An toàn cho trẻ khi ở chung cư, cần lưu ý những gì?

10:48' - 01/03/2021
BNEWS Khi sinh sống tại các khu chung cư cao tầng, cha mẹ nên lưu ý một số điều để đảm bảo tính mạng cho con em mình.

Những vụ tai nạn khi trẻ rơi từ trên cao đã xảy ra rất nhiều đặc biệt tại các khu chung cư. Chỉ vì sự bất cẩn của người lớn mà trẻ nhỏ phải trả giá bằng cả tính mạng. Đây không còn là môt vấn đề riêng của bất kỳ gia đình nào.

Khi sinh sống tại các khu chung cư cao tầng, để đảm bảo tính mạng cho con em mình, cha mẹ nên lưu ý một số điều như sau:

1. Ban công phải cao

Trong những lưu ý đặc biệt khi ở nhà chung cư, ban công là một trong những nơi cần được quan tâm nhất. Lan can ban công nhà cao tầng tối thiểu phải cao 1,1m.

Một điều quan trọng khác là không được phép làm lan can theo thanh ngang tính từ mặt sàn lên đến đỉnh. Ban công phải được làm bằng các thanh dọc hoặc đặc để tránh trường hợp trẻ con trèo lên dễ dàng. Ngoài ra hiện nay có một giải pháp an toàn khá thuận tiện và rẻ đó là làm lưới an toàn.

2. Cửa sổ tối thiểu cao từ 1m

Chiều cao cửa sổ trong mỗi căn hộ phải tối thiểu 1m tính từ mặt sàn lên bậu cửa sổ, chiều cao lớn hơn thì càng tốt. Căn hộ nào đáp ứng đủ các tiêu chuẩn trên thì được xem là an toàn với trẻ nhỏ. Để đảm bảo an toàn các hộ gia đình có thể lắp thêm lưới bảo vệ hoặc song cửa sắt.

3. Đi cùng trẻ em vào thang máy

Trẻ em rất hiếu động, và còn thiếu các kỹ năng khi đi thang máy. Và việc đi thang máy ở các khu chung cư là không tránh khỏi, tuy nhiên cần giám sát trẻ không được để cho trẻ tự ý vào thang máy vì trẻ có thể gặp các chấn thương như: kẹt tay, vấp ngã, hoa mắt chóng mặt, ám ảnh sợ không gian hẹp và nghiêm trọng hơn là những sự cố hỏng thang máy, rơi thang máy luôn có nguy cơ xảy ra tại bất cứ nơi đâu. Và bé sẽ không có khả năng xử lý ngay khi có sự cố xảy ra.

Lưu ý: Không nên để trẻ nhỏ đi thang máy một mình

4. Chọn chung cư cao từ 8 - 16 tầng

Nên chọn căn hộ chung cư trong khoảng từ tầng 8 đến tầng 16, không quá thấp và cũng không quá cao. Vừa tránh khói bụi, có không khí trong lành vừa bảo đảm an toàn, dễ di chuyển nếu xảy ra cháy nổ, mất điện, giông bão hay hỏa hoạn.

5. Luôn theo dõi, quan sát trẻ

Dù đã trang bị tất cả các biện pháp an toàn cho căn hộ, nhưng cũng không nên lơ là khi chăm sóc trẻ. Đặc biệt với trẻ dưới 6 tuổi phải luôn có người lớn sát sao các hoạt động.

Trong trường hợp bất khả kháng, nên nhờ hàng xóm hay những người có thể tin tưởng trông nom trẻ. Có thể lắp đặt thêm camera ở các khu vực trẻ hoạt động để luôn theo dõi được ở mọi lúc mọi nơi.

6. Trò chuyện, giáo dục trẻ đúng cách

Khi trẻ bắt đầu hiểu chuyện, bố mẹ hãy giáo dục trẻ những điều nguy hiểm xung quanh. Dặn trẻ không được vui chơi, leo trèo ở ban công, lan can. Một nơi mà bố mẹ cũng nên lưu ý là cầu thang bộ hay cầu thang thoát hiểm ở các tòa nhà.

Đây là vị trí khuất mà trẻ thường hay nô đùa và có các hành động như chạy nhảy, ngó đầu nhìn xuống.

Bố mẹ nên chỉ cho trẻ các biển báo nguy hiểm trong tòa nhà như khu vực có điện, khu vực thang máy, khu vực dễ cháy nổ,...

Ngoài ra, bố mẹ có thể thường xuyên tham dự lớp kỹ năng sống cho gia đình ở chung cư để nắm bắt thêm các biện pháp phòng tránh và xử lý khi gặp sự cố.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục