ASEAN 2020: Ưu tiên các các biện pháp tạo thuận lợi cho phục hồi kinh tế

16:35' - 29/08/2020
BNEWS Các Bộ trưởng nhấn mạnh sẽ kiềm chế không áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại mới, bao gồm cả các biện pháp phi thuế, có tác động tiêu cực tới sự chu chuyển của các hàng hóa và dịch vụ thiết yếu.
Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 52 và các hội nghị có liên quan (AEM-52), ngày 29/8 các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã có buổi tham vấn trực tuyến với các đối tác ngoại khối, bao gồm Australia và New Zealand (lần thứ 25).

Buổi tham vấn do Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh và ngài Simon Birmingham, Bộ trưởng Thương mại, Du lịch và Đầu tư của Australia cùng ngài Damien O’Connor, Thứ trưởng Thương mại và tăng trưởng xuất khẩu của New Zealand chủ trì.

Tại buổi tham vấn, các Bộ trưởng ghi nhận tổng giá trị giao dịch thương mại giữa ASEAN và Australia tăng nhẹ ở mức 1,2%, từ 86,8 tỷ USD năm 2018 lên 87,8 tỷ USD trong năm 2019, trong khi đó thương mại hai chiều giữa ASEAN và New Zealand tăng 6,6% từ 11,4 tỷ USD năm 2018 lên 12,1 tỷ USD năm 2019 (dựa trên số liệu thống kê từ phía Australia và New Zealand).

Đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Australia vào ASEAN trong năm 2019 đạt 32,6 tỷ USD, chiếm 5,5% tổng đầu tư nước ngoài của nước này. Bên cạnh đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài của New Zealand vào ASEAN năm 2019 đạt 560 triệu USD, chiếm 3,2% đầu tư nước ngoài của nước này.

Ngoài ra, các Bộ trưởng bày tỏ quan ngại sâu sắc đối với đại dịch COVID-19, và cho rằng đại dịch đã có tác động bất lợi với cuộc sống của nhân dân và các nền kinh tế trong khu vực. Những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất là vận tải, du lịch, sản xuất, bán lẻ và các dịch vụ khác cũng như sự gẫy đổ của chuỗi cung ứng và các thị trường tài chính.

Các Bộ trưởng hai bên tái khẳng định cam kết mở cửa thị trường thương mại và đầu tư nhằm củng cố tính đàn hồi và bền vững của các chuỗi cung ứng khu vực và duy trì luồng chu chuyển của hàng hóa và dịch vụ giữa các bên.

Đặc biệt, các Bộ trưởng cũng nhấn mạnh sẽ kiềm chế không áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại mới, bao gồm cả các biện pháp phi thuế, có tác động tiêu cực tới sự chu chuyển của các hàng hóa và dịch vụ thiết yếu trong quá trình chống lại đại dịch COVID-19.

Ngoài ra, các Bộ trưởng cũng nhất trí ưu tiên áp dụng các biện pháp tạo thuận lợi cho việc phục hồi kinh tế sau đại dịch. Với tinh thần đó, các Bộ trưởng nhất trí sẽ nỗ lực ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện Kinh tế Khu vực (RCEP) trong năm 2020, qua đó, bày tỏ sự ủng hộ tích cực cho Hệ thống thương mại đa phương và hội nhập kinh tế khu vực.

Mặt khác, các Bộ trưởng cũng ghi nhận rằng các cuộc đàm phán đầu tiên nhằm nâng cấp Hiệp định thành lập Khu vực thương mại tự do ASEAN-Australia và New Zealand (AANZFTA) chưa thể triển khai được vào tháng 6 năm 2020 do tình hình dịch bệnh, nhưng cũng cho rằng đã có những tiến triển nhất định trong quá trình thảo luận trực tuyến và chỉ đạo các quan chức tìm các biện pháp thích hợp để tiếp tục thúc đẩy đàm phán trong thời gian tới.

Các Bộ trưởng của hai bên cũng chỉ đạo các quan chức tham gia đàm phán cần xem xét đưa vào tiến trình đàm phán những điều khoản nhằm khuyến khích thương mại và đầu tư, tháo gỡ những rào cản không cần thiết nhằm khôi phục lòng tin của cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực.

Đáng lưu ý, các Bộ trưởng bày tỏ sự ủng hộ và nhấn mạnh tính cần thiết trong quá trình cải tổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và tái khẳng định sẽ cùng chung tay trong tiến trình cải tổ WTO nhằm đạt được các kết quả cân bằng và đáp ứng nguyện vọng của tất cả các thành viên WTO trong tiến trình cải tổ này.

Các Bộ trưởng nhất trí sẽ tiến hành cuộc họp Ủy ban hỗn hợp AANZFTA lần thứ 12 và Diễn đàn Đối tác Hội nhập ASEAN-CER lần thứ 9 trong thời gian sớm nhất có thể./.

>>>ASEAN 2020: Hướng tới đàm phán Hiệp định thương mại song phương giữa ASEAN và Canada

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục