ASEAN thăm dò tiềm năng hợp tác song phương với Anh

15:32' - 28/08/2020
BNEWS Trong một tuyên bố hôm 27/8, Bộ trưởng Thương mại Indonesia Agus Suparmanto cho biết ASEAN hoan nghênh đề xuất của Anh trở thành đối tác đối thoại nhằm tìm kiếm tiềm năng hợp tác kinh tế ASEAN-Anh.
Tại buổi đối thoại trực tuyến theo hình thức “Troika mở rộng” mới đây với Vương Quốc Anh trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 52 và các hội nghị có liên quan (AEM-52) diễn ra từ ngày 22-29/8, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã thăm dò tiềm năng hợp tác kinh tế và thương mại cùng có lợi với Anh.

Trong một tuyên bố hôm 27/8, Bộ trưởng Thương mại Indonesia Agus Suparmanto cho biết ASEAN hoan nghênh đề xuất của Anh trở thành đối tác đối thoại nhằm tìm kiếm tiềm năng hợp tác kinh tế ASEAN-Anh.

Theo Bộ trưởng Suparmanto, tại cuộc đối thoại này, hai bên cũng thảo luận về tình hình thế giới và khu vực liên quan đến đại dịch COVID-19, Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu) và việc đơn giản hóa thuế quan theo các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Số liệu của Ban thư ký ASEAN cho thấy, Anh hiện là đối tác thương mại thứ 13 của tổ chức khu vực này với tổng kim ngạch năm 2019 đạt 35,7 tỷ USD, và đứng thứ sáu về đầu tư với 7,7 tỷ USD.

Ông Suparmanto cũng cho rằng ASEAN và Anh có tiềm năng thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực kinh tế kỹ thuật số, công nghệ tài chính - nhất là đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) - và hợp tác liên quan đến môi trường.

Tại AEM-52, Bộ trưởng Suparmanto đã kêu gọi các nước thành viên ASEAN tăng cường hợp tác nội khối nhằm ứng phó với các thách thức do đại dịch và căng thẳng thương mại Mỹ-Trung. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đối với sự phục hồi kinh tế của ASEAN.

Các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN cho biết dòng vốn FDI vào khu vực trong năm 2019 đã đạt 160,6 tỷ USD, tương đương 10,4% FDI toàn thế giới, đưa khu vực đứng thứ ba sau Liên minh châu Âu (446,9 tỷ USD) và Mỹ (246,2 tỷ USD).

Các Bộ trưởng đánh giá rằng hiệu quả kinh tế ở tất cả các nước ASEAN đã giảm đáng kể, kéo theo tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và sức mua người tiêu dùng giảm.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo kim ngạch thương mại của ASEAN sẽ giảm 0,3% trong năm nay. Trong khi đó, đầu tư toàn cầu ước tính sẽ giảm khoảng 30-40% so với năm 2019, trong bối cảnh tất cả các nước dự kiến sẽ ghi nhận hiệu suất đầu tư thấp nhất kể từ năm 2005.

Về phần mình, Bộ trưởng Suparmanto khẳng định các thách thức mà ASEAN đang phải đối mặt sẽ ngày càng lớn do đại dịch COVID-19 và cạnh tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Indonesia cho rằng tình hình này là cơ hội để ASEAN cải thiện triển vọng đầu tư./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục