Anh đề xuất thay đổi cơ chế điều tra chống độc quyền sau thương vụ Microsoft-Activision

12:38' - 21/11/2023
BNEWS Chủ tịch hội đồng CMA Martin Coleman cho biết theo các đề xuất, các bên tham gia vụ sáp nhập sẽ có cơ hội trình bày sau khi CMA xem xét toàn bộ vụ việc trong một báo cáo tạm thời.

Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường Anh (CMA) có kế hoạch điều chỉnh chế độ đánh giá các vụ mua bán-sáp nhập của họ, bao gồm tăng chất lượng trao đổi với các bên liên quan và cho phép đưa ra các biện pháp khắc phục sớm hơn sau khi nhận được những ý kiến trái chiều về thỏa thuận Microsoft-Activision Blizzard.

 

Chủ tịch hội đồng CMA Martin Coleman cho biết theo các đề xuất, các bên tham gia vụ sáp nhập sẽ có cơ hội trình bày sau khi CMA xem xét toàn bộ vụ việc trong một báo cáo tạm thời.

Ông cho hay, buổi điều trần sẽ cho CMA cơ hội đặt câu hỏi đối với các bên tham gia sáp nhập. Đồng thời, các bên sáp nhập sẽ có thêm thời gian để đệ trình thông tin liên quan. Cách tiếp cận này sẽ mang tính thảo luận hơn trước.

Ngoài ra, các bên tham gia sáp nhập có thể thảo luận về các biện pháp khắc phục với CMA ngay ở giai đoạn đầu của quá trình xem xét nếu họ muốn.

Cơ quan hữu trách của Vương quốc Anh đánh giá các vụ mua bán-sáp nhập theo hai giai đoạn. Giai đoạn đầu để quyết định liệu một thỏa thuận có thể làm giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường hay không.

Giai đoạn thứ hai kéo dài hơn, trong đó xem xét các biện pháp khắc phục tiềm năng bao gồm cả việc chặn hoàn toàn thỏa thuận hoặc yêu cầu thoái vốn.

Giám đốc điều hành của CMA, bà Sarah Cardell cho biết đang tồn tại những rào cản tâm lý trong việc tận dụng các cơ hội hiện có để các bên sáp nhập tìm ra giải pháp phù hợp.

Bà cho hay CMA đã cải thiện quy trình khắc phục nhằm tìm cách loại bỏ những rào cản này, thông qua việc đưa ra một số lời gợi nhắc để các bên xem xét mà không gây ra thành kiến.

Tuy nhiên, cơ quan này vẫn ưu tiên các biện pháp khắc phục cơ cấu. Bà Cardell nói thêm rằng những thay đổi sẽ chỉ thành công nếu các bên sáp nhập có thiện chí.

CMA đã bước vào nhóm cơ quan quản lý hàng đầu trên toàn cầu khi nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU) hồi năm 2020. Điều đó giúp tiếng nói của cơ quan này có sức nặng hơn đối với các vụ sáp nhập lớn, như thương vụ Microsoft chi 69 tỷ USD mua lại nhà sản xuất tựa game đình đám “Call of Duty” Activision.

Cơ quan này đã chặn thỏa thuận đó bất chấp những phản ứng gay gắt của hai công ty Mỹ. Nhưng sau đó, chính CMA lại tự tay “xé” các quy tắc của mình khi đồng ý xem xét lại và rồi thông qua thương vụ trên sau khi Microsoft đưa ra những điều chỉnh.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục