"Át chủ bài" để Nhật Bản xóa bỏ thâm hụt thương mại kỹ thuật số

19:12' - 17/08/2024
BNEWS Kim ngạch xuất khẩu anime (phim hoạt hình) và các nội dung khác của Nhật Bản có giá trị gần ngang bằng với thép và thiết bị bán dẫn.

Theo thống kê, kim ngạch xuất khẩu anime (phim hoạt hình) và các nội dung khác của Nhật Bản có giá trị gần ngang bằng với thép và thiết bị bán dẫn, mở ra cơ hội phát triển một ngành quan trọng thúc đẩy nền kinh tế của nước này.

Với huy chương vàng chạy 100m tại Thế vận hội Paris vào ngày 4/8 vừa qua, vận động viên chạy nước rút người Mỹ Noah Lyles đã giành được danh hiệu không chính thức khác là “người hâm mộ anime” chạy nhanh nhất thế giới. Khoác trên mình lá cờ Mỹ, Lyles đã ăn mừng bằng cách tạo dáng “kame-hameha” trong loạt phim hoạt hình “Dragon Ball” (tên tại Việt Nam là “7 viên ngọc rồng”).

 

Khoảnh khắc này đã chứng minh tiềm năng của anime và các nội dung Nhật Bản khác trong việc xóa bỏ thâm hụt thương mại kỹ thuật số của Nhật Bản, vốn đã tăng gấp đôi trong 5 năm lên 5.500 tỷ yen (37,4 tỷ USD) vào năm 2023.

Tình trạng thâm hụt của Nhật Bản là do các khoản thanh toán cho dịch vụ đám mây và quảng cáo trên Internet. Nhưng một quan chức cấp cao tại Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) cho biết, ngành công nghiệp nội dung của Nhật Bản “sẽ là quân át chủ bài trong việc phục hồi sau thâm hụt kỹ thuật số”.

Theo ấn bản năm 2024 của Sách trắng Kinh tế thường niên của Nhật Bản, nước này cần phải tăng cường sức mạnh của các lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng, chẳng hạn như ngành công nghiệp nội dung.

Theo báo cáo “Giải thưởng nhu cầu truyền hình toàn cầu” của Parrot Analytics có trụ sở tại Mỹ, loạt phim hoạt hình “Jujutsu Kaisen” là chương trình truyền hình được yêu cầu nhiều nhất thế giới vào năm 2023, trong khi loạt phim hoạt hình “Attack on Titan” là vào năm 2021.

Những bộ anime nổi tiếng khác, chẳng hạn như “Oshi no Ko” và “Demon Slayer” cũng rất thành công bên ngoài Nhật Bản.

Trên toàn cầu, Nhật Bản xếp sau Hàn Quốc về phim chuyển thể do người đóng (live-action) và phim truyền hình (drama). Trung Quốc dẫn đầu về trò chơi di động. Các nhà cung cấp nội dung Nhật Bản chậm mở rộng ra nước ngoài do có xu hướng hoạt động an toàn tại thị trường trong nước. Điều này đã tạo ra những thách thức trong việc phát triển lợi thế cạnh tranh cho toàn bộ ngành công nghiệp nội dung.

Theo Hirokazu Koreeda, người có bộ phim “Shoplifters” giành giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes năm 2018 cho biết: “Thật khó để cạnh tranh với những tác phẩm được hỗ trợ bởi hệ thống công - tư như ở Hàn Quốc”.

Trong khi đó, người giành giải Oscar cho hiệu ứng hình ảnh xuất sắc nhất năm 2024 với bộ phim “Godzilla Minus One” - Takashi Yamazaki cho biết: “Ngay cả khi có sự hỗ trợ, chắc chắn vẫn cần những người có con mắt tinh tường để thực hiện”.

Chính phủ Nhật Bản đã hoàn thành chương trình nghị sự kinh tế vào tháng 6/2024 và có một phần mới dành riêng cho việc mở rộng ngành công nghiệp nội dung ra nước ngoài.

Dữ liệu cho thấy, Nhật Bản xuất khẩu 4.700 tỷ yen nội dung hàng năm, gần bằng 5.700 tỷ yen của ngành bán dẫn và 5.100 tỷ yen của ngành thép.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục