Ấn Độ tìm cách đảm bảo nguồn cung đường trong nước

08:52' - 13/09/2023
BNEWS Bộ Các vấn đề Người tiêu dùng, Thực phẩm và Phân phối Công cộng Ấn Độ đã yêu cầu các nhà kinh doanh đường liên hệ với các nhà máy để thu thập thông tin chi tiết về toàn bộ doanh số từ tháng 5-8/2023.

Trong nỗ lực nhằm đảm bảo nguồn cung đường dồi dào với mức giá hợp lý trong mùa lễ hội, theo lệnh của Chính phủ Ấn Độ, Bộ Các vấn đề Người tiêu dùng, Thực phẩm và Phân phối Công cộng đã yêu cầu các nhà kinh doanh đường và các đại lý được công nhận liên hệ với các nhà máy để thu thập thông tin chi tiết về toàn bộ doanh số từ tháng 5-8/2023 trước ngày 12/9. Theo đó, chính phủ sẽ có được thông tin về lượng đường còn tồn kho.

Bộ Các vấn đề Người tiêu dùng, Thực phẩm và Phân phối Công cộng đã viện dẫn Điều 5 của Lệnh (Kiểm soát) Đường năm 1966 để tìm kiếm dữ liệu đầy đủ về lượng đường tồn kho với các thương nhân, đại lý, chuỗi bán lẻ lớn, nhà bán buôn và các bộ phận xử lý.

 

Bức thư, cũng được gửi tới các hiệp hội ngành, kêu gọi họ tư vấn và phối hợp với các nhà máy đường để cung cấp thông tin. Các hiệp hội ngành bao gồm Hiệp hội các nhà máy đường Ấn Độ (ISMA), Liên đoàn các nhà máy đường hợp tác quốc gia (NFCSF) và Hiệp hội thương nhân đường toàn Ấn Độ (AISTA).

Với sự ra mắt của Liên minh nhiên liệu sinh học toàn cầu tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và sự thúc đẩy của chính phủ nhằm tăng cường pha trộn ethanol vào nhiên liệu, nhu cầu đường sẽ tăng vượt mức tiêu thụ thực phẩm.

Điều này xảy ra vào thời điểm công ty Avlean có trụ sở tại Thụy Sỹ tuần trước dự báo nguồn cung đường sẽ thiếu hụt trong năm nay do sản lượng dự kiến giảm ở Ấn Độ, nước sản xuất đường lớn thứ hai trên thế giới sau Brazil.

Ấn Độ phải đối mặt với tình trạng thiếu mưa 36% trong tháng Tám. Đây là tháng Tám khô hạn nhất trong một thế kỷ, dẫn đến suy đoán rằng sản lượng mía sẽ bị ảnh hưởng trong năm nay.

Lượng mưa thiếu hụt ở hai vùng trồng mía trọng điểm là Maharashtra và Karnataka thấp hơn mức trung bình khoảng 50% trong năm nay.

Sản lượng dự kiến giảm cũng dẫn đến khả năng Ấn Độ áp đặt lệnh cấm xuất khẩu đường lần đầu tiên sau 7 năm. Sản lượng thấp hơn và lo ngại nguồn cung thiếu hụt đã khiến giá đường trên thị trường thế giới tăng vọt./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục