APEC 2017: Đầu tư vào con người- Yếu tố góp phần hoàn thành Mục tiêu Bogor

18:33' - 17/05/2017
BNEWS Các nền kinh tế thành viên APEC nên cân nhắc, đầu tư vào yếu tố con người để chú trọng tới tính toàn diện, bền vững của Mục tiêu Bogor.

Theo Mục tiêu Bogor (xác định APEC là một khu vực tự do hóa thương mại và đầu tư năng động nhất-là một trong những ưu tiên xuyên suốt của APEC), đến năm 2020, các nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) sẽ đạt được tự do hóa thương mại trong khu vực.

Đây là động lực thúc đẩy hợp tác phát triển trong APEC, đồng thời góp phần xây dựng chương trình hành động thương mại và đầu tư mới của các nền kinh tế thành viên APEC.

Bên lề Hội nghị lần thứ hai các quan chức cao cấp (SOM2) Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và các cuộc họp liên quan diễn ra tại Hà Nội từ ngày 9-21/5/2017, bà Mari Pangetsu, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Indonesia đã trao đổi với báo chí về những vấn đề các nền kinh tế thành viên APEC góp phần hoàn thành Mục tiêu Bogor đến năm 2020.

Phóng viên: Các nền kinh tế thành viên APEC cần lưu ý những vấn đề gì để hoàn thành Mục tiêu Bogor vào năm 2020, thưa bà?

Bà Mari Pangetsu: Chúng ta cần lưu ý đến vấn đề về các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; giải pháp đưa phụ nữ hoà nhập vào quá trình phát triển kinh tế; cách giải quyết bất bình đẳng trong mỗi nền kinh tế thành viên APEC và giữa các quốc gia; thách thức và cơ hội đan xen trong lĩnh vực công nghệ. Tuy nhiên, tôi cho rằng, vấn đề trở ngại hiện nay là các nền kinh tế thành viên APEC phải tái đào tạo thường xuyên nguồn nhân lực. Hiện nay, thế giới đang thay đổi cách thức, quy chế của sản xuất và thương mại. Những thay đổi này sẽ khiến các nền kinh tế thành viên APEC phải nhìn nhận lại quá trình hội nhập kinh tế khu vực.

Phóng viên: Theo bà, giải pháp nào cho các nền kinh tế thành viên APEC trong việc hoàn thành Mục tiêu này?

Bà Mari Pangetsu: Theo tôi, Mục tiêu Bogor là xuyên suốt và khó hoàn thành trong một thời gian cố định. Để thực hiện Mục tiêu này cần trải qua một quá trình dài. Chúng ta đang ở trong thời kỳ của thị trường thương mại tự do và đầu tư mở. Theo đó, đầu tư và thương mại không chỉ dành cho các sản phẩm cụ thể.

Từ trước đến nay, định nghĩa của đầu tư và thương mại thường bị thu hẹp trong các vấn đề như giảm thuế và rào cản xuyên biên giới.

Nay, thực chất còn nhiều vấn đề khác nằm trong phạm vi này cần tới sự hợp tác giữa các nền kinh tế thành viên APEC, đặc biệt là trong quản lý cải cách cơ cấu, quy chế và tiêu chuẩn.

Mục tiêu Bogor về tự do thương mại và đầu tư đã vượt qua phạm vi thương mại về sản phẩm.

Mục tiêu này hướng tới sự dịch chuyển con người, dịch vụ, đầu tư và nhiều lĩnh vực khác đặc biệt là trong kỷ nguyên số, với sự dịch chuyển dữ liệu không chỉ trong khu vực nội địa mà còn mở rộng xuyên biên giới.

Do đó, các nền kinh tế thành viên APEC nên cân nhắc, đầu tư vào yếu tố con người để chú trọng tới tính toàn diện, bền vững của Mục tiêu Bogor.

*Phóng viên: Theo bà, các bên liên quan cần có những đóng góp gì để góp phần định hình Tầm nhìn 2020 cho APEC?

*Bà Mari Pangetsu: Trước tiên, các nền kinh tế thành viên APEC nên tìm ra phương án giải quyết những thách thức hiện nay; duy trì chương trình nghị sự mở để tìm ra hướng giải quyết các vấn đề về phát triển bền vững.

Theo các số liệu APEC đã công bố, các nền kinh tế thành viên APEC hiện chưa đạt được mục tiêu về bình đẳng.

Ngoài ra, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa cũng gặp nhiều khó khăn trong hội nhập khu vực.

Giải pháp để các doanh nghiệp này tham gia nhiều hơn, được hưởng lợi nhiều hơn từ hội nhập sâu rộng trong khu vực cũng là vấn đề cần quan tâm thảo luận trong các phiên họp của Hội nghị lần thứ hai các quan chức cao cấp Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương.

*Phóng viên: Trân trọng cảm ơn bà!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục