Ấn Độ trở thành nền kinh tế có mức tăng trưởng nhanh nhất thế giới

16:54' - 01/12/2015
BNEWS Trong quý kết thúc của năm tài khóa hiện nay kinh tế Ấn Độ tăng trưởng 7,4%, và vượt Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Ấn Độ vượt Trung Quốc trở thành nền kinh tế có tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Ảnh: Reuters

Theo các số liệu thống kê chính thức vừa công bố, trong quý kết thúc vào tháng 9/2015 trong tài khóa hiện nay (bắt đầu từ 1/4/2015 đến 31/3/2016), nền kinh tế Ấn Độ tăng trưởng 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái, mạnh hơn mức tăng 7,0% trong quý trước đó, và vượt Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Với mức tăng trên, Ấn Độ có ba quý liên tiếp đạt tăng trưởng trên mức 7,0%, vượt mức tăng trưởng (6.9%) của nền kinh tế láng giềng Trung Quốc, và dẫn đầu trong số các thị trường đang nổi, “qua mặt” Nga và Brazil.

Theo chuyên gia phân tích Sujan Hajra, Trung Quốc là nền kinh tế có mức tăng trưởng cao nhất thế giới trong suốt hai thập niên cho đến năm 2014, song Ấn Độ sẽ thay thế vị trí này của Trung Quốc trong ít nhất là hai đến ba năm tới.

Đây là dấu hiệu tích cực trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu còn gặp nhiều khó khăn, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại trong khi các nền kinh tế đang nổi khác trong nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS), như Brazil và Nga đang sụt giảm.

Cụ thể, trong cùng quý từ tháng 7-9/2015, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,9%, trong khi GDP của Nga sụt giảm 4,1% còn của Brazil được dự báo giảm 4,2%.

Có được nhịp độ tăng trưởng cao kể trên chủ yếu là nhờ chi tiêu trong lĩnh vực công hơn là tiêu dùng tư nhân. Lĩnh vực đầu tư của Ấn Độ trong quý vừa qua tăng 6,8%, so với mức tăng 4,9% trong quý kết thúc vào tháng 6/2015.

Trước kết quả tăng trưởng trên, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Arun Jaitley cho rằng GDP của Ấn Độ trong tài khóa hiện nay sẽ tăng hơn mức kỷ lục 7,3% đạt được trong tài khóa trước và sẽ tăng trưởng mạnh hơn trong những năm sau đó.

Số liệu tích cực này cũng cho thấy khả năng Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI, Ngân hàng trung ương nước này) có thể sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp về chính sách tiền tệ lần này.

Ông Modi đã coi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế làm trọng tâm cho chính sách của ông kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 5/2014 và trong trong quý I, II và III năm nay, kinh tế Ấn Độ đã đạt nhịp độ tăng trưởng lần lượt 7,5%, 7,0% và 7,4%.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư đang gia tăng lo ngại về tốc độ thực hiện các cải cách cần thiết mà Ấn Độ đã cam kết nhằm tạo việc làm cho hàng chục triệu người trẻ tuổi ở nước này.

Giới đầu tư cũng hy vọng chính phủ của ông Modi sẽ đạt được thỏa thuận với các đảng đối lập và thúc đẩy cải cách, trong đó có một chính sách mở đường cho chính sách về thuế tiêu dùng được chờ đợi lâu nay.

Thùy Chi (Theo AFP)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục