Hùng còn cho biết, để thích ứng với thời cuộc, làng nghề đã sản xuất thêm sản phẩm thùng ngâm chân, chậu tắm ghép bằng gỗ thông; bình đựng rượu được làm từ gỗ sồi nhập khẩu…

Từ sự nhạy bén đó, nghề làm trống tại Đọi Tam đã mang lại lợi ích về kinh tế, nhiều người thợ đã làm giàu trên chính mảnh đất quê hương bằng đôi tay tài hoa và khối óc của mình. 

Trong bối cảnh công nghiệp hóa, giữ được sự tồn tại của làng nghề đã khó, để phát triển và nâng cao uy tín, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm càng khó hơn. Nhưng với lửa nghề, sự sáng tạo và đôi bàn tay tài hoa, nghề trống Đọi Tam đến nay vẫn đứng vững.

Hi vọng một ngày không xa, làng nghề Đọi Tam sẽ được quan tâm, bảo tồn và phát triển. Khách du lịch và bạn bè quốc tế sẽ biết đến làng nghề độc đáo, có lịch sử 1.000 năm của Việt Nam./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục