An Giang sẽ vận hành xả lũ đập tràn cao su Trà Sư vào ngày 4/10

18:51' - 02/10/2019
BNEWS An Giang sẽ vận hành xả đập tràn cao su Trà Sư vào 8 giờ sáng ngày 4/10/2019 (thứ sáu), nhằm ngày mùng 6 tháng 9 âm lịch.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang đã thống nhất với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang sẽ vận hành xả đập tràn cao su Trà Sư vào 8 giờ sáng ngày 4/10/2019 (thứ sáu), nhằm ngày mùng 6 tháng 9 âm lịch.

Đập Trà Sư đang xây dựng dở dang, hiện mực nước ở khu vực hạ lưu vẫn ở mức thấp. Ảnh: Công Mạo -TTXVN

Theo quy trình vận hành hệ thống công trình thủy lợi vùng tứ giác Long Xuyên, thì đập Tha La và đập Trà Sư được xả sau ngày 30/8, sau khi các địa phương trong vùng đã thu hoạch xong vụ lúa Hè Thu; việc vận hành xả đập Trà Sư kiểm soát lũ năm 2019 nhằm chủ động lấy phù sa, vệ sinh đồng ruộng, cung cấp nước ngọt và phục vụ dân sinh vùng Tứ giác Long Xuyên và vùng hạ lưu.
Hiện mực nước ngày 2/10 ở thượng lưu đập Tha La là 3,51m, hạ lưu là 2,34m; tại đập Trà Sư là trên 3,50m, hạ lưu đập trên 2,40m, vẫn đang ở mức thấp. Dự báo, sau khi xả lũ  1 - 3 ngày, mực nước hạ lưu đập Trà Sư dự báo sẽ tăng từ 0 - 40cm, tại ngã 3 kênh Trà Sư với kênh Đào tăng 10 - 20cm; tại ngã 3 kênh Trà Sư với kênh Cần Thảo tăng 5 - 10cm; mực nước nội đồng Tứ giác Long Xuyên tại Xuân Tô (Tịnh Biên) và Tri Tôn tiếp tục lên, đến ngày 3/10 có khả năng vượt báo động I từ 0,10-0,20m.
Ông Lữ Cẩm Khường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết, hiện nay, tỉnh Kiên Giang vẫn còn một số diện tích lúa Hè Thu chưa thu hoạch xong, tuy nhiên, lũ năm nay ở mức thấp và đã có xu hướng giảm theo thủy triều nên việc xả đập Trà Sư không gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của các địa phương trong vùng.
“Hơn nữa, năm nay lũ nhỏ và hiện các đơn vị thi công đang chặn dòng để thi công 2 cống Trà Sư và Tha La (nhằm thay thế 2 đập hơi cao su Tha La và Trà Sư) nên năm nay chỉ xả 1 đập Trà Sư nhằm chủ động lấy phù sa, tháo chua rửa phèn cho vùng tứ giác Long Xuyên”, ông Khường nói.
Để bảo vệ an toàn cho người, tài sản của người dân vùng hạ lưu, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Ứng phó biến đổi khí hậu - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác thủy lợi An Giang thông báo đến các đơn vị, địa phương và nhân dân biết, có phương án an toàn, bảo vệ đê bao sản xuất.
Trong quá trình mở đập xả lũ, các địa phương trong vùng nếu có yêu cầu đóng đập để bảo vệ an toàn đê bao tiểu vùng sản xuất phải báo cáo về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Ứng phó biến đổi khí hậu - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang để kịp thời có hướng xử lý.
Hai đập Tha La và Trà Sư được xây dựng, đưa vào quản lý, vận hành từ tháng 5/2000. Nhiệm vụ chính là điều tiết lũ từ thượng nguồn Campuchia ra biển Tây, ngăn lũ đổ về phía Nam Quốc lộ 91 bảo vệ diện tích lúa Hè Thu, bảo an toàn sản xuất vụ Thu Đông (vụ ba).

Việc xả lũ ở hai đập Tha La và Trà Sư nhằm vận hành linh hoạt, đảm bảo tính an toàn cũng như kiểm soát lũ của hai đập Tha La và Trà Sư đối với vùng Tứ Giác Long Xuyên được tốt hơn.
Đến nay, sau 19 năm đưa vào sử dụng, hai đập Tha La và Trà Sư đã xuống cấp và đang được xây dựng cống bằng bê tông để thay thế nhằm phục vụ tốt hơn truy trình kiễm soát lũ cho khu vực đầu nguồn sông Cửu Long và vùng Tứ Giác Long Xuyên; dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2019.
Theo ông Lưu Văn Ninh, Giám đốc Đài khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tại Tân Châu, Châu Đốc và vùng nội đồng Tứ giác Long Xuyên tiếp tục lên nhanh trong 1-2 ngày tới; có khả năng đạt đỉnh trong ngày 30/9 đến 01/10.
Dự báo trong những ngày tới, mực nước khu vực đầu nguồn sông Cửu Long tại Tân Châu có khả năng ở mức 3,45 -3,55m; trên sông Hậu tại Châu Đốc ở mức 2,95 -3,05m; khu vực nội đồng Tứ giác Long Xuyên, mực nước tiếp tục lên chậm và có khả năng đạt đỉnh vào ngày 01 – 03/10, trên kênh Vĩnh Tế tại Xuân Tô có khả năng ở mức 3,40m (dưới báo động II 0,10n); trên kênh Tri Tôn tại Tri Tôn ở mức 2,00m (ở mức báo động I).
Do đó, các địa phương và người dân chủ động gia cố lại hệ thống cống bọng, các tuyến đê bao xung yếu; khẩn trương thu hoạch dứt điểm diện tích lúa, hoa màu còn lại, với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” để giảm bớt thiệt hại do lũ gây ra./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục