Anh nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng với "Dự án tự vệ"

06:00' - 21/06/2020
BNEWS Kế hoạch đại cải tổ sẽ thực hiện "Dự án tự vệ" nhằm giúp Anh giữ nguyên quyền tiếp cận hàng hóa quan trọng trong khi đa dạng hóa quan hệ thương mại của đất nước.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại London, Anh ngày 1/5/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson đang đưa ra chiến lược nhằm giảm bớt sự lệ thuộc của Anh vào Trung Quốc đối với một số hàng hóa nhập khẩu quan trọng, vì nước này nhận ra đại dịch COVID-19 và Brexit, chỉ việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), sẽ buộc Anh phải cải tổ mạnh mẽ chuỗi cung ứng của mình.

Kế hoạch đại cải tổ sẽ thực hiện "Dự án tự vệ" nhằm giúp Anh giữ nguyên quyền tiếp cận hàng hóa quan trọng trong khi đa dạng hóa quan hệ thương mại của đất nước. Dự án do Ngoại trưởng Anh Dominic Raab phụ trách, nhấn mạnh vào ưu tiên hàng đầu của "xứ sở sương mù" là đẩy mạnh liên kết thương mại của đất nước trong bối cảnh đại dịch, và đưa việc sản xuất một số mặt hàng quan trọng trở về lại Anh. 

Đây là "lỗ hổng" đã được nhận thấy sau đại dịch, phản ánh sự phụ thuộc của Anh vào hàng nhập khẩu. London một mặt khẳng định quan điểm ủng hộ tự do thương mại, mặt khác cũng cho thấy cần thiết phải giảm sự phụ thuộc của Anh vào giao thương với Trung Quốc.    

Khủng hoảng COVID-19 đã khiến nước Anh phải đối mặt với thực tế thiếu hụt các nguồn cung ứng y tế cần thiết như thiết bị bảo hộ y tế, vắc-xin và một số loại hóa chất nhất định. 

Trong bối cảnh đó, nhóm tham gia thực hiện "Dự án Phòng vệ" đã xem xét lại sự cần thiết để Anh có thể có các nguồn cung ứng khác đối với các thiết bị quan trọng trong tương lai như máy biến áp và thiết bị viễn thông quan trọng cho an ninh quốc gia. 

Các quan chức Anh đang xem xét để phát triển những chuỗi cung ứng không phụ thuộc vào Trung Quốc ở một số lĩnh vực "ít rủi ro hơn", sau khi Bắc Kinh có động thái thắt chặt kiểm soát đối với Khu hành chính đặc biệt Hong Kong và cách xử lý của nước này đối với cuộc khủng hoảng COVID-19 đã làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước. 

Tại cuộc họp, đã có ý kiến đề xuất Anh cần xây dựng các mối quan hệ thương mại với các nước châu Á khác. Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Liz Truss đang xem xét khả năng đi đến thỏa thuận tự do thương mại với Ấn Độ. Bộ trưởng Truss cũng bắt đầu đàm phán về thỏa thuận tự do thương mại với Nhật Bản như một phần trong nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng sau Brexit.

Việc đẩy mạnh quan hệ thương mại với Ấn Độ, nhà cung cấp các loại thuốc gốc (generic drug) lớn nhất thế giới, được xem là vô cùng quan trọng. Hồi đầu khi mới xảy ra đại dịch, Ấn Độ đã hạn chế xuất khẩu một số thuốc hốc và một số phụ gia. 

Thuốc gốc là loại thuốc lấy từ các công thức của thuốc phát minh (brand name drug) để tạo ra loại thuốc tương tự, có thể mang thương hiệu khác nhưng không có bản quyền. Giá bán của thuốc gốc rẻ hơn rất nhiều so với thuốc phát minh.       

Ngành công nghiệp hóa dược của Anh đang đề xuất với các bộ trưởng về việc đưa lại máy sản xuất một số thuốc gốc về Anh nhằm hạn chế sự phụ thuộc của nước này vào Trung Quốc và Ấn Độ về một số hoạt chất dược.     

Trong khi đó, ở những lĩnh vực "rủi ro cao hơn" như công nghệ và các sản phẩm liên quan đến yếu tố an ninh, các bộ trưởng đang tập trung nỗ lực để cùng phối hợp với những quốc gia khác "có chung quan điểm" và để phát triển các giải pháp thay thế đối với công nghệ được cung cấp bởi các công ty công nghệ của Trung Quốc. 

Mặc dù chiến lược "Dự án tự vệ" của Anh kéo theo sự tham gia của 5 đối tác an ninh của Anh gồm Mỹ, Canada, New Zealand và Autralia, Anh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của việc hợp tác với 27 nước EU thời hậu Brexit.     

Các bộ trưởng cũng bắt đầu xác định các lĩnh vực mà Anh sẽ cần đảm bảo để phát triển "nền kinh tế xanh", như việc đảm bảo mức độ  Lithium được sử dụng trong pin. Ngoài ra kế hoạch nâng cấp cảng Harwich, Essex, nhằm tránh tình trạng tắc nghẽn tại tuyến đường Dover-Calais cũng được bàn đến.      

Tháng trước, Chánh Văn phòng Nội các Michael Gove thừa nhận các quy định kiểm tra và thủ tục hải quan mới được áp dụng vì Brexit đối với vấn đề thương mại với EU có thể buộc một số doanh nghiệp Anh phải "xem xét cách thức họ tổ chức chuỗi cung ứng của mình". 

Ông Gove cho biết trong khi Anh đang tìm kiếm các thỏa thuận thương mại mới với Mỹ, Nhật và một số nước khác, ông tin rằng tác động tổng thể của Brexit và COVID-19 sẽ dẫn đến một số hoạt động sản xuất ở bên ngoài được chuyển lại về trong nước. 

Brexit có thể cho phép Anh có thêm tự do sử dụng trợ giúp nhà nước cho các sáng kiến của các công ty Anh để sản xuất ra các sản phẩm quan trọng, trong khi các bộ trưởng giữ nguyên quyền buộc các hoạt động sản xuất phải quay trở lại Anh đối với những loại sản phẩm nhạy cảm nhất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục