ASEAN hướng tới nền nông nghiệp sáng tạo và đổi mới

10:43' - 08/10/2018
BNEWS Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá, trong bối cảnh mới, nông nghiệp vẫn duy trì vai trò trụ cột trong Cộng đồng kinh tế ASEAN.
Hội nghị quan chức cao cấp nông lâm nghiệp ASEAN. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN
Sáng 8/10 tại Hà Nội, Hội nghị quan chức cao cấp nông lâm nghiệp ASEAN đã khai mạc chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng Nông Lâm nghiệp ASEAN (AMAF) lần thứ 40, Hội nghị Bộ trưởng Nông Lâm nghiệp ASEAN+3 (AMAF+3) lần thứ 18 và Hội nghị Bộ trưởng ASEAN - Trung Quốc lần thứ 6 về giám sát chất lượng, kiểm tra và kiểm dịch diễn ra từ ngày 8 - 13/10/2018.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá, trong bối cảnh mới, nông nghiệp vẫn duy trì vai trò trụ cột trong Cộng đồng kinh tế ASEAN và góp phần hiện thực hóa nhiều mục tiêu của Cộng đồng như tạo ra một khu vực kinh tế có sức cạnh tranh cao, phát triển kinh tế đồng đều hiệu quả và hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế toàn cầu.

Với qui mô 650 triệu dân và tổng GDP năm 2017 đạt 2.760 tỷ USD, việc tăng cường hợp tác nông nghiệp nội khối rất quan trọng để tận dụng được các ưu đãi mà các nước ASEAN dành cho nhau thông qua các Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN, Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ...

Qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nông nghiệp nhanh hơn, tạo ra nhiều việc làm hơn, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), phân bổ nguồn lực tốt hơn, tăng cường năng lực sản xuất và tính cạnh tranh của ngành nông lâm nghiệp ASEAN.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, là ngành có nhiều ưu thế để phát triển, song những năm qua xu hướng phát triển trong khu vực đang chậm lại, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nông nghiệp đang đứng trước các thách thức lớn, đặc biệt biến đổi khí hậu, bất lợi về thị trường, sự chênh lệch về trình độ phát triển với các khu vực khác trên thế giới; sự phát triển đô thị hóa, công nghiệp hóa nhanh chóng cùng với khả năng quản trị chưa tốt cũng là những tồn tại hiện hữu.

Bên cạnh đó, nhiều cơ hội mới cũng đã xuất hiện nổi bật là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cùng các cơ hội hợp tác khác mở ra tiềm năng lớn cho sự phát triển.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đánh giá cao hợp tác nông lâm nghiệp trong khu vực ASEAN trong thời gian qua. Để giải quyết những thách thức trên, chúng ta cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa của khu vực. Điều đó đòi hỏi mỗi nước thành viên cũng như cả hiệp hội phải có những cam kết đủ mạnh và sự đầu tư thích đáng cho sự phát triển nông nghiệp ASEAN, đề ra được những giải pháp và bước đi phù hợp để biến những mục tiêu thành hiện thực.

Tại hội nghị lần này, Bộ trưởng mong muốn Cộng đồng ASEAN sẽ cùng thảo luận và thống nhất về các vấn đề ưu tiên chung của khu vực liên quan đến hợp tác trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, tăng cường an ninh lương thực và an toàn thực phẩm, góp phần thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN và Kế hoạch chiến lược hợp tác ASEAN về Thực phẩm và Nông lâm nghiệp giai đoạn 2016-2025.

ASEAN cũng cần xây dựng quan điểm chung về các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm thúc đẩy đàm phán nông nghiệp tại các diễn đàn đa phương; trong đó có đàm phán nông nghiệp trong khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu; phát huy được nguồn lực tổng thể của xã hội qua hình thức đầu tư công tư PPP; tận dụng tốt nhất các cơ hội do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại, đưa khu vực nông thôn hiện nay còn chiếm hơn 50% dân số, 33% lao động tiếp tục phát triển.

Với vai trò là nước chủ nhà và chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Nông Lâm nghiệp ASEAN giai đoạn 2018-2019, Việt Nam cam kết phối hợp chặt chẽ với các quốc gia thành viên và Ban Thư ký ASEAN trong quá trình triển khai các hoạt động hợp tác nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của ASEAN, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển nông nghiệp bền vững trong khu vực, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Nối tiếp các nội dung hợp tác ASEAN trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp trong thời gian qua, trong nhiệm kỳ 2018 – 2019 của AMAF dự kiến một số nội dung ưu tiên như tăng cường hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong xây dựng và phát triển nền nông nghiệp bền vững và thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh lương thực; hợp tác thu hút đầu tư tư nhân trong và ngoài khu vực ASEAN để phát triển các chuỗi giá trị ngành hàng nông sản, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững, gia tăng giá trị hàng hóa và thúc đẩy nông sản ASEAN tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Bên cạnh đó, thúc đẩy phát triển mô hình hợp tác công tư trong sản xuất nông ngư nghiệp, tăng cường vai trò của cộng đồng và khối tư nhân trong ứng phó với biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh lương thực; thúc đẩy hợp tác nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật ứng dụng trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; đẩy mạnh hợp tác khuyến nông, khuyến ngư trong khu vực thông qua các hoạt động đào tạo, hợp tác chuyển giao công nghệ quản lý, vận hành, giám sát theo chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng.

Dự kiến, tại hội nghị Bộ trưởng nông lâm nghiệp ASEAN lần thứ 40, các Bộ trưởng sẽ xem xét và thông qua 23 Kế hoạch hành động, hợp tác và các văn kiện, tài liệu trong lĩnh vực nông lâm nghiệp.

Tại hội nghị Bộ trưởng AMAF và 3 nước đối tác (AMAF+3) lần thứ 18, Chủ tịch SOM-AMAF+3 (Việt Nam) sẽ trình bày báo cáo về các hoạt động hợp tác của ASEAN+3 trong lĩnh vực lương thực, nông nghiệp và lâm nghiệp, đồng thời ký kết 3 Biên bản ghi nhớ.

Tại hội nghị Bộ trưởng ASEAN – Trung Quốc về hợp tác an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật lần thứ 6, đồng chủ tịch đầu mối ASEAN-Trung quốc về hợp tác trong lĩnh vực SPS sẽ báo cáo tiến độ thực hiện các hoạt động hợp tác ASEAN - Trung quốc và giới thiệu Chương trình hành động năm 2019 – 2020 để hội nghị xem xét và thông qua./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục