ASEAN là điểm đến xuất khẩu và sản xuất quan trọng của Hàn Quốc

09:37' - 29/02/2024
BNEWS Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang nhanh chóng nổi lên trở thành cơ sở sản xuất toàn cầu và thị trường xuất khẩu quan trọng của Hàn Quốc.

Trong bối cảnh cạnh tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ tiếp tục gia tăng, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang nhanh chóng nổi lên trở thành cơ sở sản xuất toàn cầu và thị trường xuất khẩu quan trọng của Hàn Quốc.

 

Trong báo cáo triển vọng kinh tế, do Ngân hàng trung ương Hàn Quốc phát hành, có tiêu đề “Đặc điểm xuất khẩu và triển vọng tương lai của Hàn Quốc” đánh giá 5 nền kinh tế thuộc khu vực Đông Nam Á (gọi tắt là ASEAN 5) gồm Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Philippines và Thái Lan hiện có tỷ trọng nhập khẩu hàng hóa của Hàn Quốc lớn nhất trong số 10 nước thành viên ASEAN.

Quy mô thặng dư thương mại giữa Hàn Quốc với ASEAN 5 đã vượt xa quy mô thặng dư với Trung Quốc, tính từ năm 2019. Cùng với đó, trong năm 2023, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (FDI) của Hàn Quốc vào khu vực này đã tăng lên vị trí thứ hai chỉ sau Mỹ. Điều này cho thấy tầm quan trọng về thương mại ngày càng gia tăng của khu vực đối với Hàn Quốc.

Báo cáo cho biết xuất khẩu của Hàn Quốc sang ASEAN 5 được kích hoạt thông qua các con đường trực tiếp và gián tiếp. Con đường trực tiếp là hàng hóa trung gian được nhập khẩu và sản xuất để đáp ứng nhu cầu của các nước ASEAN. Con đường gián tiếp là khi các nước ASEAN nhập khẩu hàng hóa trung gian, sản xuất và xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu của thị trường Mỹ và Trung Quốc. Trong trường hợp này, hàng xuất khẩu của Hàn Quốc sang ASEAN, coi đây là điểm trung chuyển để cuối cùng đến với các thị thường khác.

Số liệu thống kê cho thấy, tính đến năm 2022, khoảng một nửa lượng hàng hóa xuất khẩu của Hàn Quốc tới ASEAN 5 là dành cho mục đích sản xuất hàng tiêu dùng tại chỗ và đầu tư từ Hàn Quốc ở các nước ASEAN 5 cũng tăng mạnh theo luồng thương mại xuất khẩu. Nửa còn lại là hàng xuất khẩu trung gian, phục vụ tiêu dùng và đầu tư ở các nước ngoài ASEAN 5. Các sản phẩm đã trải qua quá trình sản xuất tại ASEAN 5 và ra nước ngoài qua con đường xuất khẩu gián tiếp. Trong số các nước ngoài khu vực này, tỷ lệ xuất khẩu sang Mỹ đạt 11% và Trung Quốc đạt 9%.

Đặc biệt, so sánh thời điểm trước và sau khi tranh chấp thương mại Mỹ - Trung leo thang, tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa trung gian của Hàn Quốc sang 5 thị trường ASEAN nói trên trong năm 2022 đã giảm 7,7% so với năm 2015, song tỷ trọng xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) tăng 5,6%, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 4,6%.

Trong tương lai, xuất khẩu của Hàn Quốc sang ASEAN 5 dự kiến sẽ tăng đều trở lại, nhờ các yếu tố như: nền kinh tế gắn với công nghệ thông tin (CNTT) tiếp tục phục hồi, tăng trưởng kinh tế nhanh hơn dự kiến ở Mỹ và mở rộng đầu tư ở các nước mới nổi. Bên cạnh đó, Hàn Quốc không chỉ được hưởng lợi trực tiếp từ sự phục hồi kinh tế của ASEAN 5, mà việc nền kinh tế Mỹ phục hồi nhanh hơn dự kiến, cùng với sự phục hồi tiêu dùng ở châu Âu sẽ góp phần tăng xuất khẩu từ Hàn Quốc sang khu vực ASEAN.

ASEAN đang ngày càng nổi lên là một cơ sở sản xuất toàn cầu ổn định và mạnh mẽ, sự cạnh tranh của Hàn Quốc với các nước khác để đảm bảo thị phần dự kiến ở khu vực này sẽ ngày càng lớn hơn trong trung và dài hạn.

Kể từ năm 2017, thị phần của Hàn Quốc tại thị trường nhập khẩu ASEAN 5 đã giảm nhẹ. Tỷ trọng hàng hóa trung gian công nghệ cao, lĩnh vực mà các công ty Hàn Quốc có lợi thế hơn các nước mới nổi khác, cũng bị trì trệ. Đây là kết quả của việc Trung Quốc mở rộng dịch chuyển cơ sở sản xuất sang khu vực này để giảm chi phí.

Cạnh tranh dự kiến sẽ tăng cường không chỉ ở lĩnh vực hàng hóa trung gian mà còn ở hàng tiêu dùng đầu cuối như xe điện và pin. Điều này là do các công ty Trung Quốc và Nhật Bản đang tìm cách tăng cường sản xuất tại các nước ASEAN, thông qua việc xây dựng các nhà máy sản xuất ô tô và pin cho xe điện.

Ngân hàng trung ương Hàn Quốc cho biết để xuất khẩu sang ASEAN tăng trưởng ổn định trong tương lai, Hàn Quốc cần tập trung nâng cao chất lượng hàng hóa trung gian làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, đồng thời chú ý tăng cường xuất khẩu hàng tiêu dùng chất lượng cao, có tính đến tiềm năng tăng trưởng của dân số và thị trường tiêu dùng của ASEAN.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục