An Giang cải thiện môi trường đầu tư để thu hút nguồn lực

18:11' - 19/06/2024
BNEWS Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy, An Giang luôn xác định việc cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh là động lực quan trọng để thu hút nguồn lực cho phát triển.
Đưa An Giang trở thành điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư và doanh nghiệp, đây là thông tin được bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang đưa ra tại hội nghị “Công bố và phân tích Chỉ số năng lực cạnh tranh (Chỉ số PCI) và Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp Sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) tỉnh An Giang năm 2023” do UBND tỉnh An Giang tổ chức chiều 19/6.

 
Phát biểu tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy nhấn mạnh, chính quyền An Giang luôn xác định việc cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh là động lực quan trọng để thu hút nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tuy nhiên các cấp, ngành, địa phương cần phải thẳng thắn nhìn nhận hoạt động thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp thời gian qua trên địa bàn tỉnh vẫn còn khó khăn.

"Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ban, ngành tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm cải thiện từng chỉ tiêu, từng điểm số một cách thực chất, góp phần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh với mục tiêu phục vụ doanh nghiệp và xã hội ngày càng tốt hơn, để tỉnh An Giang thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư và doanh nghiệp…", bà Nguyễn Thị Minh Thúy cho hay.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư An Giang, năm 2023, mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, nhưng nhìn chung tình hình kinh tế - xã hội An Giang có nhiều khởi sắc và tăng trưởng khá. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh đạt 7,36%. Sản xuất nông, lâm, thủy sản tiếp tục duy trì tăng trưởng ổn định, tạo nền tảng vững chắc cho nền kinh tế; sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi và phát triển mạnh mẽ; hoạt động thương mại, dịch vụ và du lịch diễn ra sôi động, chuyển biến rất rõ nét.

Năm 2023, chỉ số PCI An Giang xếp ngoài top 30 các địa phương dẫn đầu. So với năm 2022, trong 10 chỉ số thành phần, PCI An Giang có 6 chỉ số tăng điểm và 4 chỉ số giảm điểm.

Theo đó, 6 chỉ số tăng điểm gồm: chỉ số tiếp cận đất đai; chỉ số chi phí thời gian, chỉ số cạnh tranh bình đẳng, chỉ số tính năng động của chính quyền, chỉ số đào tạo lao động và chỉ số thiết chế pháp lý và an ninh trật tự. Có 4 chỉ số giảm điểm gồm: chỉ số gia nhập thị trường, chỉ số tính minh bạch, chỉ số chi phí không chính thức và chỉ số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư An Giang, kết quả PCI năm 2023 cho thấy, môi trường kinh doanh An Giang tuy có chuyển biến tích cực nhưng không rõ nét, chưa ổn định. Một vài chỉ số thành phần tiếp tục giảm điểm nguyên nhân do việc công bố công khai văn bản chỉ đạo điều hành trên cổng, trang thông tin điện tử chưa kịp thời; tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà trong giải quyết công việc liên quan đến người dân và doanh nghiệp có lúc, có nơi vẫn còn, chưa được khắc phục triệt để; vẫn còn hiện tượng một bộ phận cán bộ, công chức khi thi hành công vụ nhũng nhiễu, làm khó doanh nghiệp nhưng chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn, xử lý...

Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho rằng, năm 2024, là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, An Giang cần phải bứt phá mạnh mẽ để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. "Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực vào cuộc mạnh mẽ, của các sở, ban, ngành trong công tác cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp", Phó chủ tịch Lê Văn Phước nhấn mạnh.

Để cải thiện Chỉ số PCI trong năm 2024, ông Lê Văn Phước yêu cầu các cấp, các ngành tập trung giải pháp giải quyết nhanh chóng những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp một cách hiệu quả, tránh tình trạng giải quyết các kiến nghị, khó khăn cho doanh nghiệp kéo dài, mất nhiều thời gian; tăng cường đối thoại với doanh nghiệp theo ngành, lĩnh vực và địa phương phụ trách.

Ông Lê Văn Phước cũng yêu cầu các sở, ngành không để xảy ra tình trạng cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà đối với người dân, doanh nghiệp; coi việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên; trong đó, thủ trưởng các sở, ngành và địa phương thấp điểm, thấp hạng phải tự xem xét, soi rọi, đánh giá lại cách thức điều hành của mình để chỉnh sữa cho phù hợp và UBND tỉnh sẽ xem đây là một trong những tiêu chí để xem xét, bình chọn thi đua khen thưởng cuối năm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục