Australia lập bản đồ vũ trụ bằng kính viễn vọng vô tuyến

15:55' - 01/12/2020
BNEWS Các nhà khoa học Australia đã sử dụng kính viễn vọng vô tuyến để lập bản đồ vũ trụ với tốc độ nhanh nhất từ trước tới nay.

Ngày 1/12, Cơ quan Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Australia (CSIRO) cho biết các nhà khoa học nước này đã sử dụng kính viễn vọng ASKAP, đặt tại khu vực sa mạc xa xôi ở Tây Australia, để lập bản đồ toàn bộ bầu trời miền Nam nước này trong vòng 300 giờ.

Điều độc đáo của kính thiên văn ASKAP là trường quan sát rộng, sử dụng bộ thu do CSIRO thiết kế, cho phép chụp ảnh toàn cảnh bầu trời với chi tiết sắc nét hơn.

Kính thiên văn này chỉ cần kết hợp 903 hình ảnh để lập bản đồ bầu trời, thấp hơn nhiều so với các khảo sát vô tuyến bầu trời khác, vốn cần đến hàng chục nghìn bức ảnh.

Do có trường quan sát rộng hơn, nên các nhà thiên văn đã nhìn thấy nhiều vật thể hơn. Theo đó, ASKAP đã lập bản đồ về khoảng 3 triệu thiên hà xa xôi, trong đó có khoảng 1 triệu thiên hà, chưa từng được nhìn thấy trước đây, trong vỏn vẹn 300 giờ. Trước đó, các khảo sát về bầu trời thường mất khoảng 10 năm.

Ông David McConnell, nhà thiên văn học của CSIRO, chủ trì dựa án, khẳng định đây thực sự là một sự thay đổi lớn. Lần đầu tiên, ASKAP đã sử dụng toàn bộ năng lực của mình, lập bản đồ chi tiết nhất từ trước tới nay với tốc độ nhanh kỷ lục.

Các nhà khoa học Australia cũng hy vọng có thể phát hiện hàng chục triệu thiên hà mới trong các khảo sát tương lai. Theo nhà thiên văn McConnell, kết quả này cho thấy khảo sát bầu trời có thể được tiến hành trong vài tuần chứ không phải nhiều năm, mở ra cơ hội cho những khám phá không gian sâu.

Không chỉ vậy, các nhà thiên văn trên khắp thế giới cũng có thể sử dụng kết quả cuộc khảo sát này để khám phá những điều chưa biết và nghiên cứu mọi thứ từ sự hình thành sao đến cách các thiên hà và các hố đen siêu lớn của chúng phát triển và tương tác.

Trong khi đó, ông Larry Marshall, người đứng đầu CSIRO, cho rằng ASKAP đang vận dụng khoa học và công nghệ mới nhất để giải đáp những câu hỏi lâu đời về những bí ẩn của vũ trụ cũng như mang đến cho các nhà thiên văn trên khắp thế giới những đột phá mới để có thể giải quyết những thách thức.

Kết quả ban đầu đã được công bố trên tạp chí chuyên ngành Astronomical Society của Australia ngày 1/12./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục