APEC 2017: Thúc đẩy quản lý rừng bền vững và thương mại gỗ hợp pháp trên toàn cầu

19:13' - 21/02/2017
BNEWS Ngày 21/2, tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), Nhóm công tác về chống buôn bán và chặt phá rừng bất hợp pháp (EGILAT) tiếp tục ngày làm việc thứ hai.
Đại biểu dự cuộc họp. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Đây là một trong những hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị các quan chức cao cấp APEC lần thứ nhất (SOM1) và các cuộc họp liên quan.

Bên lề cuộc họp, Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với các đại biểu tham dự về việc chia sẻ thông tin giữa các nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương thúc đẩy quản lý rừng bền vững và thương mại gỗ hợp pháp trên toàn cầu.

Tăng cường sử dụng gỗ hợp pháp

Chia sẻ về ngành sản xuất gỗ và việc sử dụng gỗ tại Đài Loan (Trung Quốc), bà Haiu Chuan Huang đại biểu đến từ Đài Loan (Trung Quốc) nhấn mạnh, Đài Loan (Trung Quốc) đã rất chú trọng vào ngành sản xuất gỗ và đã có những cơ chế cho ngành gỗ.

Trong thời gian tới, Đài Loan (Trung Quốc) sẽ tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa đến ngành sản xuất này và tăng cường sử dụng gỗ hợp pháp.

Để n ền sản xuất gỗ ở Đài Loan (Trung Quốc) phát triển , bà Haiu Chuan Huang cho biết, Đài Loan (Trung Quốc) chú trọng hơn việc bảo vệ tài nguyên rừng và tự nhiên.

Việc khuyến khích ngành sản xuất gỗ hợp pháp là vô cùng quan trọng. Đài Loan (Trung Quốc) đã bắt đầu ngành sản xuất gỗ khoảng hai năm trở lại đây.

Điều Đài Loan (Trung Quốc) làm hiện nay là cố gắng xây dựng một cơ chế hoàn thiện để cấp phép cho các chủ rừng.

Cho biết về những sáng kiến , đề xuất được đưa ra để thúc đẩy thương mại hóa và khai thác gỗ hợp pháp , bà Mariana Lubis đại biểu đến từ Indonesia nhấn mạnh, cuộc họp của Nhóm công tác về chống buôn bán và chặt phá rừng bất hợp pháp (EGILAT) lần này đã đạt được tiến triển trong việc chia sẻ thông tin và cách thức thực hiện tốt nhất giữa các nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương.

Về việc các nền kinh tế thành viên của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương đã phối hợp ra sao để chống buôn bán gỗ bất hợp pháp và làm sao để thúc đẩy gỗ hợp pháp trên toàn cầu.

Cũng theo bà Mariana Lubis , các nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương chiếm tới 80% tổng giá trị thương mại gỗ và sản phẩm gỗ trên toàn thế giới. Đó là lý do cuộc họp này vô cùng quan trọng đối với các nền kinh tế thành viên cũng như cho toàn cầu.

Ưu tiên phát triển cho những doanh nghiệp tuân thủ pháp luật

Là đại biểu của chủ nhà Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương năm 2017, bà Nguyễn Tường Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, Việt Nam đã cùng Ban Thư ký Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương và các nền kinh tế thành viên xây dựng chương trình được đánh giá rất cao. Trong chương trình này tập trung cho các nền kinh tế đối thoại những quy định về luật pháp của các nền kinh tế liên quan đến vấn đề làm sao có thể chống được khai thác gỗ trái phép và quản lý rừng tốt hơn ở các nền kinh tế, đặc biệt là các nền kinh tế sản xuất gỗ.

Tại cuộc họp này, Việt Nam cũng đã đưa ra hai sáng kiến: Thứ nhất, các nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương nên áp dụng việc xác minh dựa trên rủi ro để tập trung nguồn lực của Chính phủ ưu tiên phát triển cho những doanh nghiệp tuân thủ pháp luật. Theo đó, những doanh nghiệp này được tự do thương mại, có những ưu đãi kinh doanh tốt hơn.

Cơ quan Chính phủ kiểm soát gỗ tập trung vào những nơi nào rủi ro cao và đề xuất cách làm là dùng những bộ lọc, ví dụ như bộ lọc địa lý, bộ lọc các loài gỗ quý hiếm có rủi ro cao để kiểm soát chặt chẽ hơn.

Còn những loài thông thường như keo, bạch đàn, tần bì, sồi… là những loài ít rủi ro sẽ không tập trung nhiều vào vấn đề giám sát.

Các nền kinh tế trong Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương cũng rất ủng hộ sáng kiến này.

Vì đây là cách làm sáng tạo, vừa tiết kiệm được nguồn lực của Chính phủ, vừa kiểm soát được gỗ, lại vừa hỗ trợ được quá trình kinh doanh, thương mại của doanh nghiệp.

Sáng kiến thứ hai của Việt Nam cũng được các nền kinh tế ủng hộ đó là đề xuất tổ chức một buổi đối thoại tại Việt Nam vào năm 2018 để khối tư nhân, Chính phủ và các tổ chức cấp chứng chỉ cùng nhau thảo luận các biện pháp kiểm soát tốt nhất cho chuỗi cung, làm sao có thể kiểm soát từ khâu khai thác đến khâu xuất khẩu một cách khoa học, hệ thống nhưng lại không cần đòi hỏi quá nhiều thủ tục hành chính.

“Việt Nam đã hoàn thiện hơn về các văn bản pháp luật để kiểm soát gỗ, khuyến khích các doanh nghiệp tuân thủ pháp luật; xây dựng hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS). Hệ thống này sẽ đảm bảo gỗ trong chuỗi cung ứng từ khâu khai thác, nhập khẩu, vận chuyển, chế biến cho đến xuất khẩu đều phải hợp pháp.

Cách làm này sẽ góp phần giúp Việt Nam đạt được mục tiêu chống nạn buôn bán, khai thác gỗ bất hợp pháp, đồng thời khuyến khích những doanh nghiệp làm ăn đúng pháp luật”, bà Nguyễn Tường Vân cho biết.

Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quản lý rừng bền vững và thương mại gỗ hợp pháp trên toàn cầu. Do vậy, nhiệm vụ của mỗi nền kinh tế là phải bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên rừng một cách bền vững thông qua việc thúc đẩy thương mại gỗ và sản phẩm gỗ được khai thác hợp pháp.

Để thực hiện nhiệm vụ này và nâng cao năng lực cho các nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương về thương mại gỗ hợp pháp, Nhóm công tác của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương về chống khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp (gọi tắt là EGILAT) đã được thành lập từ năm 2011 tại Hội nghị Bộ trưởng Thương mại của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương.

Từ đó đến nay, Nhóm công tác của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương về chống khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp thực sự trở thành một diễn đàn rất hiệu quả cho các nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, tăng cường đối thoại chính sách, chia sẻ thông tin, quan điểm, bài học kinh nghiệm, những thành công và những vấn đề liên quan đến chống khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục