Áp lực chốt lời khiến VN-Index khó tăng cao trong tháng 10

17:06' - 07/10/2020
BNEWS Bước sang tháng 10, các phân tích cho thấy, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn điều chỉnh để hỗ trợ xu hướng tăng bền vững.
Sau khi phản ứng với đợt dịch COVID-19 vào cuối tháng 7, thị trường chứng khoán bắt đầu chuỗi ngày hồi phục với xu hướng tăng điểm trên diện rộng trong 2 tháng liên tiếp. Bước sang tháng 10, các phân tích cho thấy, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn điều chỉnh để hỗ trợ xu hướng tăng bền vững.

Báo cáo chiến lược đầu tư tháng 10/2020 của Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa phát hành, thị trường chứng khoán Việt Nam tăng mạnh trong tháng 8- 9/2020 và có kết quả tốt hơn so với các thị trường chứng khoán khác như Hàn Quốc, Mỹ, Thái Lan. Diễn biến này đã phản ánh phần nào thông tin tích cực về tăng trưởng GDP quý III của Việt Nam so với các nước khác.

Cụ thể, theo báo cáo của Nikkei Asian, Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á về kết quả hoạt động kinh tế với mức tăng trưởng GDP quý III dương (2,12%), trong khi các nước trong khu vực dự kiến sẽ có GDP thấp hơn hoặc âm.

Một yếu tố đáng chú ý khác làm tăng khả năng điều chỉnh của VN-Index là việc công bố kết quả kinh doanh quý III của tất cả các cổ phiếu niêm yết trong tháng 10.

VDSC lo ngại hiệu ứng “tin ra là bán” sẽ tạo áp lực cho VN-Index khi một số cổ phiếu VN30 (chủ yếu quyết định diễn biến của VN-Index) đã tăng mạnh trong tháng 8 và 9 trước những tin đồn về kết quả kinh doanh khả quan trong quý III/2020, phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược, đặc biệt là ở các cổ phiếu ảnh hưởng đến VN-Index như ngân hàng.

Theo đánh giá từ các chuyên gia phân tích của VDSC, kết quả kinh doanh của nhóm cổ phiếu ngân hàng trong quý III/2020 sẽ không tiêu cực như dự đoán, đặc biệt là một số ngân hàng tư nhân đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận nới hạn mức tín dụng lên 20%.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã công bố quyết định giảm lãi suất điều hành. Tuy nhiên, điều này sẽ không có tác động đáng kể do một số ngân hàng đã giảm lãi suất trước đó khi có thông tin này. Chỉ số hoán đổi rủi ro tín dụng VietNam CDS 5Y có xu hướng đi lên trong thời gian gần đây cho thấy khả năng VN-Index điều chỉnh là khá cao khi 2 số liệu này thường có diễn biến trái ngược nhau trong quá khứ. Phản ứng tiêu cực của nhà đầu tư nước ngoài cũng là yếu tố quan tâm khi họ tiếp tục bán ròng mạnh qua giao dịch khớp lệnh trong 4 tuần liên tiếp của tháng 9.

Về mặt định giá, PE của VN-Index không quá hấp dẫn để thu hút dòng tiền (15,1 lần tại thời điểm 30/9) khi cao hơn cả trước lúc xảy ra đại dịch COVID-19 tại Việt Nam (14,5 – 15 lần trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 2).

Từ các yếu tố kể trên, VDSC cho rằng, thị trường có thể đi ngang trong bối cảnh khối ngoại liên tục bán ròng và hiệu ứng “tin ra là bán” khi các doanh nghiệp niêm yết công bố kết quả kinh doanh quý III trong tháng 10.

Mặt khác, các diễn biến khó lường của thị trường chứng khoán thế giới đến từ kết quả bầu cử Tổng thống, gói kích thích kinh tế mới ở Mỹ và COVID-19 chưa cho thấy tín hiệu lạc quan nào cho VN-Index.Theo đó, VN-Index có thể dao động trong khoảng từ 865 - 920 điểm.

Báo cáo phân tích mới đây của Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam cũng cho rằng, vào tháng 10 - mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III có thể tiết lộ nhiều con số ấn tượng, nhưng việc này khó bất ngờ khi tăng trưởng GDP quý III đã được công bố vài ngày trước. Và mức tăng 10% của VN-Index có thể đã phản ánh sự phục hồi của thu nhập của doanh nghiệp.

Mặc dù VN-Index đã vượt ngưỡng 900, nhưng diễn biến giằng co đang cho thấy tâm lý thận trọng của cả bên mua và bên bán. Không bên nào đủ quyết tâm để đẩy VN-Index lên hoặc xuống rõ rệt, có thể là do dữ liệu kinh tế đang cho thấy sự phục hồi yếu ớt. Trong khi đó, hai mối lo ngại chính bao gồm nợ cơ cấu lại gia tăng và FDI thu hẹp sẽ khiến các nhà đầu tư phải suy nghĩ kỹ trước khi thực hiện giao dịch trong thời gian tới.

Các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI nhận định, VN-Index rất khó khăn trong việc vượt hẳn mốc tâm lý 900 điểm cho thấy vẫn tồn tại tâm lý thận trọng nên đợt tăng này phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư về sự hồi phục kinh tế sau dịch hơn là giai đoạn tăng nóng. Tuy thị trường vẫn còn cơ hội nhưng cơ hội mua vào tốt nhất có thể đã qua và nhà đầu tư cần đặt quản trị rủi ro cao hơn trong lúc này.

Các chuyên gia cũng khuyến nghị, nhà đầu tư nên hiện thực hóa lợi nhuận trong các phiên tăng điểm và kiên nhẫn chờ đợi các nhịp điều chỉnh để giải ngân vào những cổ phiếu có những chuyển biến tích cực hơn trong hoạt động kinh doanh trong khoảng thời gian cuối năm 2020./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục