Amazon từ bỏ thỏa thuận trị giá 1,4 tỷ USD sau phản đối từ EU

14:42' - 30/01/2024
BNEWS Amazon đã từ bỏ kế hoạch mua lại công ty máy hút bụi robot iRobot trị giá 1,4 tỷ USD trong bối cảnh các nhà lập pháp Liên minh châu Âu (EU) phản đối thỏa thuận này.

Công ty thương mại điện tử sẽ trả khoản phí phá vỡ cam kết trị giá 94 triệu USD cho iRobot. Sau khi thông tin hủy bỏ thương vụ mua lại được công khai, iRobot đã ngay lập tức công bố kế hoạch cắt giảm 31% lực lượng lao động của mình (khoảng 350 nhân viên) và sự ra đi của Giám đốc điều hành (CEO).

 

Trước đó vào ngày 18/1, truyền thông địa phương đã đưa tin cơ quan điều hành của EU đang chuẩn bị ngăn chặn việc Amazon mua lại nhà sản xuất robot hút bụi Roomba và đã thông báo cho Amazon về quan điểm của họ.

Amazon và iRobot cho biết trong một tuyên bố chung rằng vụ mua lại không có khả năng nhận được sự chấp thuận theo quy định ở EU, khiến Amazon và iRobot không thể tiếp tục thương vụ này.

Ủy ban châu Âu chính thức nêu quan ngại về thỏa thuận này vào tháng 11, cho rằng nó có thể hạn chế cạnh tranh trên thị trường robot hút bụi. Mối lo ngại của ủy ban bao gồm việc Amazon giảm khả năng hiển thị của các sản phẩm robot hút bụi đối thủ trên nền tảng bán lẻ của mình.

Amazon công bố thỏa thuận này vào tháng 8/2022. Nhà bán lẻ trực tuyến đang nỗ lực mở rộng danh mục các thiết bị nhà ở thông minh của họ, hiện bao gồm loa thông minh Alexa và chuông cửa Ring.

Cơ quan quản lý cạnh tranh của Anh đã thông qua vụ mua lại vào tháng 6/2023. Song thỏa thuận này cũng bị Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) chú ý giám sát. FTC thậm chí đã đưa ra một vụ kiện riêng biệt đối với hoạt động kinh doanh của Amazon.

Bà Verity Egerton-Doyle, một đối tác tại công ty luật Linklaters của Anh cho biết việc Amazon từ chối đưa ra nhượng bộ trước tuyên bố phản đối của ủy ban đã phá hủy thỏa thuận. Theo bà, đây là kết quả tất yếu sau khi Amazon từ chối đưa ra các biện pháp khắc phục cho Ủy ban châu Âu.

Bà Anne Witt, giáo sư về luật chống độc quyền tại Trường Kinh doanh EDHEC, cho biết việc Amazon từ bỏ thỏa thuận là một diễn biến thú vị. Bởi vì các tập đoàn công nghệ lớn trong lịch sử đã có thể giải quyết những lo ngại của EU về các vụ mua lại. Ví dụ, năm ngoái EU đã thông qua thương vụ mua lại nhà sản xuất trò chơi điện tử Activision Blizzard trị giá 69 tỷ USD của Microsoft.

Theo bà Witt, những nghi ngờ của EU về thỏa thuận này lặp lại một số lo ngại về Amazon trong vụ kiện hồi tháng 9/2023 của FTC, bao gồm các cáo buộc rằng công ty ưu tiên các sản phẩm của mình hơn các sản phẩm khác.

Trong thời gian qua, Amazon.com đã công bố nhiều sản phẩm liên quan đến công nghệ Trí tuệ nhân tạo (AI) cho dịch vụ điện toán đám mây của họ, khi cuộc cạnh tranh với Microsoft và các công ty khác để thống trị thị trường nhiều tiềm năng này ngày càng “nóng” lên.

CEO bộ phận điện toán đám mây Amazon Web Services (AWS) Adam Selipsky đã công bố Trainium2, thế hệ chip thứ hai được thiết kế để đào tạo các hệ thống AI. Ông Selipsky cho biết phiên bản mới nhanh gấp bốn lần so với phiên bản tiền nhiệm, trong khi tiết kiệm năng lượng gấp đôi.

Trước đó, Microsoft công bố chip AI của riêng mình có tên Maia. Chip Trainium2 cũng sẽ cạnh tranh với chip AI từ Google của Alphabet, công ty đã cung cấp bộ xử lý Tensor (TPU) cho khách hàng sử dụng dịch vụ điện toán đám mây của họ kể từ năm 2018.

Ông Selipsky cho biết AWS sẽ bắt đầu cung cấp con chip mới từ năm 2024. Ngoài ra, AWS cũng công bố Graviton4, chip xử lý trung tâm tùy chỉnh đời thứ tư của công ty. Con chip này được cho là nhanh hơn 30% so với mẫu tiền nhiệm.

Các sản phẩm của Amazon được công bố trong bối cảnh nhiều công ty công nghệ hàng đầu đang tăng tốc phát triển những sản phẩm tích hợp AI mới nhằm chiếm lĩnh thị trường. Trong đó, các công ty có cung cấp dịch vụ điện toán đám mây đang nhanh chóng tìm cách đưa ra các con chip AI tùy chỉnh của riêng mình họ như một sự bổ sung cho Nvidia - công ty dẫn đầu thị trường chip AI nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu tăng vọt trong năm qua.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục