“Ảo tưởng” về thuế quan tạo việc làm tại Mỹ? (Phần 1)

06:30' - 13/11/2018
BNEWS Tại thị trấn Thomasville, nơi có công trình biểu tượng hình chiếc ghế cao gần 10m, người dân nhìn nhận biện pháp thuế quan của Tổng thống Trump đối với hàng hóa Trung Quốc bằng nghi ngờ nhất định.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: TTXVN phát

Trong số 3 nhà máy chế tạo đồ nội thất từng có thời kỳ huy hoàng trong khuôn viên thị trấn Thomasville thì một xưởng đang bị phá dỡ và dọn dẹp để phục vụ xây dựng một công viên, một xưởng khác có thể sẽ trở thành trụ sở cảnh sát mới. Còn xưởng thứ ba đang được sửa chữa và xây dựng lại thành các căn hộ chung cư.

Tổng thống Donald Trump vẫn đang đe dọa tiếp tục áp thuế lên đến 25% đối với lượng hàng hóa trị giá 500 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc mỗi năm, trong đó có gần 20 tỷ USD đồ nội thất.

Đây được coi là một trong những biện pháp nhằm “kéo lại” hàng trăm ngàn việc làm trong lĩnh vực chế tạo đã bị rơi vào tay người Trung Quốc hay vào tay những quốc gia cạnh tranh có chi phí thấp khác.

Tuy nhiên, sự chuyển đổi các ngành công nghiệp của Mỹ kể từ khi Trung Quốc nổi lên như là một nền kinh tế sản xuất có chi phí thấp trong gần 2 thập kỷ qua cho thấy rất nhiều ngành không còn có khả năng cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc nữa. Chính vì lẽ đó, nhiều người nhìn nhận các biện pháp thuế quan cũng không dễ dàng giúp người Mỹ có thêm nhiều việc làm hơn.

Tại doanh nghiệp tư  nhân Bernhardt Furniture ở Lenoir, cách Thomasville khoảng 90 dặm về phía tây, lãnh đạo của công ty này cho biết sẽ tiếp nhận khoảng 30 triệu USD vốn đầu tư (khoảng 10% doanh thu hàng năm) phục vụ tái sản xuất những sản phẩm hàng hóa đồ gỗ nội thất tiêu chuẩn, những mặt hàng hiện tại chủ yếu được chế tạo tại các nước như Trung Quốc và Việt Nam.

Về mặt lý thuyết, theo giám đốc doanh nghiệp này ông Alex Bernhardt Jr, khi Mỹ dừng nhập khẩu hàng hóa thì việc làm sẽ quay trở lại. Nhưng trên thực tế thì điều này không thực sự chính xác. Không thể chế tạo ra các loại đồ nội thất vốn đang được nhập khẩu do hiện tại “không có các nhà xưởng, không có các nhân công và máy móc cũng không”. 

Theo ông Alex Bernhardt Jr, những gì mà công ty cần bây giờ là những thị trường mở cửa và một nền kinh tế tăng trưởng ổn định. Yếu tố giúp doanh nghiệp này tăng khối lượng công việc từ mức dưới 800 vào cuối thời kỳ suy thoái 2007-2009 lên khoảng 1.500 việc làm hiện tại lại chủ yếu dựa trên nền tảng hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc.

Trong tiến trình mở rộng sản xuất của Bernhardt Furniture, công ty có tuổi đời 129 năm này đã tuyển dụng không chỉ những công nhân làm trong các xưởng chế tác mà còn cả những nhà thiết kế, các chuyên gia tiếp thị thị trường (marketing) và các chuyên gia khác. Nhìn chung, công ty này đã hoàn toàn khác so với thời kỳ cách đây hơn 30 năm, thời điểm công ty bắt đầu thực hiện phân chia các sản phẩm của mình theo các khu vực giữa Mỹ và châu Á.

Các nhà kinh tế học cho biết tình hình tương tự diễn ra trên thực tế đối với phần lớn các ngành công nghiệp chế tạo của Mỹ. Để có thể đầu tư lớn hơn và tuyển dụng nhiều hơn công nhân, lãnh đạo các doanh nghiệp cần có sự chắc chắn rằng người tiêu dùng ưa thích các sản phẩm do Mỹ chế tạo với mức giá tiềm năng cao hơn. 

Các doanh nghiệp này cũng cần có sự chắc chắn đối với việc các biện pháp thuế quan sẽ được duy trì sau nhiệm kỳ của ông Trump, cùng với đó là việc hoạt động sản xuất không thể bị dịch chuyển đến các nước khác có chi phí cạnh tranh hơn.

Ngay cả sau đó, đối với các ngành công nghiệp, cũng có thể có rất ít sự khuyến khích để quay trở lại việc sản xuất các sản phẩm cũ, do những ngành này đã phải thay đổi, chuyển đổi mạnh mẽ trong quá trình toàn cầu hóa.

Trên toàn khu vực Rust Belt và các thị trấn công nghiệp trước đây ở phía Nam nước Mỹ, sự chuyển đổi cũng rất rõ ràng. Tại Buffalo, một nhà máy chế tạo thép cũ hiện đã là một nhà máy sản xuất tấm pin Mặt trời, một xưởng chế tạo hàng hóa bán lẻ đã trở thành văn phòng và nhà hàng trong công viên.

Tại Cleveland, một nhà máy của GM tồi tàn đã mở cửa trở lại thành một công ty sản xuất kính ô tô của Trung Quốc. Những nhà máy bị hoang tàn trên khắp bang North Carolina đã bị đưa vào danh sách các cơ sở bỏ hoang cần được dọn dẹp của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ.

Một số công ty hiện đang cân nhắc việc chuyển dịch hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc do tác động của các biện pháp thuế quan, nhưng việc làm dường như không có xu hướng quay trở về nước Mỹ.

Công ty CCTY Bearing có trụ sở tại Illinois cho biết đã lên kế hoạch chuyển cơ sở chế tạo của mình tại Zhenjiang (Trung Quốc) tới một cơ sở mới gần Mumbai (Ấn Độ) để làm giảm chi phí lao động.

Các sản phẩm công nghệ Bluetooth (chuẩn kết nối không dây tầm ngắn) do Trung Quốc chế tạo của công ty Jlab Audio hiện không bị áp thuế. Tuy nhiên, giám đốc điều hành của hãng này Win Cramer đã và đang hướng tới nguồn cung cấp từ Việt Nam và Mexico. 

Ông Cramer cho biết ông muốn chế tạo các sản phẩm của mình tại Mỹ, nhưng xu hướng của người tiêu dùng đã chứng minh rằng các sản phẩm “Made in America” hiện không còn có giá trị như đã từng tuyên bố trước đây. Giá cả của sản phẩm tai nghe Bluetooth của Jlab Audio sẽ tăng từ mức 20 USD đến mức 50 USD nếu chúng được làm tại Mỹ, nhiều hơn rất nhiều những gì mà các mức thuế quan có thể đánh vào chi phí sản phẩm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục