Ấn Độ báo động tình trạng trẻ nhỏ không được ăn uống đầy đủ

07:41' - 13/03/2024
BNEWS Ấn Độ có tới 6,7 triệu trẻ nhỏ “không có thực phẩm”, cao hơn nhiều so với số trẻ gặp phải tình cảnh tương tự ở các nước châu Phi kém phát triển hơn.

Đây là kết quả một báo cáo do các chuyên gia tại Đại học Havard thực hiện và công bố mới đây, trong đó Ấn Độ chiếm gần 50% tổng số trẻ không có thực phẩm ở 92 quốc gia được khảo sát và tương đương tỷ lệ với các quốc gia Tây Phi như Guinea, Benin, Liberia hay Mali.

“Trẻ em không có thực phẩm” được định nghĩa là những em nhỏ từ 6 đến 23 tháng tuổi không được ăn bất cứ thức ăn nào, kể cả sữa, trong vòng 24 giờ.

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, kết quả nghiên cứu trên được Giáo sư về sức khỏe dân số và địa lý S.V. Subramanian và chuyên gia thỉnh giảng Rockli Kim thuộc Trung tâm Nghiên cứu Dân số và Phát triển Harvard đưa ra sau khi tiến hành phân tích chế độ ăn uống của 276.379 trẻ em trong khoảng 6 - 23 tháng tuổi, từ 92 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

Trong số các nước được khảo sát, số trẻ không có thực phẩm ở Ấn Độ là đông nhất, tiếp đó là Nigeria với 962.000 trẻ, Pakistan (849.000 trẻ), Ethiopia (772.000 trẻ), CHDC Congo (362.000 trẻ)…

Nghiên cứu cho thấy trẻ em không có thức ăn chiếm 10,4% dân số nghiên cứu. Ở Ấn Độ, tỉ lệ này là 19,3%. Tỷ lệ trẻ em không có thực phẩm rất khác nhau giữa các quốc gia. Ở Costa Rica, tỷ lệ này là 0,1%; ở Guinea, 21,8%. Ở một số quốc gia, tỷ lệ này cao tới 21%.

Để điều tra số lượng trẻ em không có thức ăn trên khắp thế giới, các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu đại diện trên toàn quốc được thu thập từ năm 2010 đến năm 2022 trên 92 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

Nhiều trẻ em ở các nước thu nhập thấp và trung bình gặp nhiều thách thức trong việc tiếp cận đủ thực phẩm dinh dưỡng do các yếu tố kinh tế xã hội và môi trường khác nhau. Do đó, tình trạng suy dinh dưỡng và thiếu vi chất dinh dưỡng tiếp tục là mối lo ngại lớn về sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu.

Theo các tác giả của nghiên cứu, tình trạng trẻ em không có thực phẩm nhấn mạnh sự cần thiết phải có các biện pháp can thiệp có mục tiêu để cải thiện thực hành nuôi dưỡng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cũng như đảm bảo dinh dưỡng tối ưu trong giai đoạn phát triển quan trọng này. Vấn đề này đặc biệt cấp bách ở Tây, Trung Phi và Ấn Độ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục