An sinh xã hội tại Pháp - vấn đề gây quan ngại

06:30' - 31/07/2024
BNEWS Tờ Les Echos mới đây đăng bài phân tích về việc Pháp tăng chi tiêu dành cho y tế, gây ảnh hưởng tới vấn đề an sinh xã hội.

 

Chi tiêu của người Pháp dành cho việc chăm sóc sức khỏe ở các thành phố đã tăng đáng kể từ tháng 1/2024. Một uỷ ban gồm các chuyên gia tài chính công ngày 26/7 đã cảnh báo rằng việc hoàn trả chi phí thuốc men, thăm khám y tế và “chăm sóc y tế đô thị” khác được cung cấp cho người Pháp có thể tiêu tốn nhiều hơn 1 tỷ euro so với dự kiến trong năm nay. Điều này đủ để tác động xấu đến các quỹ an sinh xã hội trong khi các cuộc thảo luận về ngân sách vào mùa Thu tới có thể sẽ gặp nhiều khó khăn giữa bối cảnh đất nước đang trong giai đoạn tái cơ cấu chính trị. Các tài khoản an sinh xã hội tại Pháp đã xuống cấp trầm trọng.

Trong 6 tháng đầu năm nay, chi tiêu chăm sóc sức khỏe Pháp đã tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2023. Ủy ban cảnh báo và nêu chi tiết về sự gia tăng của chi tiêu bảo hiểm y tế theo quan điểm mới nhất của họ rằng con số này cao hơn mức tăng 4,2% dự kiến trong ngân sách được phê duyệt.

* Lý giải sự tăng chi phí

Ủy ban lưu ý rằng chi phí chăm sóc tăng vọt là do việc chi trả cho hầu hết các hạng mục. Hóa đơn cao hơn dự kiến là bởi các khoản phí trả cho bác sĩ chuyên khoa, nhà vật lý trị liệu, thuốc men, vận chuyển y tế hoặc các thủ tục y tế. Tiền bồi thường khi nghỉ ốm cũng tăng hơn dự kiến.

Kết quả là nếu xu hướng này duy trì, ủy ban trên dự đoán mức tăng vượt dự kiến sẽ tương đương hơn 1 tỷ euro. Chăm sóc cộng đồng, hiện chiếm hơn 40% tổng chi tiêu y tế, sẽ tiêu tốn khoảng 110 tỷ USD vào cuối năm nay.

Để ngăn chặn chi tiêu y tế đi chệch hướng, ngân sách sẽ cung cấp khoản dự trữ. Tuy nhiên, uỷ ban tin rằng chỉ một phần có thể được sử dụng để tài trợ cho việc chăm sóc cộng đồng. Chẳng hạn, rất khó trông chờ vào khoản ngân sách dự phòng để cung cấp cho các bệnh viện (với nhu cầu khoảng 570 triệu euro). Bởi vì các bệnh viện công, vốn có xu hướng hoạt động dưới công suất, hiện đang ở trong tình trạng tài chính tồi tệ, do họ vẫn chưa quyết toán được tài chính năm 2023, các chuyên gia lưu ý.

Cuối cùng, bằng cách dựa vào một số “dự trữ” nhất định và dựa vào thực tế là các phòng thí nghiệm sinh học y tế có thể buộc phải "thắt lưng buộc bụng", mức tăng vượt dự kiến trong chi tiêu y tế, tất cả các hạng mục cộng lại, có thể được kiềm chế ở mức hơn 500 triệu euro. Đây vẫn là một khoản chênh “đáng kể” đối với ủy ban trên.

* Thâm hụt hơn 16 tỷ euro

Sự trượt dốc trong chi tiêu y tế mang lại lo ngại sẽ đè nặng lên các tài khoản an sinh xã hội, vốn đã rất xuống cấp và bị Tòa án Kiểm toán Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng 5/2024 đánh giá là hoàn toàn “ngoài tầm kiểm soát”. Với doanh thu thấp hơn dự kiến, thâm hụt trong hệ thống bảo trợ xã hội hiện có thể lên tới 16,6 tỷ euro vào cuối năm nay.

Dù đại dịch đã kết thúc nhưng ngành y tế vẫn thiếu hụt tài chính. Vốn đã phải đối mặt với chi phí y tế ngày càng tăng trong bối cảnh dân số già đi và sự phát triển của các bệnh mãn tính, nước Pháp cũng phải đối mặt với chi phí tăng thêm cho các chuyên gia y tế. Dự luật được quyết định vào mùa Xuân sẽ tăng lương cho các bác sĩ tư nhân.

Bài phân tích trên tờ Les Echos cho rằng Mặt trận Bình dân Mới (NFP) và Đảng Tập hợp Quốc gia (RN) hứa hẹn sẽ bãi bỏ cải cách lương hưu vào mùa Thu. Các cuộc thảo luận về ngân sách, vốn đã được chính phủ từ chức của Thủ tướng Gabriel Attal chuẩn bị kỹ lưỡng, khả năng sẽ gặp khó khăn.

Đặc biệt là trong bối cảnh Pháp đang nằm trong tầm ngắm của EU, nước này có thể bị EU trừng phạt nếu không thể giải quyết vấn đề tài chính.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục