Ấn Độ cần một "cú hích" để hỗ trợ chuyển đổi năng lượng xanh

06:30' - 26/07/2021
BNEWS Các loại xe điện hiện có trên thị trường không gây ô nhiễm không khí và có giá rẻ hơn đáng kể khi chạy trên cơ sở vòng đời mỗi km. Tuy nhiên, nhu cầu đối với loại xe này đã không tăng.

Tờ Indian Express ngày 21/7 đăng bài viết của nhà nghiên cứu cao cấp Ajay Shankar thuộc Viện nghiên cứu nguồn năng lực và phát triển Ấn Độ (TERI) cho rằng một gói kích cầu lớn dường như là cần thiết để thúc đẩy kế hoạch phục hồi kinh tế hình chữ V mà Ấn Độ cần, tức là kế hoạch thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng mạnh ngay khi chạm đáy sau một giai đoạn suy giảm mạnh. Bên cạnh đó, một biện pháp kích thích xanh có thể tạo ra nhu cầu, giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng xanh.

Trong vài tháng tới, xung quanh Lễ hội Diwali (Lễ hội lớn nhất hàng năm của người Ấn Độ), việc đốt rơm rạ ở miền Bắc Ấn Độ sẽ tạo ra một cuộc khủng hoảng ô nhiễm không khí nặng nề. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm có thể được hạn chế bằng cách thu mua tất cả các chất thải từ cây trồng. Chất thải này có thể được chuyển thành than đóng bánh, thay thế cho than trong các nhà máy nhiệt điện.

Tập đoàn Nhiệt điện Quốc gia (NTPC) đã thực hiện thành công điều này mà không làm tăng thêm chi phí phát điện. Điều này cho thấy chất thải cây trồng cũng có thể được chuyển thành than bánh cho các doanh nghiệp tư nhân. Khi đó, đầu tư phân tán của tư nhân để chuyển đổi sẽ diễn ra, tạo ra nhu cầu về thiết bị chuyển đổi, lao động và vận tải. Kết quả là ô nhiễm không khí sẽ được giảm tải mà không phải trả bất kỳ chi phí nào cho chính phủ. Bây giờ là lúc bắt đầu.

Ngoài ra, các loại xe điện (ô tô, ba và hai bánh) hiện có trên thị trường không gây ô nhiễm không khí và có giá cả rẻ hơn đáng kể khi chạy trên cơ sở vòng đời mỗi km. Tuy nhiên, nhu cầu đối với loại xe này đã không tăng vì thiếu cơ sở hạ tầng cung ứng hỗ trợ.

Do đó, cho đến khi một lượng lớn cơ sở hạ tầng cung ứng hỗ trợ quan trọng trên các tuyến đường cũng như trong các khu dân cư và khu phức hợp văn phòng được tạo ra, nhu cầu về xe điện sẽ không tăng và việc đầu tư vào các trạm sạc năng lượng sẽ không tạo ra lợi nhuận. Đây là một câu hỏi hóc búa kinh điển 

Một chương trình quốc gia về việc xây dựng các trạm sạc điện ở tất cả các thành phố có dân số hơn 1 triệu người đã được kêu gọi. Kế hoạch có thể được tài trợ đầy đủ thông qua một khoản nợ được chính phủ trung ương bảo lãnh.

Điều này sẽ cung cấp một gói kích cầu lớn trên toàn quốc, tạo ra sự gia tăng bền vững về nhu cầu đối với xe điện và chuỗi cung ứng sản xuất. Việc mua xe bus điện cho các dịch vụ xe bus thành phố cũng có thể được tài trợ toàn bộ thông qua khoản nợ được chính phủ bảo lãnh.

Các biện pháp này, ngoài việc tạo ra một động lực kích cầu, cũng sẽ dẫn đến cải thiện đáng kể chất lượng không khí ở các thành phố bị ô nhiễm cao của Ấn Độ.

Ấn Độ đã thể hiện tham vọng đáng ngưỡng mộ trong việc vượt xa cam kết của mình theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, nhằm đạt công suất năng lượng tái tạo 450 GW vào năm 2030.

Một cách dễ dàng để đạt được tiến bộ là có hướng dẫn chính sách quốc gia cho các bang để các công ty phân phối điện công bố một mức giá trả thù lao (biểu giá nhập) mà tại đó họ sẽ mua điện Mặt Trời từ các khu vực nông thôn. Điều này đã được chỉ ra trong bài phát biểu về ngân sách của Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ.

Sử dụng điện năng lượng Mặt Trời sẽ không cần đầu tư vào đường truyền. Các công ty phân phối sẽ tiết kiệm tiền vì chi phí thực tế để cung cấp điện ở các vùng nông thôn là hơn 7 rupee/đơn vị (tương đương giá bằng 0,1 USD) trong khi con số này trong biểu giá điện Mặt Trời có thể chỉ là khoảng 4 rupee/đơn vị (0,05 USD). 

Khi đó, năng lượng Mặt Trời được tạo ra trong một ngôi làng sẽ giúp việc cung cấp điện trong ngày để nông dân để tưới tiêu dễ dàng hơn. Điều này cũng sẽ tạo điều kiện sử dụng nước hiệu quả hơn. Nếu việc tạo ra 1 MW từ một làng là hiện thực, với 6 vạn làng, Ấn Độ có tiềm năng tạo ra công suất 600 GW. Một chương trình như vậy sẽ tạo ra đầu tư tư nhân phân tán rộng rãi và tăng thu nhập. 

Ở châu Âu, Đức là quốc gia đã sử dụng biểu giá nhập khẩu có tác dụng lớn để trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu trong việc sử dụng năng lượng Mặt Trời.

Giờ đây, tất cả các hộ gia đình đều có bếp và bình khí hóa lỏng và đã có điện đấu nối. Nguồn nguyên liệu từng được dùng để đun nấu như phân bò không còn cần thiết nữa và có thể được chuyển đổi trong các nhà máy nhỏ cấp làng thành khí đốt để sử dụng làm nhiên liệu đun nấu và vận chuyển, hoặc tạo ra điện.

Một kịch bản tương tự có thể được ghi nhận tại Ấn Độ. Một hệ thống do chính phủ thúc đẩy để mua loại khí đốt này, hoặc điện được tạo ra từ khí này, với mức giá có lợi sẽ tạo ra các động lực thích hợp cho đầu tư tư nhân và tạo thu nhập ở tất cả các làng ở vùng nông thôn Ấn Độ.

Ấn Độ có số lượng gia súc lớn nhất trên thế giới và mục tiêu là chuyển đổi tất cả phân bò thành năng lượng thương mại hữu ích. Đây sẽ là một trường hợp phù hợp để có một chút trợ cấp chéo. Trợ cấp chéo đã được sử dụng để giúp Sứ mệnh Mặt trời Quốc gia tiếp tục hoạt động. Chi phí nhờ đó đã giảm đáng kể.

Đây là một số cách làm sáng tạo và giá cả phải chăng cho một kế hoạch kích thích xanh nhằm tạo ra nhu cầu và việc làm phân tán với tác động cấp số nhân lớn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục