ASEAN tái khẳng định cam kết với các hệ thống thương mại mở

11:27' - 12/10/2018
BNEWS Các nhà lãnh đạo Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã tái khẳng định cam kết đối với các hệ thống thương mại mở, vốn đã giúp củng cố tăng trưởng kinh tế của những nước này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Cuộc gặp các Nhà lãnh đạo ASEAN nhân dịp Hội nghị thường niên Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)-Ngân hàng Thế giới (WB). Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Trong cuộc họp các lãnh đạo ASEAN tại Bali, Indonesia, bên lề cuộc họp thường niên Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tuyên bố ASEAN sẽ tăng cường gấp đôi các nỗ lực nhằm đạt mục tiêu hoàn tất một thỏa thuận thương mại khu vực quan trọng mang tên Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vào cuối năm nay.

Sáng kiến này bao gồm các nước Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản, song không có Mỹ.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo khẳng định ASEAN cũng quyết tâm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên, đảm bảo không nước nào bị thụt lùi phía sau.

Cũng nhân cuộc họp thường niên IMF và WB, giới lãnh đạo tài chính của Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã nhóm họp để thảo luận về tình hình căng thẳng thương mại leo thang, các xáo động trên thị trường tài chính cùng những mối đe dọa khác đối với nền kinh tế toàn cầu.

Cuộc họp 2 ngày quy tụ các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng, diễn ra trong bối cảnh các thị trường chứng khoán toàn cầu đang chứng kiến nhiều pha trượt dốc sau khi Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) thông báo tăng lãi suất cơ bản, kéo theo lo ngại về việc các thị trường mới nổi sẽ mất một lượng lớn nguồn vốn.

Phát biểu họp báo sau khi kết thúc ngày họp đầu tiên, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso cho rằng tình hình thị trường hiện tại "cần được theo dõi chặt chẽ", đồng thời kêu gọi các nước duy trì cảnh giác cao.

Liên quan đến căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde cảnh báo căng thẳng thương mại nếu tiếp tục sẽ "đánh mạnh" vào nền kinh tế thế giới, tác động trên toàn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Phát biểu họp báo trước thềm cuộc họp của Nhóm G20, bà Lagarde kêu gọi các bên sớm hạ nhiệt căng thẳng và nỗ lực xây dựng một hệ thống thương mại toàn cầu vững mạnh, công bằng và thúc đẩy tăng trưởng.

Một báo cáo mới của IMF cảnh báo căng thẳng thương mại có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng của châu Á tới 0,9% trong những năm tới.

Xáo trộn tại các thị trường mới nổi có nguy cơ trở nên tồi tệ hơn nữa nếu FED và các ngân hàng trung ương lớn khác tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn dự đoán.

Báo cáo công bố thường kỳ 2 lần/năm của IMF dự báo kinh tế châu Á sẽ tăng trưởng 5,6% trong năm nay song sẽ giảm xuống 5,4% trong năm 2019.

Nguyên nhân do tác động từ áp lực của thị trường tài chính và chính sách thắt chặt tiền tệ tại một số nền kinh tế, cũng như tác động của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục