ASEAN có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới năm 2030

10:33' - 25/11/2015
BNEWS Theo Thủ tướng Malaysia Najib Razak, dự kiến GDP của ASEAN sẽ đạt 4.700 tỷ USD vào năm 2020 và ASEAN có tiềm năng trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới vào năm 2030.

Ngày 22/11/2015 đã đi vào lịch sử của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đánh dấu giai đoạn mới của khu vực với việc 10 nước thành viên ký Tuyên bố Kuala Lumpur về hình thành Cộng đồng ASEAN năm 2015 - một văn kiện cột mốc nhằm thúc đẩy hội nhập về kinh tế, chính trị và văn hóa xã hội sâu rộng hơn trên toàn khu vực.

Việc ký kết Tuyên bố tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 27 ở thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia, thể hiện việc hoàn tất kế hoạch xây dựng cộng đồng trong hơn 10 năm kể từ khi ý tưởng về một Cộng đồng ASEAN lần đầu tiên được đưa ra tại Hội nghị Cấp cao ASEAN tại Bali năm 2003.

Thủ tướng Malaysia, nước Chủ tịch ASEAN 2015, Najib Razak chính thức tuyên bố tại lễ ký rằng Cộng đồng ASEAN thành lập vào ngày 31/12/2015. 

 Thủ tướng Malaysia Najib Razak phát biểu tại lễ ký Tuyên bố Kuala Lumpur 2015. Ảnh: THX/ TTXVN.

ASEAN giờ đây phải đảm bảo tạo ra một thị trường và cơ sở sản xuất chung thực sự với sự lưu chuyển tự do về hàng hóa và dịch vụ. Để đạt được mục đích này, một trong những yêu cầu cơ bản là phải có tiêu chuẩn sản phẩm chung, thúc đẩy kết nối kinh tế lớn hơn và xóa bỏ rào cản thương mại. Hiện ASEAN là nền kinh tế lớn thứ 7 trên thế giới với tổng GDP khoảng 2.400 tỷ USD.

Theo Thủ tướng Malaysia Najib Razak, dự kiến GDP của ASEAN sẽ đạt 4.700 tỷ USD vào năm 2020 và ASEAN có tiềm năng trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới vào năm 2030. Ông chỉ ra rằng khái niệm về Cộng đồng ASEAN đã vượt xa những nhận thức về kinh tế, mà bao gồm cả sự ghi nhận về mối quan hệ đặc biệt ràng buộc giữa những người dân.

Đối với người dân Đông Nam Á, để hiểu được ý nghĩa của Cộng đồng ASEAN, các nước thành viên phải mang lại lợi ích trực tiếp và hữu hình gây cảm giác họ thực sự thuộc về khu vực. Cộng đồng ASEAN không chỉ là tiến bộ về kinh tế và GDP cao, mà quan trọng hơn nó sẽ tạo ra cảm nghĩ chung trong người dân rằng họ là một phần của Cộng đồng các nước ASEAN thống nhất. 

ASEAN đang sẵn sàng bắt đầu cuộc hành trình mới của tiến trình xây dựng cộng đồng trong tất cả ba trụ cột: Cộng đồng Chính trị - An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội. Ảnh: Đức Tám/TTXVN.

ASEAN vẫn còn nhiều việc phải làm sau khi Cộng đồng chung được thành lập. Bởi vậy, Tuyên bố Kuala Lumpur về tầm nhìn ASEAN 2025 cùng với Kế hoạch Tổng thể Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN 2025, Kế hoạch Tổng thể Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025, và Kế hoạch Tổng thể Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN 2025 (hợp thành văn kiện ''ASEAN 2025: Cùng vững vàng tiến bước'') được các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua và ký cùng ngày 22/11 tại Kuala Lumpur là lộ trình phát triển tiếp theo của Cộng đồng ASEAN trong 10 năm tới, từ 2016-2025.

Theo quan chức cao cấp ASEAN, văn kiện nêu rõ mục tiêu và nguyện vọng của ASEAN trong việc củng cố và phát triển khu vực vững mạnh hơn, hội nhập khu vực sâu rộng và gắn kết hơn, đặt tầm quan trọng lớn hơn vào người dân và phúc lợi xã hội.

Tăng cường nhận thức về ASEAN và tầm nhìn về một cộng đồng gắn kết về chính trị, hội nhập về kinh tế và chia sẻ trách nhiệm xã hội, thu hút sự tham gia của mọi người dân các nước ASEAN, đảm bảo quyền con người và cuộc sống tốt hơn cho người dân, thực hiện các chương trình nghị sự ASEAN và tăng cường củng cố các cơ quan và Ban thư ký ASEAN.

Thủ tướng Malaysia Najib Razak khẳng định rằng với việc ký kết hai Tuyên bố cực kỳ quan trọng trên, ASEAN có thể tự hào tuyên bố rằng hiện nay khối khu vực đang sẵn sàng bắt đầu cuộc hành trình mới của tiến trình xây dựng cộng đồng trong tất cả ba trụ cột: Cộng đồng Chính trị - An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội. 

Kim Dung (P/v TTXVN tại Kuala Lumpur)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục