Anh đứng trước hai ngã rẽ của Brexit

20:28' - 03/08/2017
BNEWS Cuộc tổng tuyển cử của Anh đã gia tăng các cơ hội cho một Brexit “mềm hơn”. Nhưng một Brexit “mềm hơn” sẽ là như thế nào và liệu nó có khả thi hay không?
Anh đứng trước hai ngã rẽ của Brexit. Ảnh minh họa: FrenchEntrée

Trong bối cảnh vòng đàm phán thứ hai về việc Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (EU) hay còn gọi là Brexit, các quan chức EU tỏ ra ngày càng tự tin vào tiến trình đàm phán, song chỉ trích Anh vẫn chần chừ khi chưa quyết định xem nước này muốn một Brexit “cứng” hay “mềm”.

*Brexit “cứng” có nguy cơ không thành hiện thực

Chính quyền đầu tiên của Thủ tướng Theresa May đã cam kết một Brexit “cứng”, tức là Anh sẽ rời khỏi cả thị trường chung lẫn liên minh thuế quan châu Âu, người nhập cư từ châu Âu vào Anh bị hạn chế và Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) sẽ bị loại khỏi nước Anh hậu Brexit.

Tuy nhiên, cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn mà bà May kêu gọi vào ngày 8/6/2017 nhằm gia tăng sức mạnh của đảng Bảo thủ cầm quyền trong quá trình thương lượng Brexit đã phản tác dụng nghiêm trọng. Cuộc bầu cử đã khiến bà May mất đa số ghế, mà theo các nhà phân tích, làm sức mạnh của bà suy yếu đáng kể và Nghị viện mới dường như không có khả năng sẽ thông qua luật được yêu cầu cho một Brexit “cứng”.

Ngay sau đó, ngày 21/6, Nữ hoàng Anh Elizabeth II đã phác thảo 8 điều luật mà Brexit sẽ đòi hỏi trong 2 năm tới, bao gồm thương mại, các dàn xếp hải quan, các lệnh trừng phạt quốc tế, an toàn hạt nhân, nông nghiệp, ngư nghiệp và nhập cư, cũng như “dự luật bãi bỏ” mà sẽ biến đổi các quy định của EU hiện nay thành luật pháp Anh. Các nhà quan sát cho rằng, tất cả những điều luật đó có thể được thông qua nếu chính phủ có lập trường mềm mỏng hơn về Brexit.

Có thể nói, Thủ tướng May đang chịu áp lực ngày càng tăng từ phía các nhà lập pháp trong đảng Bảo thủ yêu cầu bà có lập trường mềm mỏng hơn. Bản thân bà May cũng đã thừa nhận với các thành viên đảng Bảo thủ trong Quốc hội rằng cần một sự đồng thuận rộng rãi hơn về chiến lược đàm phán Brexit. Cựu lãnh đạo đảng Bảo thủ William Hague ngày 13/6 tuyên bố, Thủ tướng Anh cần bắt đầu hợp tác với giới doanh nghiệp và các đảng khác về vấn đề Brexit, nếu chính phủ của bà muốn tồn tại.

Trong trường hợp chính quyền của Thủ tướng May vẫn tiếp tục giữ quan điểm cứng rắn thì chỉ một số ít nghị sĩ đảng Bảo thủ ủng hộ EU cũng có thể đánh bại chính phủ nếu họ hợp lực với phe đối lập, mà hầu hết trong số đó mong muốn một Brexit “mềm hơn”.

Ở vào một vị trí mạnh mẽ hơn kể từ khi giành được 40% phiếu bầu trong cuộc bầu cử hôm 8/6, Công đảng đối lập đang kêu gọi một Brexit “mềm hơn”. Keir Starmer, người phát ngôn về Brexit của Công đảng, nói rằng một liên minh thuế quan Anh-EU nên được xem xét, trong khi các nghị sĩ Công đảng khác muốn ở lại thị trường chung.

Hiện các nhà báo thuộc đảng Bảo thủ có sức ảnh hưởng như Ambrose Evans-Pritchard, Jeremy Warner, Juliet Samuel và Allister Heath của tờ Telegraph đã kêu gọi các phiên bản Brexit “mềm hơn” .

Trong khi đó, những lo ngại về kinh tế đã khiến giới doanh nghiệp kêu gọi chính quyền Anh nỗ lực đảm bảo tiến trình Brexit diễn ra một cách êm thấm, thể hiện quan điểm muốn Anh tiếp tục ở trong thị trường chung châu Âu và tuân thủ các quy định về thuế quan của liên minh. Ở lại liên minh thuế quan có nghĩa là chấp nhận quyền hạn xét xử của ECJ, tiếp tục chi trả các khoản đáng kể vào ngân sách EU, và từ bỏ cơ hội ký kết các thỏa thuận thương mại song phương độc lập, đồng thời không thể gây ảnh hưởng tới các thỏa thuận thương mại của EU trong tương lai.

*Gia tăng cơ hội cho Brexit “mềm”

Theo giới phân tích,

Việc Anh ở lại thị trường chung, giống như trường hợp của Na Uy trong Khu vực kinh tế châu Âu (EEA), theo đánh giá của các nhà quan sát, trước mắt là không có khả năng. Lý do là bởi đa số nghị sĩ Anh (thuộc cả đảng Bảo thủ lẫn Công đảng) sẽ không chấp nhận việc tự do di chuyển lao động, chi trả đáng kể cho ngân sách EU, chấp nhận (gián tiếp) sự xét xử của ECJ và thông qua tất cả các quy tắc thị trường chung EU mà không có quyền bỏ phiếu đối với chúng.

Giới phân tích lập luận rằng, để chuẩn bị sẵn sàng cho một Brexit “mềm hơn”, nước Anh cần một giai đoạn chuyển tiếp nghiêm túc từ khi Anh rời EU cho đến khi hiệp định thương mại tự do (FTA) của họ trong tương lai có hiệu lực. Trước cuộc bầu cử hôm 8/6, bà May không sẵn lòng cam kết với một sự chuyển tiếp và tin rằng FTA có thể được đàm phán trong vòng chưa đầy 2 năm. Bà chỉ nhất trí một “giai đoạn thực thi”, trong khi các điều khoản của FTA đang từng bước được đặt ra. Nhưng Bộ Tài chính Anh, được sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, hiện đang đẩy mạnh một quá trình chuyển tiếp phù hợp, và có vẻ họ đang thắng trong các cuộc tranh luận về Brexit.

Theo đó, quá trình chuyển tiếp nhiều khả năng sẽ giống EEA (nhưng sẽ không phải là EEA, vì nếu Anh vẫn ở lại EEA một khi họ đã rời EU, họ sẽ phải tham gia hiệp ước của Hiệp hội thương mại tự do - EFTA). Bộ Tài chính hy vọng rằng 27 nước thành viên EU sẽ điều chỉnh các dàn xếp chuyển tiếp để khiến chúng có thể chấp nhận được hơn một chút đối với Anh hơn là EEA.

Một Brexit “mềm hơn” có thể đồng nghĩa với một sự kết hợp nào đó của 4 đặc điểm:

Đặc điểm thứ nhất sẽ là chỉ đưa ra những sự hạn chế vừa phải đối với tự do di chuyển. Các biện pháp kiểm soát người lao động EU có thể sẽ mềm dẻo hơn những gì mà chính quyền trước bầu cử của Thủ tưởng May dự tính.

Đặc điểm thứ hai sẽ là việc Anh vẫn ở lại một số cơ quan điều tiết của EU - chắc chắn là trong giai đoạn chuyển tiếp và có thể cả ở trong dài hạn. Liên hiệp Công nghiệp Anh đã chỉ ra 34 cơ quan chủ chốt trong các ngành nông nghiệp, năng lượng, giao thông vận tải và truyền thông mà Anh sẽ phải hoặc ở lại hoặc thành lập mới.

Trong số những cơ quan chủ chốt này phải kể đến Cơ quan an toàn hàng không châu Âu (EASA), Cơ quan dược phẩm châu Âu, Cộng đồng năng lượng nguyên tử châu Âu (Euratom), Cơ quan chứng khoán và thị trường châu Âu... Việc thành lập các tổ chức mới, hay mở rộng các cơ quan mà Anh hiện có sẽ là quá tốn kém và mất thời gian. Tuy nhiên, nếu Anh mong muốn ở lại các tổ chức của EU, họ sẽ phải tự tuân theo thẩm quyền xét xử của ECJ.

Đặc điểm thứ ba sẽ là một sự bác bỏ “ít mang tính giáo điều hơn” đối với bất kỳ vai trò nào của ECJ. Nếu bà May tiếp tục làm cho điều này thành một giới hạn đỏ không thể xóa bỏ, bà sẽ hạn chế nghiêm ngặt phạm vi của các thỏa thuận bao hàm mối quan hệ trong tương lai. Do đó, nếu Anh muốn ở lại thị trường chung về hàng không, họ sẽ phải chấp nhận các phán quyết của ECJ, giống như trường hợp Na Uy và Iceland. Tình thế tiến thoái lưỡng nan tương tự cũng áp dụng với các lĩnh vực khác, như dịch vụ tài chính, điện, dòng chảy dữ liệu và hợp tác an ninh.

Đặc điểm thứ tư và gây tranh cãi nhất sẽ liên quan đến một liên minh thuế quan giữa Anh và EU. Anh sẽ phải rời liên minh thuế quan EU, nhưng giống Thổ Nhĩ Kỳ, có thể tạo ra một liên minh thuế quan với liên minh thuế quan của EU. Điều đó sẽ có nghĩa là duy trì biểu thuế quan đối ngoại chung và chấp nhận bất kỳ thay đổi nào do EU đưa ra đối với nó.

Nếu Anh lựa chọn một liên minh thuế quan, họ sẽ phải ký kết các thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau với EU, nhằm tránh các cuộc kiểm tra biên giới về việc tuân thủ các tiêu chuẩn của EU. Nhưng một FTA giữa EU và Anh dù thế nào cũng sẽ đòi hỏi Anh phải nhất trí với các tiêu chuẩn của EU. Một liên minh thuế quan EU-Anh sẽ phải có một cơ chế giải quyết tranh chấp, nhưng điều này không nhất thiết bao gồm ECJ. Bất lợi chính của một liên minh thuế quan với EU sẽ là Anh không thể đàm phán các FTA mới bao gồm hàng hóa với các nước khác (vì các liên minh thuế quan không bao gồm các ngành dịch vụ).

Tuy nhiên, như Bộ Tài chính Anh đã chỉ ra, cái giá của việc Anh rời khỏi liên minh thuế quan là nhãn tiền, trong khi các lợi ích từ thông qua các FTA trong tương lai sẽ không nhìn thấy rõ trong nhiều năm. Đó là lý do tại sao quá trình chuyển tiếp gần như chắc chắn sẽ bao gồm một kết nối đến liên minh thuế quan của EU.

Theo nhận định của giới quan sát, EU sẽ hài lòng nếu Anh tìm kiếm một Brexit “mềm hơn”, bởi điều đó sẽ ít gây rối loạn cho các nền kinh tế của EU. Tuy nhiên, EU sẽ cho thấy rất rõ rằng nếu Anh muốn một Brexit “mềm hơn”, hay chính xác hơn là giữ lại nhiều sự hội nhập kinh tế, họ sẽ phải từ bỏ chủ quyền.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục