Australia có thể mất gần 100 tỷ USD nếu kinh tế Trung Quốc suy yếu

10:58' - 30/08/2019
BNEWS Trong trường hợp kinh tế Trung Quốc "hạ cánh cứng", kinh tế Australia sẽ mất 140 tỷ AUD (98 tỷ USD), tương đương 7% thu nhập quốc gia và 550.000 việc làm.
Đà giảm tốc tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc sẽ gây tổn hại đến hoạt động xuất khẩu của Australia. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhà kinh tế trưởng Jeremy Thorpe của công ty kiểm toán Pricewaterhouse Coopers (PwC) mới đây cảnh báo, trong trường hợp kinh tế Trung Quốc "hạ cánh cứng", kinh tế Australia sẽ mất 140 tỷ AUD (98 tỷ USD), tương đương 7% thu nhập quốc gia, và 550.000 việc làm.

Mặc dù chưa có định nghĩa chính xác, các chuyên gia cho rằng tình huống “hạ cánh cứng” là khi tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm của Trung Quốc giảm xuống còn 3-5%, so với mức hiện tại là 6%.

Theo chuyên gia Thorpe, "hạ cánh cứng" của kinh tế Trung Quốc có thể đến từ nhiều nguyên nhân trong và ngoài nước, bao gồm căng thẳng thương mại ngày càng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc và kinh tế Mỹ suy thoái.

Các rủi ro trong nước bao gồm tình trạng bất ổn do làn sóng biểu tình ở Hồng Kông, biến động trên thị trường bất động sản hoặc sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng Trung Quốc.

Trong ngắn hạn, đà giảm tốc tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc sẽ gây tổn hại đến hoạt động xuất khẩu của Australia, khiến đồng đô la Australia (AUD) giảm giá mạnh, tuy điều này sẽ có lợi cho các ngành phụ thuộc vào khách hàng nước ngoài, như giáo dục và du lịch.

Chính phủ liên bang và các tiểu bang sẽ mất nguồn thu, chủ yếu là các khoản thuế liên quan đến khai thác khoáng sản. Các tiểu bang và vùng lãnh thổ ở Australia dự kiến sẽ thu được 14,8 tỷ AUD (10 tỷ USD) tiền thuế tài nguyên, trong khi các công ty mỏ sẽ phải trả khoảng 31,1 tỷ AUD (21 tỷ USD) tiền thuế doanh nghiệp cho chính phủ liên bang trong năm nay.

Ông Thorpe cho rằng một trong những giải pháp để đối phó với tình huống trên là Australia cần nhanh chóng tăng cường các thỏa thuận thương mại tự do với nhiều nước khác, trong đó có Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu, nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất hiện nay, chiếm gần 1/3 giá trị xuất khẩu của Australia./.

Xem thêm:

>>Giá dầu đi xuống trước tín hiệu ảm đạm của kinh tế Trung Quốc

>>Kinh tế Trung Quốc bộc lộ thêm điểm yếu trong tháng 7

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục