Australia và Timor Leste nỗ lực phá vỡ bế tắc trong dự án khí đốt Greater Sunrise

10:33' - 18/10/2022
BNEWS Australia vừa bổ nhiệm ông Steve Bracks, cựu Thủ hiến bang Victoria, làm đại diện đặc biệt tại dự án khí đốt Greater Sunrise ở Timor Leste.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh cả hai nước đang nỗ lực phá vỡ thế bế tắc về cách phát triển các mỏ khí đốt này.

Australia và Timor Leste vẫn chưa đạt được thỏa thuận về việc đưa khí đốt đến một nhà máy khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) mới ở Timor Leste hay đưa đến một trung tâm LNG hiện có ở Darwin, miền Bắc Australia, theo mong muốn của nhà điều hành dự án là Woodside Energy.

 

Ngoại trưởng Australia Penny Wong cho biết ông Bracks sẽ đại diện cho Chính phủ Australia và tham vấn với Chính phủ Timor Leste, cũng như các bên liên quan then chốt khác, trong đó có Liên doanh Sunrise.

Hai mỏ khí đốt trong dự án Greater Sunrise đã được phát hiện ở vùng biển giữa Timor Leste và Australia năm 1974, có trữ lượng ước tính 5,1 nghìn tỷ feet khối khí đốt và 226 triệu thùng dầu thô nhẹ.

 Việc phát triển dự án này ban đầu bị trì hoãn do những tranh chấp gay gắt về ranh giới biển giữa Australia và Timor Leste. Tuy nhiên, tranh chấp đã được giải quyết vào năm 2018 khi hai nước ký Hiệp ước phân định ranh giới trên biển, chấm dứt cuộc tranh cãi kéo dài hàng thập kỷ.

Bà Wong cho biết Australia muốn phát triển dự án này về mặt thương mại để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của Timor Leste và tối đa hóa lợi ích của tất cả các bên. Theo bà, ông Bracks có kiến thức sâu rộng về Timor Leste và có mối quan hệ gần gũi với người dân cũng như các lãnh đạo của nước này.

Trong chuyến thăm Australia hồi tháng trước, Tổng thống Timor Leste Jose Ramos-Horta đã hối thúc Canberra đưa đường ống dẫn này trở lại Timor Leste và khẳng định Indonesia, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc có thể trở thành những nhà đầu tư tiềm năng vào Greater Sunrise.

Timor Leste có vùng biển tiếp giáp Australia và nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu khí. Timor Leste có nguồn tài nguyên dầu khí, nhưng không đủ khả năng khai thác, phải cần đến trợ giúp của Australia.

Dự án trên có ý nghĩa quan trọng đối với tương lai của Timor Leste vì nguồn thu chính của đất nước này - mỏ dầu và khí đốt Bayu Undan - sẽ ngừng hoạt động vào cuối năm nay, khiến cho Timor Leste gần như hoàn toàn phụ thuộc vào quỹ dầu mỏ 18 tỷ USD hiện có./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục