APEC 2017: Ngày họp thứ ba Hội nghị SOM 2 và các cuộc họp liên quan

21:08' - 11/05/2017
BNEWS Cuộc họp đã tập trung rà soát tiến độ thực hiện các dự án của nhóm, đồng thời đề ra các sáng kiến mới trên các lĩnh vực.

Ngày 11/5, tại Hà Nội, ngày làm việc thứ ba của Hội nghị lần thứ hai các quan chức cao cấp (SOM 2) Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương và các cuộc họp liên quan đã diễn ra các hoạt động của Ủy ban Thương mại và Đầu tư (CTI) và các Nhóm công tác về phát triển nguồn nhân lực (HRDWG), Tiểu ban về tiêu chuẩn và hợp chuẩn (SCSC), Đối thoại về công nghiệp ôtô (AD), Nhóm đặc trách về khai khoáng (MTF) và Đối tác chính sách về khoa học công nghệ sáng tạo (PPSTI).

Đoàn chủ tịch cuộc họp. Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN

Tiếp theo các hoạt động tại Hội nghị SOM 1, Nhóm Đối tác chính sách về khoa học công nghệ sáng tạo (PPSTI) đã có cuộc họp lần thứ 2 trong năm 2017. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh đã phát biểu khai mạc.

Cuộc họp đã tập trung rà soát tiến độ thực hiện các dự án của nhóm, đồng thời đề ra các sáng kiến mới trên các lĩnh vực: khoa học về các hiểm họa thiên nhiên và hỗ trợ hệ sinh thái khoa học, công nghệ và sáng tạo trong APEC. Chiều cùng ngày, các đại biểu đã tham dự các cuộc họp của ba tiểu nhóm về: nâng cao năng lực, sáng tạo và kết nối.

Trong ngày, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã tham dự và phát biểu khai mạc cuộc họp Đối thoại về công nghiệp ô tô. Thứ trưởng nhấn mạnh APEC cần thảo luận và đưa ra giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh nhằm tăng cường hợp tác giữa các thành viên trong ngành công nghiệp ô tô.

Các đại biểu đã báo cáo tiến độ triển khai các dự án và đánh giá các tác động của các khuôn khổ chính sách, đồng thời thảo luận về ứng dụng công nghệ mới để phát triển ngành công nghiệp ô tô.

Tại Hội thảo "Thế giới thông tin về việc làm và thị trường lao động trong kỷ nguyên số", Tiến sỹ Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam đã phát biểu chỉ đạo, chia sẻ những cơ hội và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời đề nghị các đại biểu APEC tập trung thảo luận các biện pháp nhằm ứng phó với các tác động của thị trường lao động trong tương lai đối với các chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động.

Cùng ngày, Nhóm công tác về phát triển nguồn nhân lực đã tổ chức hai Hội thảo về "Phụ nữ khỏe mạnh, nền kinh tế lành mạnh" và "Kế hoạch hành động của Chiến lược giáo dục APEC".

Hôm nay là ngày thứ hai diễn ra cuộc họp của Nhóm đặc trách về khai khoáng (MTF). Các đại biểu đã nghe báo cáo hàng năm về các tiến bộ trong khai khoáng, đồng thời thảo luận Kế hoạch hành động và Kế hoạch chiến lược 2016 - 2018 của Nhóm.

Cũng trong ngày làm việc thứ ba, Ủy ban Thương mại và Đầu tư đã tổ chức hội thảo với chủ đề: “Tham gia của các doanh nghiệp nhỏ và vừa vào chuỗi giá trị toàn cầu trong lĩnh vực dịch vụ - thiết kế thời trang”.

Hội thảo lần này hướng đến việc nâng cao nhận thức cho các nền kinh tế thành viên về chuỗi giá trị toàn cầu ngành thiết kế thời trang và đề ra các chính sách phù hợp nhằm khuyến khích sự phát triển của ngành này.

Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ những cơ hội cũng như thách thức doanh nghiệp gặp phải trong quá trình hội nhập, đồng thời khuyến nghị các chính sách, giải pháp để vượt qua các thách thức.

Cùng trong khuôn khổ Ủy ban Thương mại và Đầu tư, Đối thoại chính sách thương mại (TPD) về dịch vụ môi trường đã diễn ra. Là một phần của Kế hoạch hành động về dịch vụ môi trường (ESAP), đối thoại là cơ hội để các nền kinh tế APEC chia sẻ các vấn đề quan tâm chung cũng như cách thức phân loại các dịch vụ môi trường và triển vọng kinh doanh của ngành này trong tương lai.

Nhiều loại hình dịch vụ môi trường tiềm năng như khắc phục thiệt hại môi trường, kinh doanh nước hay kinh doanh năng lượng tái tạo đã được các bên tập trung thảo luận tại phiên họp.

Tiểu ban về tiêu chuẩn và hợp chuẩn, Hội thảo về hiện đại hóa hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm và Cuộc họp kỹ thuật của Diễn đàn quản lý rượu đã cùng diễn ra.

Tiếp nối chủ đề về hệ thống kiểm soát một cửa ở phiên họp trước, hai phiên họp lần này đã làm rõ hơn các cơ hội và thách thức cụ thể liên quan việc kiểm soát thực phẩm và quản lý rượu, từ đó đề ra các nguyên tắc cần nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các thành viên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục