Ảnh hưởng về kinh tế của dịch bệnh do virus Corona mới có thể tồi tệ hơn SARS (Phần 2)

06:00' - 02/02/2020
BNEWS Giống như dịch SARS, dịch bệnh virus Corona Vũ Hán cuối cùng sẽ qua đi. Nhưng câu hỏi lớn ở đây là mức độ nghiêm trọng của nó sẽ như thế nào và con số thiệt hại chính thức sẽ là bao nhiêu.
Hành khách đeo khẩu trang đề phòng lây nhiễm virus Corona tại sân bay quốc tế Toronto Pearson, Canada, ngày 26/1/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Việc GDP của Trung Quốc giảm bao nhiêu phần trăm sẽ phụ thuộc vào thời gian kéo dài của dịch bệnh và phản ứng của người tiêu dùng. Hãng Standard & Poor's đánh giá rằng nếu chi tiêu tiêu dùng tùy theo tình hình thực tế giảm 10% thì tốc độ tăng trưởng GDP sẽ giảm 1,2 điểm phần trăm.

Sự suy giảm này sẽ bị làm trầm trọng thêm bởi những sự cắt giảm về đầu tư khi nhu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ yếu đi – mặc dù các công ty sẽ chờ đợi và theo dõi để quyết định sự suy giảm về nhu cầu này sẽ kéo dài bao lâu trước khi đưa ra quyết định cắt giảm chi tiêu vốn.

Dù vậy, chắc chắn sẽ có sự suy giảm nào đó do việc ngừng sản xuất ở Vũ Hán – thành phố với 11 triệu dân là trung tâm lớn của chế tạo sản xuất ô tô và là cơ sở cho hơn 200 công ty đa quốc gia – cũng như ở các thành phố khác. Điều này sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng, tác động đến các nhà sản xuất ở các nước khác, đặc biệt là ở châu Á.

Những sự gia tăng trong chi tiêu của Chính phủ Trung Quốc có thể bù đắp phần nào sự thiếu hụt, mặc dù một số khoản chi tiêu như vậy có thể cần được đa dạng hóa từ đầu tư vào cơ sở hạ tầng chuyển sang chi tiêu cho việc chăm sóc sức khỏe.

Sự giảm sút có thể có trong tăng trưởng GDP của Trung Quốc do kết quả của dịch bệnh này sẽ xảy ra vào thời điểm khi tốc độ tăng trưởng GDP đã chậm lại. Năm 2019, tăng trưởng GDP của Trung Quốc đạt 6,1%, mức thấp nhất trong 29 năm qua.

Tác động cũng sẽ lớn hơn so với dịch SARS năm 2003, khi đó tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc đạt khoảng 10%. Nó cũng sẽ có tác động toàn cầu lớn hơn, bởi Trung Quốc giờ đây là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới (tăng gấp hơn 8 lần kể từ năm 2003), là đối tác thương mại lớn nhất của hầu hết các nền kinh tế châu Á cũng như một số nước ở khu vực Mỹ Latinh và châu Phi, và là đối tác thương mại lớn thứ hai của cả Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Những lo ngại về tăng trưởng cũng đã bắt đầu lan sang các thị trường tài chính, nơi mà các chỉ số thị trường chứng khoán lớn đã giảm xuống trong những ngày gần đây do lo ngại ngày càng tăng về sự bùng phát của dịch bệnh, giá dầu cũng đã giảm nhẹ, và những tài sản đầu tư an toàn như vàng, đồng yên Nhật và đồng franc Thụy Sĩ đã phục hồi. Ngược lại, tác động của dịch bệnh SARS đối với thị trường tài chính phần lớn chỉ xác định ở châu Á.

Những tác động khó lường

Giống như dịch SARS, dịch bệnh virus Corona Vũ Hán cuối cùng sẽ qua đi. Nhưng câu hỏi lớn ở đây là mức độ nghiêm trọng của nó sẽ như thế nào và con số thiệt hại chính thức sẽ là bao nhiêu. Điều này sẽ phụ thuộc vào không chỉ quy mô, mức độ nghiêm trọng và thời gian kéo dài của cuộc khủng hoảng này, mà còn phụ thuộc vào phản ứng của cả chính quyền lẫn người dân đối với dịch bệnh.

Các chuyên gia về y tế cộng đồng, trong đó có những người đến từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chỉ rõ rằng bất chấp một số do dự ban đầu như dịch bệnh SARS, Trung Quốc đã hành động tích cực để tìm cách kiềm chế sự lây lan của virus, áp đặt phong tỏa các thành phố, huy động các nguồn lực nhằm mở rộng các cơ sở y tế, mở các chiến dịch tuyên truyền giáo dục trong dân chúng và chia sẻ dữ liệu với quốc tế.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng lo ngại về tính chính xác của thông tin được các nhà chức trách Trung Quốc cung cấp trong một hệ thống mà việc ra quyết định được tập trung hóa và chỉ những thông tin chính thức mới được phép phổ biến.

Những người khác cũng thận trọng cho rằng những hành động ngăn chặn dịch như phong tỏa toàn thành phố có thể có hiệu quả hạn chế khi hàng triệu người đã đi xa khỏi nguồn dịch. Số lượng các thành phố mà Trung Quốc có thể đóng cửa cũng có giới hạn để không gây ra sự tê liệt quốc gia. Đóng cửa thành phố sẽ dẫn đến phí tổn lớn, làm cho việc tiếp cận với chăm sóc y tế trở nên khó khăn và gây ra gánh nặng lớn cho người dân.

Như giáo sư Howard Markel thuộc trường Đại học Michigan đã chỉ rõ trong một bài bình luận trên tờ New York Times: “Với virus Corona Vũ Hán, như với các dịch bệnh khác trong quá khứ, các biện pháp cách ly kiểm dịch có thể là quá muộn”.

Thời gian cũng sẽ cho biết thiệt hại kinh tế mà dịch bệnh này gây ra là bao nhiêu. Chúng ta cần phải cố gắng hết sức để đối phó với khả năng đây sẽ là đại dịch toàn cầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục