Áp lực giữ rừng ở Tây Nguyên: Bài 2 – Dễ đóng cửa, khó cài then

08:21' - 27/05/2020
BNEWS Trong những năm qua tại Tây Nguyên vẫn liên tục bị mất rừng với nhiều vụ việc có tính chất nghiêm trọng, phức tạp dẫn đến thực trạng “đóng cửa nhưng không cài được then”.

Tháng 6/2016, Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên tổ chức tại Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Sau đó, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 191/TB-VPCP, ngày 22/7/2016 về việc thực hiện nghiêm túc chủ trương đóng cửa khai thác gỗ rừng tự nhiên của Thủ tướng Chính phủ.

Thực hiện lệnh “đóng cửa rừng” của Thủ tướng chính phủ các tỉnh Tây Nguyên đã triển khai nhiều biện pháp để giữ rừng.

Tuy nhiên, trong những năm qua tại Tây Nguyên vẫn liên tục bị mất rừng với nhiều vụ việc có tính chất nghiêm trọng, phức tạp dẫn đến thực trạng “đóng cửa nhưng không cài được then”.

Rừng vẫn mất

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tháng 5/2017 về công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2016, diện tích đất có rừng ở Tây Nguyên là 2.558.646 ha, trong đó rừng tự nhiên có 2.234.440 ha.

Đến năm 2018, diện tích đất có rừng ở Tây Nguyên là 2.557.322 ha, trong đó rừng tự nhiên có 2.206.975 ha.

Như vậy, mặc dù các tỉnh Tây Nguyên đã thực hiện các biện pháp đóng cửa rừng tự nhiên theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ nhưng diện tích rừng tự nhiên vẫn giảm hàng năm.

Đặc biệt, tại một số tỉnh như Đắk Lắk, Đắk Nông có diện tích rừng suy giảm nghiêm trọng.

Theo Thống kê của Chi Cục Kiểm lâm vùng IV (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tại tỉnh Đắk Lắk, tổng diện tích rừng tự nhiên năm 2019 giảm so với năm 2018 là trên 11.251 ha.

Trong đó diện tích giảm tập trung nhiều nhất tại địa bàn các huyện M’Đrắk 7.284 ha; Ea Súp 1.254 ha; Lắk 1.293 ha…

Tại tỉnh Đắk Nông, tổng diện tích rừng tự nhiên năm 2019 so với năm 2018 giảm là 7.156 ha.

Trong đó diện tích giảm tập trung nhiều nhất ở địa bàn các huyện Đắk Glong trên 5.681 ha; Krông Nô trên 465 ha; Đắk Song trên 461 ha...

Nguyên nhân diện tích rừng tự nhiên tại các địa phương giảm là do phá rừng trái pháp luật, cháy rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng và nguyên nhân khác (do sai số trong kiểm kê rừng).

Chỉ tính từ đầu năm 2020 đến ngày 25/5, toàn tỉnh Kon Tum đã phát hiện 193 vụ phá rừng với khối lượng hơn 666 m3. Diện tích rừng bị thiệt hại hơn 20 ha.

Riêng trong tháng 5/2020 tỉnh Kon Tum đã phát hiện 43 vụ phá rừng, tăng 12 vụ so với cùng kỳ năm 2019.

Các vụ vi phạm lâm luật chủ yếu xảy ra tại các “điểm nóng” về phá rừng từ trước đến nay như các huyện Đắk Glei, Đắk Tô và Kon Plông.

Tại các tỉnh Gia Lai, Lâm Đồng cũng diễn ra tình trạng tương tự. Bất chấp lệnh đóng cửa rừng của Thủ tướng Chính phủ và các biện pháp bảo vệ rừng của chính quyền địa phương các tỉnh Tây Nguyên những đối tượng lâm tặc, đầu nậu gỗ vẫn “hành quân” lên rừng để rút ruột tài nguyên.

Những con số thống kê cho thấy, tình trạng mất rừng tự nhiên diễn ra liên tục trên khắp các địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.

Điều đáng nói, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chính quyền các địa phương tại Tây Nguyễn đã “đóng cửa” rừng bằng những biện pháp tăng cường quản lý bảo vệ, hệ thống văn bản chỉ đạo nhưng thực tế là rừng vẫn mất.

Đặc biệt, thời gian gần đây, tình trạng phá rừng tại khu vực Tây Nguyên lại "nóng" lên khi nhiều vụ việc liên tục được phát hiện với tính chất nghiêm trọng, diễn biến ngày phức tạp thể hiện sự lộng hành, ngang nhiên coi thường pháp luật của lâm tặc.

Ngang nhiên “bức tử” rừng

Sự hấp dẫn từ lợi ích kinh tế đã khiến các đối tượng lâm tặc, những đầu nậu mua bán gỗ rừng bằng nhiều thủ đoạn khác nhau đã xâm nhập và hủy hoại rừng tự nhiên.

Thời gian gần đây, vụ việc rừng pơ mu tại huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk liên tục bị “thảm sát” đã khiến dư luận không khỏi bức xúc khi những cây gỗ pơ mu hàng trăm năm tuổi bị “xẻ thịt” không thương xót ngay trên thủ phủ sinh sống của mình.

Tiểu khu 1219, thuộc lâm phần quản lý của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Krông Bông (huyện Krông Bông) là “thủ phủ” sinh sống của cây pơ mu.

Mặc dù phân bố ở địa hình hiểm trở với độ cao trên 1.600 mét so với mặt nước biển nhưng những năm gần đây, tại khu vực này liên tiếp xảy ra các vụ “thảm sát” rừng pơ mu, điển hình như các vụ khai thác trái phép: 48 cây gỗ pơ mu xảy ra tháng 10/2018; 24 cây pơ mu vào tháng 2/2019; 9 cây pơ mu vào tháng 12/2019; 14 cây pơ mu vào tháng 2/2020 và gần đây nhất là vụ cưa hạ 19 cây pơ mu vào tháng 4/2020.

Hoạt động cưa, xẻ gỗ pơ mu thành từng tấm diễn ra “nhộn nhịp” ngay tại hiện trường. Một số người được bố trí làm nhiệm vụ cảnh giới, khi phát hiện “bóng dáng” của lực lượng chủ rừng thì báo động cho cả nhóm bỏ chạy vào rừng và chờ thời cơ để tiếp tục công việc được “lập trình” nhiều năm nay là thăm dò cây pơ mu – cưa hạ - xẻ thành tấm – vận chuyển ra khỏi rừng.

Hay trong những tháng đầu năm 2020, tình trạng phá rừng giáp ranh giữa huyện Krông Pa (Gia Lai) với Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) nóng lên từng giờ khi những cánh rừng giáp ranh bị tàn phá nặng nề.

Các loài cây bị khai thác trái phép không chỉ là những loài thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm mà còn cả những loài thực vật rừng thông thường như Bằng lăng, Gáo vàng, Ké, Sao...

Trước tình trạng rừng giáp ranh bị tác động mạnh, ngày 15/4/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk có văn bản văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản, quản lý dân cư tại khu vực giáp ranh với tỉnh Đắk Lắk.

Sự ngang nhiên của lâm tặc còn được thể hiện trong thủ đoạn phá rừng khiến dư luận xã hội không khỏi bức xúc. Điển hình như vụ việc đầu độc trên 10 ha rừng thông tại huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng vào năm 2019.

Các đối tượng phá rừng khoan vào gốc cây và bơm hóa chất diệt cỏ qua lỗ khoan. Hậu quả, toàn bộ số cây thông trên 10 ha chết khô mà không thể cứu chữa.

Hay vụ việc phá trắng, cạo trọc, đốt trụi hơn 15 ha rừng xảy ra vào năm 2018 tại tại lâm phần do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Quảng Sơn (huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông) quản lý.

Mục đích chính của các đối tượng phá rừng là chuyển đổi đất rừng thành đất nông nghiệp ngay tại vùng lõi rừng tự nhiên. Vụ việc chỉ được các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý khi cơ quan báo chí lên tiếng phản ánh.

Những vụ việc trên chỉ là điển hình cho tình trạng lộng hành, coi thường pháp luật của lâm tặc. Điều này cũng cho thấy tính chất nghiêm trọng, phức tạp của nạn phá rừng chưa bao giờ “nguội” trên những cánh rừng Tây Nguyên.

Đây cũng là “dấu hỏi lớn” mà dư luận và công luận đặt ra cho chính quyền các địa phương, cơ quan chức năng của các tỉnh Tây Nguyên khi nắm trong tay “công cụ quyền lực” nhưng tình trạng ngang nhiên phá rừng vẫn diễn ra.

Theo đại diện Chi cục Kiểm lâm vùng IV, điểm tồn tại lớn nhất hiện nay là nhiều đơn vị chủ rừng ở hầu hết các địa phương chưa lập được hồ sơ xác định rõ vị trí, nguyên nhân, thời điểm, trạng thái rừng bị biến động, mất theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật; báo cáo không trung thực, không kịp thời.

Cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương thiếu kiên quyết trong việc chỉ đạo, đặc biệt là khâu giám sát, xử lý chưa nghiêm, chưa kịp thời.

Việc xử lý trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc xảy ra mất rừng vẫn chưa được làm rõ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục