An toàn lưới điện cao áp tại miền Trung, Tây Nguyên – Bài 2: Lấy địa phương làm gốc

19:16' - 05/11/2016
BNEWS Kinh nghiệm là cần tăng cường mối quan hệ với chính quyền các địa phương, địa bàn có đường dây đi qua bằng việc phối hợp và ký hợp đồng bảo vệ đường dây 500 kV.
Vệ sinh cách điện Hotline. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Trên thực tế trong quá trình quản lý vận hành và bảo vệ an toàn lưới điện cao áp, kinh nghiệm được các đơn vị truyền tải điện rút ra đó chính là cần tăng cường mối quan hệ với chính quyền các địa phương, địa bàn có đường dây đi qua bằng việc phối hợp và ký hợp đồng bảo vệ đường dây 500 kV.

Lấy dân làm gốc

Truyền tải điện Gia Lai cũng như vậy. Ông Đinh Văn Cường, Giám đốc cho biết, ngoài việc phối hợp, đôn đốc, kiểm tra lực lượng trực tiếp bảo vệ tuần tra canh gác trên các tuyến đường dây, hàng tháng các đội truyền tải điện khi đi kiểm tra tuyến đã kết hợp kiểm tra nhật ký bảo vệ, lịch phân công kiểm tra canh gác tuyến đường dây 500kV của đơn vị nhận bảo vệ.

Hàng năm đơn vị thực hiện thanh lý hợp đồng và ký mới hợp đồng bảo vệ đường dây 500kV theo đúng quy định với Công an các huyện, xã và chính quyền địa phương nơi có đường dây đi qua.

Một giải pháp không kém phần quan trọng trong công tác bảo vệ hành lang an toàn lưới điện được đơn vị thực hiện đó là đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền đến người dân địa phương dưới nhiều hình thức đa dạng.

Cụ thể như: Vận động trực tiếp; phát tờ rơi; lồng ghép tuyên truyền trong các cuộc họp thôn, làng, tổ dân phố, các buổi chào cờ tại các trường học; tuyên truyền lưu động hoặc xây dựng thành các chương trình quy mô để phổ biến Nghị định của Chính phủ về việc bảo vệ công trình lưới điện cao áp và ký cam kết bảo vệ an toàn công trình lưới truyền tải điện 220 kV, 500 kV với chính quyền các địa phương, các hộ dân sống trong và liền kề hành lang; các tổ chức, công ty, lâm trường, doanh nghiệp khu vực đường dây đi qua.

Bên cạnh đó, Truyền tải điện Gia Lai còn phối hợp chặt chẽ với Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Gia Lai vận động người dân và các nông, lâm trường, Ban quản lý rừng phòng hộ...xin chặt tỉa cây cao su, thông, cây tràm cao ngoài hành lang có nguy cơ vi phạm khoảng cách an toàn, nhất là trong mùa mưa bão.

Ngay từ cuối mùa mưa đến đầu mùa khô, Truyền tải điện Gia Lai đã tổ chức công tác phát quang chống cháy hành lang hàng chục nghìn m2, phát dọn sạch cỏ, cây tạp, bụi rậm, thu gom thực bì, nguyên liệu có thể gây cháy đưa ra khỏi hành lang tuyến.

Thường xuyên kiểm tra tuyến, đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền không để người dân đưa phế phẩm nông nghiệp vào hành lang tuyến để đốt.

Hiệu quả rõ

Việc chặt tỉa cây cao ngoài hành lang phát triển vi phạm khoảng cách an toàn, hoặc có nguy cơ gẫy đổ vào đường dây là một vấn đề rất khó khăn trong công tác quản lý vận hành của các truyền tải điện.

Mặc dù vậy, trong thời gian qua, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các chủ hộ, các Công ty cao su, các nông trường, lâm trường và chính quyền địa phương, nên trong năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016, Truyền tải điện Gia Lai đã chặt tỉa được 2.393 cây cao su, 304 cây thông tại rừng phòng hộ IaLy, 40 cây rừng cao tại rừng phòng hộ Nam Phú Nhơn), giải quyết kịp thời nguy cơ mất an toàn lưới điện truyền tải.

Cùng với đó, Truyền tải điện Gia Lai còn rà soát và đưa vào xử lý dứt điểm các khiếm khuyết, thiếu sót và tồn tại trên lưới điện; Ưu tiên sửa chữa xử lý các hạng mục dễ bị tác động bởi mưa bão như kè móng, mương thoát nước, công trình nhà cửa, chống xâm nhập ẩm vào tủ bảng hộp đấu dây ngoài trời. Trong thời gian mưa bão, tăng cường nhân lực ứng trực, theo dõi sát sao diễn biến của thời tiết, kiểm tra đột xuất các điểm xung yếu để ứng phó xử lý kịp thời.

Giám đốc Đinh Văn Cường cho biết, xác định từ nay đến cuối năm thời tiết vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, nên đơn vị vẫn yêu cầu các đội truyền tải tiếp tục tăng cường ứng trực, tần xuất kiểm tra đột xuất nhằm phát xử lý kịp thời các bất thường, như kiểm tra các vị trí trên đồi núi dễ bị sạt lở, gần bờ sông suối dễ bị xói lở, hoặc vị trí trũng dễ bị ngập úng.

Từ đây đến cuối năm, phương thức vận hành hệ thống điện trong phạm vi Truyền tải điện Gia Lai quản lý chủ yếu là nhận công suất rất lớn từ các nhà máy thủy điện trong khu vực  truyền tải vào miền Nam.

Do vậy, để tiếp tục đảm bảo lưới điện vận hành an toàn trên địa bàn, theo ông Đinh Văn Cường, hiện Truyền tải điện Gia Lai đã quán triệt đến toàn thể CBCNV nghiêm túc thực hiện Phương án cung cấp điện mùa khô và Phương án cung cấp điện mùa mưa.

Bên cạnh đó, chấp hành nghiêm kỷ cương kỷ luật vận hành, nắm vững quy trình xử lý sự cố, quy trình thao tác, quy trình vận hành thiết bị... cũng như các văn bản chỉ đạo khác của cấp trên.

Chuẩn bị công tác sửa chữa nóng. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

“Trong ca trực tập trung cao độ, theo dõi chặt chẽ thông số vận hành của thiết bị, của hệ thống điện để chủ động đề xuất với điều độ hệ thống điện điều chỉnh thông số lưới điện hợp lý nhằm hạn chế tác động xấu đến thiết bị vận hành.

Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra định kỳ, tăng cường kiểm tra đột xuất ngày và đêm.

Đổi mới phương pháp kiểm tra, theo dõi, cập nhật chi tiết thông tin trên tuyến bằng hình ảnh về cột, kè, móng, mương nước, cây cối, địa hình, hành lang, đặc điểm mùa vụ….”, Giám đốc Cường nói.

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo vệ an toàn lưới điện, đổi mới, đa dạng hóa cách thức tổ chức thực hiện công tác truyên truyền dưới nhiều hình thức.

Ký cam kết không vi phạm và tham gia bảo vệ công trình lưới điện cao áp với các hộ dân còn lại.

Tập trung nhiều đến các đối tượng thường hay gây sự cố cho đường dây vào mùa khô, như trẻ em thả diều gần đường dây, các hộ dân dùng bạt lưới che cây ràng buộc không chắc chắn, mùa gió lốc sắp đến sẽ cuốn vào lưới điện hoặc cuối mua thu hoạch nông sản, người dân hay chặt tỉa cành nhánh, đưa các phế phẩm nông nghiệp vào hành lang để tiêu hủy.

Ngoài ra, Truyền tải điện Gia Lai tiếp tục kiến nghị các cấp chính quyền, các ngành chức năng địa phương phối hợp, hỗ trợ hơn nữa trong công tác tuyên truyền vận động người dân địa phương tích cực chung tay góp sức bảo vệ lưới điện Quốc gia, bằng việc làm cụ thể như không xây dựng cơi nới công trình nhà cửa, trồng cây, di chuyển phương tiện vi phạm khoảng cách an toàn, không đốt lửa dưới hành lang, không để vật dụng như diều, bạt lưới, mái lợp…. bị gió cuốn  bay vào lưới điện; không xâm lấn, tháo dỡ phụ kiện của công trình điện như tháo dỡ thanh xà, bu long….

Có như vậy, cùng với những giải pháp trong quản lý vận hành của đơn vị, công tác bảo đảm an toàn lưới điện cao áp mới đạt được hiệu quả./.

An toàn lưới điện cao áp tại miền Trung, Tây Nguyên – Bài 1: Địa hình phức tạp

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục