Áp dụng tiêu chuẩn sử dụng năng lượng hiệu quả trong lĩnh vực nhà ở vẫn hạn chế

19:23' - 03/10/2024
BNEWS Ngày 3/10, trong khuôn khổ Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2024, Viện Kiến trúc Quốc gia tổ chức Hội thảo chuyên đề “Phát triển nhà ở, bất động sản theo hướng xanh, tiết kiệm năng lượng”.

Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia Mai Thị Liên Hương cho biết: Hưởng ứng sự kiện Tuần lễ Công trình xanh thế giới diễn ra tháng 9 hàng năm, Bộ Xây dựng phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2024 với chủ đề “Phát triển Công trình xanh – Chuyển biến từ chính sách đến hành động thực tiễn”.

Theo đó, có nhiều hoạt động, hội thảo chuyên môn, triển lãm thể hiện cam kết và nỗ lực của Bộ Xây dựng trong việc hỗ trợ, thúc đẩy các nội dung, nhiệm vụ về sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, giảm phát thải và hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

 
Ngành xây dựng là lĩnh vực đóng góp lớn vào lượng khí thải carbon liên quan đến năng lượng với hơn 30% lượng khí thải trên toàn cầu, là một tác nhân gây biến đổi khí hậu, dẫn đến sự gia tăng của các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lốc xoáy và giông bão mạnh, điển hình là cơn bão Yagi vừa qua đã gây hậu quả nghiêm trọng đến con người và nhà cửa của người dân các tỉnh phía Bắc...

Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 không chỉ đề ra các giải pháp phát triển số lượng nhà ở mà còn quan tâm đến nâng cao chất lượng sống theo hướng phát triển không gian xanh, bền vững, phát thải thấp.

Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030 được Chính phủ phê duyệt năm 2023 với mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp khu vực đô thị và của công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất.

Bên cạnh đó, Ban Bí thư cũng đã ban hành Chỉ thị 34/CT-TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới; trong đó nhấn mạnh việc hoàn thành xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội; có cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển nhà ở xã hội theo hướng mô hình xanh, sử dụng tiết kiệm năng lượng, phát triển bền vững, phát thải carbon thấp.

Việc xây dựng nhà ở xã hội xanh không chỉ giúp giảm phát thải mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân mà không làm tăng giá nhà – bà Mai Thị Liên Hương chia sẻ. Theo đó, cần chú trọng giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở cho mọi đối tượng nhằm đảm bảo chất lượng không gian sống và lợi ích môi trường.

Liên quan đến nội dung này, ông Nguyễn Đức Vinh - Phó trưởng phòng Quản lý, phát triển nhà ở xã hội (Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản – Bộ Xây dựng) thông tin, ước tính diện tích nhà ở bình quân năm 2024 của cả nước là khoảng 26,5 m2/người.

Chất lượng nhà ở ngày càng được nâng cao, nhiều khu nhà ở cũ bị xuống cấp, hư hỏng đã được thay thế bằng các khu nhà ở mới khang trang, nhiều khu đô thị mới, khu nhà ở chung cư cao tầng, tuyến phố mới được hình thành. Từ đó, góp phần vào việc chỉnh trang đô thị, đảm bảo việc phát triển nhà ở đồng thời với việc xây dựng đồng bộ các cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội...

Đồng thời với việc thị trường nhà ở hình thành và phát triển đã thu hút đáng kể nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, tăng thu cho ngân sách nhà nước, thu hút lực lượng lớn lao động và thúc đẩy các ngành sản xuất khác phát triển.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, hiện cả nước có khoảng 500 công trình xanh. Mặc dù Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 và Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã có quan điểm rõ ràng về việc phát triển nhà ở tiết kiệm năng lượng nhưng quan điểm này không được thể hiện trong mục tiêu cụ thể của Chiến lược. Do đó, việc áp dụng các tiêu chuẩn về sử dụng năng lượng hiệu quả, bảo vệ môi trường trong lĩnh vực về nhà ở hiện vẫn còn nhiều hạn chế. Các dự án nhà ở sử dụng tiết kiệm năng lượng hiện nay đều do chủ đầu tư tự đặt mục tiêu và tự thực hiện.

Với những hạn chế, bất cập trong phát triển công trình nhà ở sử dụng năng lượng tiết kiệm, bảo vệ môi trường tại Việt Nam, ông Nguyễn Đức Vinh cho rằng, nguyên nhân chính có thể kể đến là do nhận thức về bảo vệ môi trường, hiệu quả năng lượng khi phát triển nhà ở chưa thực sự đầy đủ, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế.

Bên cạnh đó chi phí đầu tư công trình nhà ở này thường cao hơn chi phí nhà ở thông thường 1 - 2%. Ngoài ra, còn thiếu sự tuyên truyền, quảng bá về lợi ích từ các công trình nhà ở sử dụng tiết kiệm năng lượng nên chủ đầu tư và khách hàng mua, thuê mua, thuê nhà ở ít quan tâm đến phân khúc này.

Để thực hiện các nhiệm vụ được giao nhằm đảm bảo chất lượng không gian sống và lợi ích môi trường, ông Nguyễn Đức Vinh đề xuất tập trung triển khai một số giải pháp cụ thể.

Cụ thể như nghiên cứu và ban hành, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn nhà ở đối với các thiết kế, kỹ thuật, công nghệ xây dựng mới hướng tới nâng cao chất lượng ở, phù hợp với xu hướng phát triển nhà ở xanh, bền vững, thông minh, ứng dụng công nghệ số…

Bên cạnh đó cần bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển nhà ở xanh, tiết kiệm năng lượng và nhà ở phát thải thấp, ứng dụng công nghệ số; tăng cường tuyên truyền, quảng bá về lợi ích từ các công trình nhà ở sử dụng tiết kiệm năng lượng để thu hút cũng như phát triển loại hình nhà ở này.

Tiếp đó là tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nghiên cứu và áp dụng các thiết kế, kỹ thuật và công nghệ xây dựng nhà ở mới, vật liệu mới, ứng dụng công nghệ số nhằm tiết kiệm chi phí, hạ giá thành xây dựng nhà ở, đồng thời sử dụng hiệu quả năng lượng và phát thải thấp.

Để phát triển nhà ở cao tầng trong đô thị theo định hướng phát triển bền vững tại Việt Nam, dưới góc nhìn doanh nghiệp, bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang kiến nghị Bộ Xây dựng cần ban hành 1 bộ công cụ đánh giá công trình xanh hoặc dự án công trình xanh áp dụng riêng cho Việt Nam; có quy định lộ trình bắt buộc thực hiện công trình xanh hoặc dự án công trình xanh; có các quy định pháp luật thực hiện chính sách ưu đãi như vay lãi suất ưu đãi, thưởng diện tích sàn, thêm ưu đãi cho chủ thể phát hành trái phiếu xanh, giải thưởng Bộ Xây dựng, nâng cao nhận thức về công trình.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục