Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế mới đối với xuất khẩu gạo

13:38' - 09/09/2022
BNEWS Chính phủ Ấn Độ thông báo lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế 20% đối với xuất khẩu một số loại gạo.
Chính phủ Ấn Độ thông báo lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế 20% đối với xuất khẩu một số loại gạo, giữa bối cảnh nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới đang cố gắng tăng nguồn cung và làm dịu giá gạo nội địa sau khi lượng mưa dưới mức trung bình làm hạn chế việc trồng trọt.

Ấn Độ xuất khẩu gạo sang hơn 150 quốc gia, do vậy bất kỳ động thái cắt giảm nào từ nước này sẽ làm tăng áp lực lên giá lương thực toàn cầu, vốn đã tăng vì hạn hán và cuộc xung đột Nga-Ukraine.
 
Việc áp thuế mới có thể sẽ thúc đẩy người mua rời xa gạo Ấn Độ để chuyển hướng sang các đối thủ như Thái Lan và Việt Nam, những quốc gia đang phải vật lộn để tăng lượng xuất khẩu và tăng giá.

Chính phủ Ấn độ đã loại trừ gạo đồ và gạo basmati khỏi việc áp thuế xuất khẩu mới, dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 9/9. Nước này cũng cấm xuất khẩu gạo 100% tấm, vốn  được một số nước châu Phi nghèo nhập khẩu để làm lương thực cho con người, cho dù loại gạo này chủ yếu được sử dụng cho mục đích làm thức ăn chăn nuôi.

Ấn Độ chiếm hơn 40% lượng gạo xuất khẩu toàn cầu và cạnh tranh với Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Myanmar. Lượng mưa dưới mức trung bình ở các bang sản xuất lúa gạo chính như Tây Bengal, Bihar và Uttar Pradesh đã làm dấy lên những lo ngại về sản lượng gạo của Ấn Độ. Nước này cũng đã cấm xuất khẩu lúa mỳ và hạn chế xuất khẩu đường.

Xuất khẩu gạo của Ấn Độ chạm mức kỷ lục 21,5 triệu tấn trong năm 2021, nhiều hơn tổng mức xuất khẩu của bốn nước xuất khẩu gạo lớn xếp sau họ là Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Mỹ.

Ấn Độ là nhà cung cấp gạo rẻ nhất nhờ lợi nhuận lớn và đã giúp cũng cáp lương thực cho các nước châu Phi như Nigeria, Benin và Cameroon do sự phục hồi của giá lúa mì và ngô.

Lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm của Ấn Độ có thể ảnh hưởng xấu đến Trung Quốc, vốn có nhu cầu nhập khẩu gạo tấm để làm thức ăn chăn nuôi. Trung Quốc là nước mua gạo tấm lớn nhất thế giới, với lượng mua 1,1 triệu tấn vào năm 2021./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục