Ấn Độ có thể sớm thay thế Trung Quốc để trở thành công xưởng mới của thế giới?

05:30' - 26/11/2022
BNEWS Với tỷ lệ trung bình đạt 5,5%, Ấn Độ đã có mức tăng trưởng tốt nhất trong những năm gần đây và kinh tế nước này có thể tăng tốc nhanh hơn cùng với quá trình đô thị hóa và hiện đại hóa.

Nhật báo La Tribune mới đây có bài viết “Ấn Độ sẽ sớm trở thành công xưởng mới của thế giới trước Trung Quốc”, cho biết với tỷ lệ trung bình đạt 5,5%, Ấn Độ đã có mức tăng trưởng tốt nhất trong những năm gần đây và kinh tế nước này có thể tăng tốc nhanh hơn cùng với quá trình đô thị hóa và hiện đại hóa.

Nhưng để hiện thực hóa tham vọng này, Ấn Độ phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng với số tiền lên tới 840 tỷ USD theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), như một điều kiện để thu hút vốn và đầu tư từ nước ngoài, đồng thời tận dụng tối đa cơ hội của công nghệ số và chuyển dịch năng lượng.

Theo Liên hợp quốc, năm 2023, Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, vượt qua cả Trung Quốc. Về GDP, theo ngân hàng đầu tư Mỹ Morgan Stanley, Ấn Độ sẽ vượt qua Nhật Bản và Đức vào năm 2027, trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới sau Mỹ và Trung Quốc. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng 6,8% trong năm 2022, tức là cao gấp đôi so với kinh tế thế giới (+3,2%).

Nhưng Ấn Độ cũng phải đối mặt với nhiều thách thức và một trong số đó chính là tốc độ phát triển quá nhanh của đô thị hóa, trong khi nước này cơ bản vẫn là một nền kinh tế mới nổi chủ yếu nhờ khu vực nông thôn. Theo số liệu năm 2021 của WB, hiện có tới 64,61% dân số Ấn Độ vẫn sống bên ngoài các thành phố lớn so với 37,49% của Trung Quốc.

Trong một báo cáo vừa được công bố, WB ước tính Ấn Độ cần chi khoảng 840 tỷ USD để đầu tư cho việc hiện đại hóa đất nước trong 15 năm tới. Vào năm 2036, 40% dân số Ấn Độ, tương đương 600 triệu người, sẽ sống ở các siêu đô thị. Điều này tất yếu gây thêm áp lực cho cơ sở hạ tầng và dịch vụ đô thị vốn đã quá tải của các thành phố, trong đó có nhu cầu tiếp cận nước sạch, nguồn điện đáng tin cậy, mạng lưới giao thông hiệu quả và an toàn ngày càng tăng, cùng nhiều nhu cầu thiết yếu khác.

Vậy mà hiện nay, nguồn tài chính đầu tư cho cơ sở hạ tầng đô thị chủ yếu được lấy từ ngân sách của nhà nước và các bang, với 75%. Khu vực tư nhân chỉ đóng góp có 5% và phần còn lại được lấy từ các nguồn khác. Năm 2018, chính phủ đã chi tối đa 16 tỷ USD cho phát triển hạ tầng. Điều này cho thấy việc kêu gọi vốn tư nhân trong lĩnh vực này là rất cần thiết.

Nhưng để kêu gọi được vốn đầu tư từ các nguồn phi nhà nước, Ấn Độ cần tiến hành nhiều chương trình cải cách cơ cấu, đặc biệt trong lĩnh vực thuế, bất động sản, để mang lại nguồn thu cho các chính quyền địa phương. Các chương trình cải cách cơ cấu sẽ thúc đẩy thị trường vốn cũng như thu hút mạnh mẽ sự đầu tư của các công ty nước ngoài.

Trong thập kỷ qua, Ấn Độ đã cho thấy tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới với tốc độ trung bình hàng năm là 5,5%. Trên tất cả, quốc gia này đang có một vị trí rất thuận lợi để tận dụng lợi thế của “các xu hướng lớn”, gồm quá trình tái phân bổ toàn cầu trong một số lĩnh vực kinh tế, quá trình số hóa và chuyển đổi năng lượng, tất cả sẽ được tích hợp hoàn toàn vào cơ sở hạ tầng trong tương lai. 

Do vậy, theo ngân hàng Mỹ Morgan Stanley, GDP của Ấn Độ có thể tăng hơn gấp đôi, từ 3.500 tỷ USD hiện nay lên 7.500 tỷ USD vào năm 2031. Thị phần xuất khẩu của Ấn Độ trên thế giới cũng có thể tăng gấp đôi trong giai đoạn này, trong khi Sàn giao dịch chứng khoán Bombay có thể đạt mức tăng trưởng hàng năm là 11%, đạt mức vốn hóa thị trường là 10.000 tỷ USD trong thập kỷ tới.

“Gã khổng lồ” châu Á này cũng có thể được hưởng lợi từ việc nhiều công ty đang quay lưng với Trung Quốc và tập trung nhiều hơn vào việc phát triển thị trường địa phương hơn là chịu chi phối của các doanh nghiệp Trung Quốc. Năm 2020, tỷ trọng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở Ấn Độ chiếm 2,4% GDP so với 1,7% GDP ở Trung Quốc, trong khi tỷ lệ của 10 năm trước lần lượt là 1,6% GDP và 4% GDP.

Tăng trưởng của Ấn Độ dự kiến sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ việc thuê ngoài (gia công) dịch vụ cho các doanh nghiệp trên khắp thế giới, chẳng hạn như phát triển phần mềm, dịch vụ khách hàng và chuyển giao quy trình kinh doanh, tức là những hoạt động mà Ấn Độ đang rất có thế mạnh.

Ridham Desai, chiến lược gia thị trường chứng khoán tại Morgan Stanley, châu Á, nhận xét rằng “trong môi trường hậu COVID-19, các CEO có xu hướng chấp nhận làm việc từ xa từ nhà hoặc từ Ấn Độ hơn”. 

Nhờ vậy trong thập kỷ tới, số người được tuyển dụng ở Ấn Độ để lấp đầy các vị trí làm việc bên ngoài đất nước dự kiến sẽ tăng gấp đôi, lên hơn 11 triệu người. Chi tiêu cho gia công phần mềm toàn cầu sẽ tăng từ 180 tỷ USD lên khoảng 500 tỷ USD mỗi năm từ nay đến năm 2030.

Ấn Độ cũng đang ở vị trí sẵn sàng trở thành công xưởng của thế giới khi các chính sách cắt giảm thuế doanh nghiệp, khuyến khích đầu tư và chi tiêu cho cơ sở hạ tầng cho phép thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư vốn vào sản xuất. Tỷ trọng của lĩnh vực sản xuất trong GDP có thể tăng từ 15,6% hiện nay lên 21% vào năm 2031, nhờ việc tăng gấp đôi thị phần xuất khẩu của Ấn Độ.

Động lực này cũng sẽ được hỗ trợ bởi quá trình số hóa do chính phủ khởi xướng hơn 10 năm trước thông qua chương trình định danh quốc gia có tên “Aadhaar”. Mỗi cư dân được cung cấp các số định danh sinh trắc học duy nhất, ngoài căn cước công dân số hóa còn giúp họ dễ dàng sử dụng cho mục đích chi tiêu hàng ngày. 

Chương trình này thuộc về dịch vụ công (India Stack), phi tập trung, cung cấp hệ thống quản lý dữ liệu, thanh toán và định danh số hóa hoàn chỉnh với chi phí thấp để tạo điều kiện thuận lợi cho sự hòa nhập xã hội và kỹ thuật số của 1,4 tỷ người dân. 

Theo chuyên gia Ridham Desai, nhờ có nhiều ứng dụng, “India Stack” có khả năng tạo ra sự thay đổi lớn trong cách chi tiêu, vay mượn và tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe của Ấn Độ, giúp người tiêu dùng và doanh nghiệp dễ tiếp cận các khoản vay hơn với giá cả phải chăng.

Công cụ trên sẽ giúp nâng cao sức mua của các hộ gia đình Ấn Độ, những người có thể tăng chi tiêu từ 2.000 tỷ USD năm 2022 lên 4.900 tỷ USD vào cuối thập kỷ này. Các lĩnh vực bán lẻ phi thực phẩm và giải trí sẽ được hưởng lợi. Bởi vì ngay cả khi tốc độ tăng trưởng tiêu dùng thực tế của Ấn Độ đã đứng thứ ba sau Mỹ và Trung Quốc, thì tiềm năng của nó vẫn hứa hẹn hơn nhiều. 

Theo đánh giá của hãng kiểm toán Ernst & Young Global (EY), “thị trường Mỹ và Trung Quốc lớn hơn nhưng tương đối bão hòa với mức tăng trưởng tương đối thấp hơn. Ấn Độ mang đến cơ hội chuyển tiếp tăng trưởng cho các công ty đa quốc gia trong thập kỷ tới”. Chỉ riêng trong phân khúc kinh tế số, thị trường nước này cũng đạt giá trị 800 tỷ USD vào năm 2030, tức là tăng gấp 10 lần so với năm 2020.

Lĩnh vực năng lượng cũng được xem là yếu tố quyết định để thúc đẩy phát triển giáo dục, sức sản xuất, giao thông, thương mại và chất lượng cuộc sống của Ấn Độ. Hiện nay, một phần lớn các ngôi làng, khoảng 600.000, đã có điện nhờ vào sự phát triển mạng lưới và cơ sở hạ tầng. Cùng với sự phát triển kinh tế, mức tiêu thụ năng lượng hàng ngày của Ấn Độ dự kiến sẽ tăng 60% trong thập kỷ tới. 

Các chuyên gia tại Morgan Stanley cho biết, trong khi Ấn Độ sử dụng than, 2/3 lượng tiêu thụ năng lượng mới vẫn sẽ đến từ năng lượng tái tạo như khí sinh học và ethanol, hydro, gió, năng lượng Mặt Trời và thủy điện. Tại Hội nghị lần thứ 27 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27), Ấn Độ đi đầu trong việc thuyết phục thế giới cam kết nhanh chóng loại bỏ dần việc sản xuất năng lượng từ hydrocarbon. New Delhi muốn nhanh chóng giảm nhập khẩu dầu khí, vì vấn đề sức khỏe là sống còn, quốc gia này hiện có 21 trong số 30 thành phố ô nhiễm nhất thế giới, chỉ so với một thành phố ở Trung Quốc.

Bởi ngay cả khi tồn tại những khác biệt quan trọng giữa hai nước, nhất là về hệ thống chính trị, phát triển kinh tế của Ấn Độ cũng có những điểm tương đồng với Trung Quốc, đặc biệt là về đầu tư cơ sở hạ tầng, chế tạo, thiết lập hoạt động của các công ty đa quốc gia. Chetan Ahya, nhà kinh tế châu Á tại Morgan Stanley, dự đoán rằng “thập kỷ tới của Ấn Độ có thể giống với quỹ đạo của Trung Quốc từ năm 2007 đến 2012. Điều này sẽ biến Ấn Độ thành đầu tàu mới của kinh tế thế giới”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục