Ấn Độ hạn chế nhập khẩu hương nhang: Hành động ứng phó thích hợp

20:11' - 16/09/2019
BNEWS Vừa qua, Bộ Công Thương Ấn Độ đã ra thông báo số 15 thay đổi chế độ nhập khẩu đối với các sản phẩm hương nhang từ nhập khẩu thông thường sang nhập khẩu hạn chế.

Chiều 16/9 tại Hà Nội, Trung tâm WTO và hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) tổ chức cuộc họp giữa doanh nghiệp và các cơ quan Nhà nước liên quan về Giải pháp ứng phó trước quy định hạn chế nhập khẩu hương nhang của Ấn Độ, qua đó, nhận diện đầy đủ các nguy cơ và thảo luận những hành động thích hợp để giải quyết rào cản thương mại  này.

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Thạch Huê/BNEWS/TTXVN

Ông Trần Thanh Hải, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, ngày 31/8 vừa qua, Bộ Công Thương Ấn Độ đã ra thông báo số 15 thay đổi chế độ nhập khẩu đối với các sản phẩm hương nhang từ nhập khẩu thông thường sang nhập khẩu hạn chế.

Theo đó việc nhập khẩu phải xin phép và được một ủy ban liên bộ xem xét cấp phép theo từng lô hàng. Thông báo này có hiệu lực ngay từ ngày ký, không kèm theo quy định nào về các tiêu chí, điều kiện cấp phép.
Do Ấn Độ là thị trường không thể thay thế của các sản phẩm hương nhang liên quan (không nơi nào khác trên thế giới tiêu thụ loại sản phẩm này), thông báo này của phía Ấn Độ ngay lập tức làm đình trệ toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh ngành hương nhang xuất khẩu đi Ấn Độ của Việt Nam (với hơn 100 doanh nghiệp; khoảng 2,5 vạn lao động nông thôn cung cấp nguyên liệu tăm tre, keo, mùn cưa, bột than củi… hoặc trực tiếp sản xuất, gia công loại hương nhang này).
Từ góc độ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các cam kết quốc tế với phía Ấn Độ, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập cho rằng, có nhiều dấu hiệu cho thấy biện pháp cấp phép nhập khẩu này của Ấn Độ vi phạm các nghĩa vụ của nước này trong các thỏa thuận liên quan.
Ngành hương nhang Việt Nam hiện có khoảng 100 doanh nghiệp. Đằng sau họ là rất nhiều lao động, đặc biệt là những lao động phổ thông, yếu thế như người cao tuổi, người khuyết tật... sống tại khu vực nông thôn. Bởi đây là ngành sản xuất dễ, thu nhập thường không cao.

Các doanh nghiệp, công ty thường vẫn để cho các hộ gia đình ở nông thôn gia công. Do đó, hỗ trợ ngành hương nhang không chỉ là việc cần làm để "cứu" lấy các doanh nghiệp mà sâu xa hơn là còn vì cộng đồng người lao động.

Họ chính là những đối tượng bị ảnh hưởng lâu dài, những nhóm chuyên làm gia công hương nhang cho doanh nghiệp, bà Trang nhấn mạnh.
Chủ tịch Công ty Trường Giang, ông Võ Xuân Hợi cho biết, đơn vị đã xuất khẩu hương nhang sang Ấn Độ được hơn 20 năm qua, việc kinh doanh đều rất hữu hảo. Sản phẩm hương xuất khẩu sang Ấn Độ rất khác với hương truyền thống vì phôi hương được sản xuất từ tăm tre.

Tại xã Ứng Hoà hiện có hàng nghìn hộ đang hoạt động trong ngành nghề này; đóng góp vào nguồn thu ngân sách từ 70-100 triệu đô la Mỹ (USD)/năm, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động. 
Theo ông Võ Xuân Hợi, vì là mặt hàng đặc thù nên Chính phủ cần yêu cầu phía Ấn Độ ngừng triển khai thông báo số 15 nhằm tạo độ trễ tối thiểu để giúp doanh nghiệp bố trí hàng hóa, người lao động sao cho hợp lý.

Việc áp dụng quy định này ngay lập tức là chưa có tiền lệ trên toàn thế giới, trừ các trường hợp với dịch bệnh. Nếu các cơ quan không vào cuộc mạnh mẽ, nguy cơ ngành nghề hương nhang sẽ bị triệt tiêu và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này sẽ bị sụp đổ.
"Chính phủ Ấn Độ cũng nên xem xét lại quy định này. Việc ra những quy định mang tính rào cản như thế này sẽ gây ảnh hưởng lớn tới uy tín của doanh nghiệp Ấn Độ và nguồn cung của doanh nghiệp Việt Nam", ông Hợi nói.
Đại diện Công ty TNHH Ánh Hồng cho hay, doanh nghiệp hiện có trên 1.000 lao động, đầu tư 800 chiếc máy với giá thành khoảng 16 triệu đồng/chiếc; chưa kể các loại lò sấy, giàn phơi và thuê 2ha đất của chính quyền địa phương.

Từ năm 1996 doanh nghiệp xuất khẩu hương nhang sang Ấn Độ, hoạt động sản xuất khá ổn định nên vừa tái đầu tư 30 tỷ đồng vào hệ thống trang thiết bị máy móc, đổi mới công nghệ. Với tình huống này, giờ doanh nghiệp không biết phải xử trí ra sao vì lượng hàng trong kho hiện còn hơn 20 tỷ đồng.

Công nhân chiếm 30% là những người khuyết tật và từ độ tuổi 40 đến 60 tuổi. Tài chính của doanh nghiệp chủ yếu dựa vào nguồn vay vốn ngân hàng.

Trước đây, nghề làm hương nhang đã giúp cho 1.000 công nhân có việc làm bền vững. Doanh nghiệp mong Chính phủ hỗ trợ để vượt qua khó khăn hiện nay.
Trước những lo lắng, hoang mang của doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thu Trang cho hay, chính các nhà nhập khẩu Ấn Độ lại là người có phản ứng đầu tiên với quy định này của Chính phủ nước họ. Thực tế, Ấn Độ đã "nhăm nhe" việc bảo hộ ngành sản xuất hương nhang trong nước từ lâu nay.

Về mặt pháp lý Ấn Độ có vi phạm hay không và đâu là dẫn chứng pháp lý có căn cứ để áp dụng quy định này với sản phẩm hương nhang nhập khẩu từ Việt Nam?
Theo bà Trang, pháp luật của Ấn Độ không có bất cứ văn bản nào đề cập tới sản phẩm hương nhang, kể cả trong các quy định của WTO cũng vậy. Do đó, phải tuân thủ những quy định bắt buộc của WTO, nếu áp dụng các biện pháp quy định nhập khẩu thì Ấn Độ cũng không đảm bảo có thể đáp ứng vì phải sau 21 ngày sau khi ban hành thì quy định mới có thể có hiệu lực. 
Qua thực tiễn nhiều năm hợp tác, tìm hiểu thị trường Ấn Độ, bà Vũ Thị Hường, Công TNHH Hà Triều (tỉnh Bình Dương) cho biết, không chỉ doanh nghiệp Việt Nam "bàng hoàng" khi quy định này được ban hành, mà chính các doanh nghiệp Ấn Độ cũng bàng hoàng vì hiện đang là mùa cao điểm chuẩn bị cho lễ hội lớn tháng 10 của Ấn Độ.
Ở bên nước họ, còn phải tăng ca sản xuất từ 8 đến 10h/ngày. Hạn chế nhập khẩu sản phẩm và các nguyên vật liệu sản xuất hương nhang từ Việt Nam, có thể sẽ kéo theo hàng loạt công nhân Ấn Độ phải nghỉ việc vì sẽ không có hàng để đóng gói; cùng với đó là hệ lụy ảnh hưởng tới hệ thống phân phối, các siêu thị bán hàng, thuế, doanh thu thương mại của Ấn Độ....

Chưa kể, các doanh nghiệp Ấn Độ sẽ còn bị các đối tác là hệ thống các siêu thị của Pháp, Mỹ phạt do không đáp ứng đủ nhu cầu hàng hóa.
Trước thực trạng này, theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, sẽ không có giải pháp nào thực sự áp dụng được cho các doanh nghiệp trong nước trong tình huống bị động như thế này. Chỉ trừ đó là sự can thiệp của Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan. Việc yêu cầu Chính phủ Ấn Độ hủy bỏ 1 văn bản quy định là "hơi khó". Nhưng cần phải sớm có cuộc làm việc giữa Chính phủ 2 nước để hoãn hiệu lực thi hành của văn bản nói trên. Cùng với đó, các bên liên quan cần trao đổi tính pháp lý và tính đúng đắn của thông tư này. 
Ông Trần Thanh Hải, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, với kim ngạch xuất khẩu hương nhang đạt mức 76 triệu USD trong năm 2018 đã khẳng định đóng góp quan trọng và nhiều ý nghĩa của ngành này đối với sự phát triển kinh tế.

Quan trọng hơn đây là lĩnh vực giải quyết việc làm cho đông đảo người dân lao động ở nông thôn, chuyên nông nghiệp và còn là ngành sản xuất tận dụng các  nguyên vật liệu là phế phẩm của các ngành khác góp phần giảm thiểu và hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn.
Ông Hải cho biết thêm, việc đưa ra hàng rào hạn chế nhập khẩu với một số ngành, mặt hàng không phải là chuyện mới. Nhưng nghiệt ngã nhất là quy định phải được áp dụng ngay lập tức mà không hề có độ trễ để doanh nghiệp thích ứng hay có giải pháp chuyển đổi.

Bản thân Ấn Độ cũng không đưa ra được bất cứ 1 lý do xác đáng nào giải thích cho việc này.
Theo ông Hải, trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp cần phải biết tập hợp và kết nối với nhau; thành lập hiệp hội gồm các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người lao động trong lĩnh vực này để chia sẻ thông tin, tạo tiếng nói chung nâng tầm hoạt động của hiệp hội trở nên chuyên nghiệp hơn.
Qua vụ này, ông Hải cho rằng, các doanh nghiệp cũng cần "thức tỉnh" nhiều điều và phải biết lựa cách sống trong môi trường thương mại quốc tế như thế này. Doanh nghiệp cần chuẩn bị tâm thế để đối diện cũng như phương án dự phòng, đối phó với biện pháp chống bán phá giá...
Ông Hải bày tỏ mong muốn, các doanh nghiệp cần tự nâng cao năng lực cạnh tranh, sản xuất chuyên nghiệp hơn, đa dạng hoá sản phẩm, đa dạng hoá thị trường.
Về phía Bộ Công Thương, theo ông Hải, sẽ có các biện pháp quyết liệt hơn như phối hợp với Bộ Ngoại giao để đưa lên cấp cao hơn nữa; đồng thời tiếp tục đề nghị với Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, thương vụ Việt Nam bám sát, đôn đốc phía Ấn Độ.
Ông Hải cũng nhận định, cần phải biết tận dụng những đối tác liên quan có chung lợi ích để cùng nhau lên tiếng. Trong trường hợp này chỉ có doanh nghiệp Việt Nam nhưng lại có đồng minh lớn là các nhà nhập khẩu Ấn Độ và chính họ cũng đang như ngồi trên đống lửa thì hãy nên lôi kéo họ vào cuộc, liên kết chặt chẽ với các đối tác để lên tiếng phản đối và đòi hỏi những quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục