APEC 2017: Cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam

12:12' - 07/05/2017
BNEWS Trong Năm APEC Việt Nam 2017, VCCI sẽ tổ chức hàng loạt các chương trình, hoạt động liên quan đến doanh nghiệp. Đây là cơ hội lớn giúp thúc đẩy quá trình thu hút đầu tư vào Việt Nam.
APEC 2017 tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh minh họa: TTXVN
Trong Năm APEC Việt Nam 2017, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sẽ tổ chức hàng loạt các chương trình, hoạt động liên quan đến doanh nghiệp. Các chuyên gia nhận định, đây là cơ hội lớn giúp thúc đẩy quá trình thu hút đầu tư vào Việt Nam.

* Cơ hội lớn giúp thúc đẩy quá trình thu hút đầu tư vào Việt Nam

Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC) được thành lập năm 1989 nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư trong khu vực. Hiện APEC có sự tham gia của 21 nền kinh tế và Việt Nam là thành viên của APEC từ năm 1998.

Năm 2017 là năm thứ 2 Việt Nam đăng cai tổ chức APEC, sau lần thứ nhất tổ chức vào năm 2006. Việc đăng cai tổ chức Diễn đàn cho thấy vị thế ngoại giao của Việt Nam ngày càng lớn mạnh, đồng thời cũng là cơ hội để nước ta trở thành điểm đến, thu hút dự án đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài.

Trong đó, VCCI được Chính phủ giao chủ trì tổ chức 6 sự kiện, là: Diễn đàn khởi nghiệp bên lề Hội nghị Bộ trưởng phụ trách doanh nghiệp nhỏ và vừa (13-9 tại Thành phố Hồ Chí Minh); Diễn đàn doanh nhân nữ APEC (tháng 9 tại Huế); Kỳ họp lần IV Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC - ABAC4 (từ 4 đến 7-11 tại Đà Nẵng); Diễn đàn xúc tiến thương mại đầu tư với Việt Nam (8-11 tại Đà Nẵng); Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo doanh nghiệp APEC (8 đến 10-11 tại Đà Nẵng) và Đối thoại giữa các thành viên ABAC và lãnh đạo kinh tế APEC (10-11 tại Đà Nẵng).

Để hỗ trợ cho các hoạt động liên quan tới doanh nghiệp của APEC Việt Nam 2017, tại cuộc họp báo giới thiệu về hoạt động của doanh nghiệp trong năm APEC 2017, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho biết, đã có một số tập đoàn, công ty toàn cầu như: Google, Facebook… cam kết tham gia và phối hợp để triển khai chương trình Diễn đàn khởi nghiệp; Diễn đàn phụ nữ và kinh tế.

Ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, trong những năm gần đây, với mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo, quốc gia khởi nghiệp, việc cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Nhiều báo cáo của các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đều đánh giá cao môi trường kinh doanh của Việt Nam và mong muốn sẽ mở rộng đầu tư hơn nữa tại Việt Nam. Chính vì thế, với cơ hội lớn từ APEC 2017, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến của doanh nghiệp thuộc các nền kinh tế APEC.

* Tạo điều kiện cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tham gia vào thị trường quốc tế

Năm APEC Việt Nam 2017 tập trung vào 4 trọng tâm gồm: thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh kết nối và hội nhập khu vực sâu rộng; tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) tăng cường năng lực cạnh tranh, sáng tạo và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và tăng cường an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững, thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu.

Từ định hướng của Năm APEC Việt Nam 2017, ông Hoàng Văn Dũng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) quốc tế cho biết, với vai trò Chủ tịch, Việt Nam đã chủ trì kỳ họp và triển khai các hoạt động của ABAC 2017 theo chủ đề chính là “Tạo thêm động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” nhằm duy trì phát triển kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương và đảm bảo lợi ích cho tất cả các thành viên.

Trong Kỳ họp ABAC 1 (được tổ chức từ ngày 19 đến 23-2, tại Bangkok, Thái Lan), các đại biểu đã tập trung thảo luận về các chuyên đề như: Hội nhập kinh tế khu vực; Kết nối khu vực; Phát triển bền vững và Hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (SMME).

Cụ thể, về hội nhập kinh tế khu vực, kỳ họp ABAC1 bàn luận tới việc thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp ABAC, tiếp tục xây dựng các sáng kiến và khuyến nghị ủng hộ WTO và chống bảo hộ; thúc đẩy việc hình thành Khu vực mậu dịch tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP); đẩy mạnh chương trình nghị sự về dịch vụ; tiếp tục tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại và đầu tư. Bên cạnh đó, kỳ họp ABAC1 cũng tập trung làm rõ 3 vấn đề trụ cột liên quan tới việc kết nối khu vực, đó là: Kết nối thể chế, Kết nối con người và Kết nối cơ sở vật chất. Ngoài ra, ABAC1 cũng thảo luận tới việc: tăng cường an ninh và bền vững năng lượng; đẩy mạnh an ninh lương thực như cắt giảm hàng rào phi thuế quan đối với thương mại lương thực - thực phẩm…; khai thác tài nguyên bền vững... Riêng đối với nội dung hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (SMME), ABAC1 bàn tới các giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp như: tăng cường trao đổi về các vấn đề tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp; tạo điều kiện cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tham gia vào thị trường quốc tế và chuỗi giá trị toàn cầu như ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng mạng kết nối doanh nghiệp…; thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên kỹ thuật số; tạo thuận lợi cho phụ nữ tham gia hoạt động kinh tế.

Sau kỳ họp ABAC 1, ABAC có nhiều khuyến nghị gửi tới các quan chức cao cấp APEC. Trong năm nay ABAC sẽ tiếp tục các hoạt động nghiên cứu và tiến hành kỳ họp kế tiếp để đưa ra các khuyến nghị chính thức gửi lên Bộ trưởng phụ trách thương mại, y tế, doanh nghiệp vừa và nhỏ, Tài chính và đệ trình Báo cáo và thư khuyến nghị lên Lãnh đạo APEC tại tuần lễ cấp cao cuối năm 2017.

Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) được thành lập năm 1995, là đại diện tiếng nói của doanh nghiệp trong khu vực nhằm đưa ra các báo cáo, khuyến nghị tới lãnh đạo APEC để tạo môi trường kinh doanh và đầu tư thuận lợi, minh bạch cho cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục