Ấn Độ tăng thuế 29 mặt hàng nhập khẩu của Mỹ

19:00' - 15/06/2019
BNEWS Ấn Độ đã quyết định tăng thuế đối với 29 mặt hàng nhập khẩu của Mỹ sau nhiều lần trì hoãn kể từ khi công bố kế hoạch này hồi năm ngoái.

Tờ Economic Times số ra ngày 15/6 dẫn lời một quan chức Ấn Độ cho biết sẽ không có thêm bất kỳ sự chậm trễ nào trong việc áp thuế trả đũa đối với Mỹ, theo đó các mức thuế quan mới sẽ có hiệu lực từ ngày 16/6.

Ấn Độ tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Mỹ. Ảnh minh họa:AP

Trong khi đó, hãng thông tấn Press Trust cho biết Bộ Tài chính Ấn Độ sẽ sớm đưa ra thông báo chính thức, mặc dù nước này đã thông báo quyết định của mình tới phía Mỹ.

Trước đó, tháng 6/2018, Chính phủ Ấn Độ tuyên bố sẽ tăng thuế nhập khẩu đối với một loạt hàng hóa của Mỹ, trong đó có hạt hạnh nhân và táo.

Động thái này được cho là nhằm đáp trả việc Washington từ chối miễn trừ New Delhi khỏi các mức thuế cao hơn đối với các sản phẩm thép và nhôm.

Tuy nhiên, Ấn Độ đã nhiều lần trì hoãn việc tăng thuế đối với Mỹ vì các cuộc đàm phán giữa hai nước đã làm dấy lên hy vọng về một giải pháp.

Mặc dù vậy, quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump chấm dứt chương trình ưu đãi thương mại đối với Ấn Độ trong khuôn khổ chương trình Hệ thống Ưu đãi phổ cập (GSP) kể từ ngày 5/6 dường như đã châm ngòi cho động thái mới nhất của New Delhi.

Căng thẳng thương mại giữa Ấn Độ và Mỹ leo thang bất chấp nỗ lực của Washington nhằm thúc đẩy các mối quan hệ với New Delhi, và mối quan hệ tốt đẹp giữa Tổng thống Trump và người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi. 

Tổng thống Trump và Tổng thống Modi có kế hoạch gặp nhau tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra từ ngày 28-29/6 tới tại Osaka, Nhật Bản, trong đó vấn đề thương mại có thể sẽ được đưa ra thảo luận.

Đây cũng có thể là chủ đề thảo luận trong cuộc gặp giữa Tổng thống Modi và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, người sẽ thăm Ấn Độ vào cuối tháng này.

Ngày 12/6 vừa qua, Ngoại trưởng Pompeo cho biết Mỹ sẵn sàng đối thoại với Ấn Độ và sẽ "đề cập tới một số chủ đề hóc búa".

Hệ thống GSP miễn thuế cho “một số sản phẩm nhất định” nhập khẩu vào Mỹ nếu đáp ứng tiêu chí phù hợp, trong đó có việc “cho phép Mỹ tiếp cận thị trường công bằng và thỏa đáng”.

Theo số liệu của Quốc hội Mỹ, Ấn Độ là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất tư chương trình GPS của Mỹ trong suốt nhiều thập kỷ, với việc xuất khẩu số hàng hóa miễn thuế trị giá 5,7 tỷ USD sang Mỹ vào năm 2017.

Theo số liệu chính thức, trong năm 2018, kim ngạch trao đổi hàng hóa và dịch vụ của Mỹ với Ấn Độ ước đạt 142,1 tỷ USD, trong khi thâm hụt thương mại của Mỹ với Ấn Độ là 24,3 tỷ USD./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục