Áp lực giải ngân vốn đầu tư công quý IV là rất lớn

15:22' - 08/10/2024
BNEWS Sau 9 tháng, tỷ lệ giải ngân chưa được 50% kế hoạch được giao. Do vậy, áp lực giải ngân trong những tháng tới là rất lớn.
Ước thanh toán đến ngày 30/9, giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 47,29% kế hoạch Thủ tướng giao, thấp hơn cùng kỳ về tỷ lệ và con số tuyệt đối. Đáng chú ý, vẫn có 31 bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn tỷ lệ này. Trước thực trạng trên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề xuất Thường trực Chính phủ chỉ đạo các cơ quan, địa phương đốc thúc giải ngân, phát huy tối đa hiệu quả từng đồng vốn đầu tư công, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí...

Tỷ lệ giải ngân đạt thấp

Số liệu từ Bộ Tài chính, tính đến ngày 30/9/2024, các bộ, cơ quan và địa phương đã phân bổ chi tiết 664.900 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 98,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Như vậy, vẫn còn hơn 13.000 tỷ đồng chưa được phân bổ chi tiết.

Trong khi đó, ước thanh toán đến ngày 30/9/2024, con số đạt được là trên 320.566 tỷ đồng, đạt 47,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn tỷ lệ 51,38% của cùng kỳ năm trước.

 

Trong số ngân khoản đã được giải ngân, vốn trong nước là trên 315.699 tỷ đồng, đạt 47,98% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, vốn nước ngoài là gần 4.867 tỷ đồng, đạt 24,33% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỷ lệ giải ngân này là chưa đạt kỳ vọng. Hiện tại, bên cạnh các bộ, ngành, địa phương giải ngân tốt như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải, Yên Bái, Phú Thọ, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Tiền Giang, Long An… vẫn còn 31 bộ, cơ quan và 23 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn trung bình của cả nước.

Đáng chú ý, qua theo dõi tình hình giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2024 cho thấy, một số địa phương được giao kế hoạch lớn nhưng tỷ lệ giải ngân thấp dẫn đến làm giảm tỷ lệ giải ngân chung của cả nước.

Chẳng hạn, Tp. Hồ Chí Minh được giao hơn 79.263 tỷ đồng, chiếm khoảng 11,7% tổng số kế hoạch vốn năm 2024 đã được Thủ tướng Chính phủ giao cả nước, nhưng tỷ lệ giải ngân mới chỉ đạt 21,29% kế hoạch.

Hà Nội cũng tương tự, được giao hơn 81.033 tỷ đồng, chiếm khoảng 12% tổng số kế hoạch vốn năm 2024 đã được Thủ tướng Chính phủ giao cả nước nhưng tỷ lệ giải ngân mới chỉ đạt 38,88% kế hoạch.

“Việc các địa phương này giải ngân chậm đã ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước nói chung”, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Nguyên nhân chủ yếu vẫn do chính sách còn vướng mắc, chậm sửa đổi, việc phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công các năm chậm trễ, phân bổ rất nhiều lần. Cùng với đó, nhiều dự án tắc nghẽn vì công tác giải phóng mặt bằng, thiếu vật liệu xây dựng. Tại các địa phương, tâm lý cán bộ e dè, không dám làm cũng gây cản trở tiến độ giải ngân…

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cũng chia sẻ, về yếu tố khách quan, các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh có số lượng dự án rất nhiều, quy mô từng dự án rất lớn trong khi số lượng cán bộ quản lý chỉ tương đồng với các tỉnh, thành phố ít dự án hoặc quy mô dự án nhỏ hơn nên công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, do lượng vốn kế hoạch của các dự án này rất nhiều nên nếu triển khai không nhanh thì vốn ứ đọng sẽ nhiều hơn và tỷ lệ sẽ thấp hơn bình quân chung của cả nước.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng cho biết, kết quả giải ngân vốn đầu tư công trong 9 tháng năm 2024 của địa phương thấp hơn so với mức trung bình chung của cả nước.

“Nhiều cá nhân phải thẳng thắng thừa nhận trách nhiệm của mình, chứ không thể cứ mãi đổ lỗi cho nguyên nhân khách quan là khó khăn trong giải phóng mặt bằng, khó khăn về nguồn vật liệu xây dựng thông thường, khó khăn do thời tiết không thuận lợi hay do cơ chế”, Chủ tịch Lê Văn Dũng cho hay.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đặt vấn đề, nếu cứ mãi đổ lỗi cho cơ chế là nguyên nhân của mọi khó khăn, thì tại sao cũng cơ chế ấy, chính sách ấy, nhưng địa phương này thực hiện được, làm được, công việc trôi chảy, tỷ lệ giải ngân đạt cao, còn địa phương kia thì ngược lại. Mấu chốt ở đây là trách nhiệm của từng người, từng chủ đầu tư, từng địa phương, đơn vị.

 

Quyết liệt thúc đẩy để đạt mục tiêu

Để phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024 mới đây, Tư lệnh ngành kế hoạch và đầu tư đã xin ý kiến Thường trực Chính phủ chỉ đạo các địa phương đầu tàu, nhất là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh tập trung quyết liệt đẩy mạnh tăng trưởng trong các tháng cuối năm, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư trên địa bàn.

Riêng đối với 31 bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2024 dưới mức trung bình của cả nước, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị lãnh đạo các bộ ngành, địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt các đơn vị trực thuộc thực hiện các giải pháp mạnh, quyết liệt hơn nữa để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn các dự án, kiên quyết thực hiện việc điều chuyển cán bộ đối với những cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, gây ách tắc trong giải ngân vốn đầu tư công.

Bên cạnh đó, cho phép Bộ Tài chính thực hiện nhập, phê duyệt dự toán năm 2024 trên TABMIS (Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc) cho các nhiệm vụ, dự án của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giao đơn vị không trực thuộc là chủ đầu tư.

Cùng với đó, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán về việc lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án và việc phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.

Về phía các địa phương, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh cũng cho biết, thành phố sẽ tập trung chỉ đạo điều hành để có thể đẩy nhanh giải ngân đầu tư công. Hiện nay, Tp. Hồ Chí Minh mới giải ngân được hơn 20% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, rất thấp. Tuy vậy, thành phố xác định đã phân nhóm, xác định giải pháp và triển khai thực hiện, nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công. 

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng chia sẻ, áp lực giải ngân thời gian còn lại rất lớn, do đó, cả hệ thống chính trị phải quyết liệt vào cuộc, phải giải ngân hết 100% vốn từ năm trước chuyển sang, tuyệt đối không được phép để mất vốn, không thể cứ mãi đổ lỗi cho nguyên nhân khách qua là khó khăn trong giải phóng mặt bằng, khó khăn do giá vật liệu tăng cao, khó khăn vì thời tiết, khó khăn do cơ chế.

Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng sẽ tiếp tục báo cáo Thủ tướng về việc kiện toàn các tổ công tác đã thành lập trước đây như 5 tổ công tác của các Phó Thủ tướng, 26 tổ công tác của các Bộ trưởng, để có sự chỉ đạo mới, với phong cách mới nhằm đem lại sự quyết liệt hơn trong giải ngân vốn đầu tư công.

Chỉ đạo tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, các địa phương phải tập trung đẩy mạnh, tạo đột phá trong giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy mạnh mẽ 3 chương trình mục tiêu quốc gia, phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân ít nhất 95%.

“Đây là một nhiệm vụ khá nặng nề, bởi sau 9 tháng, tỷ lệ giải ngân chưa được 50% kế hoạch được giao. Do vậy, áp lực giải ngân trong những tháng tới là rất lớn”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục