Ba trụ cột của chuyển đổi số

19:52' - 09/09/2021
BNEWS TS Nguyễn Việt Hùng, Phó cục trưởng Cục Tin học và Thống kê Tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, chuyển đối số có 3 trụ cột gồm: Chính phủ số, xã hội số và kinh tế số.

Tại “Diễn đàn trực tuyến Tài chính số 2021” do Thời báo Tài chính Việt Nam tổ chức chiều 9/9, các chuyên gia kinh tế cho rằng, với vai trò mạch máu của nền kinh tế, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng sẽ là một trong những yếu tố then chốt cho chuyển đổi số và thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực khác.

TS Nguyễn Việt Hùng, Phó cục trưởng Cục Tin học và Thống kê Tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, chuyển đối số có 3 trụ cột gồm: Chính phủ số, xã hội số và kinh tế số. Quá trình chuyển đổi số là xây dựng hệ sinh thái số, trong đó cả Chính phủ, người dân và doanh nghiệp đều phải thay đổi.

Năm 2018, Bộ Tài chính đã xây dựng kiến trúc Chính phủ điện tử, năm 2020 đổi thành kiến trúc tổng thể hướng tới mục tiêu thiết lập xong hệ sinh thái tài chính số; trong đó, Chính phủ đóng vai trò kiến tạo kết nối với các đơn vị thông qua việc mở, chia sẻ dữ liệu nền tảng số hóa,...

Để đạt được điều này, theo TS Nguyễn Việt Hùng, hệ sinh thái tài chính số phải có năng lực xây dựng, tích hợp, chia sẻ dữ liệu tài chính ngân sách công cho nhiều đối tượng theo pháp luật, được tiếp cận nhanh chóng dựa trên môi trường mạng.

Những dữ liệu tài chính ngân sách là nguyên liệu cho người dân, doanh nghiệp khai thác để sinh ra những dịch vụ số phù hợp mô hình kinh doanh, nhu cầu của doanh nghiệp, cá nhân nhanh nhất, qua đó tối ưu hóa kế hoạch kinh doanh.

Năm 2018, Bộ Tài chính đã sửa đổi Nghị định giao dịch điện tử để hoạt động điện tử ngành tài chính làm nền tảng cho kinh tế số, Chính phủ số, được VCCI đánh giá là một đấu mốc của cải cách hành chính năm 2018 và đây là ghi nhận của cộng đồng doanh nghiệp.

“Năm 2030, chúng tôi kỳ vọng, quyết tâm thông qua ngành tài chính hiện đại vững mạnh dẫn dắt sự phát triển kinh tế số dựa trên đẩy mạnh giá trị gia tăng của các dịch vụ tài chính, chuyển đổi mô hình kinh tế,...”, TS Nguyễn Việt Hùng nói.

GS.TS Hoàng Văn Cường – Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đại biểu Quốc hội khóa XV cũng cho rằng, thời gian qua ngành tài chính đã đạt được những thành công trong cải cách, ứng dụng tin học hóa và số hóa.

Đặc biệt, hai lĩnh vực nổi trội về quản lý thuế và hải quan đã có bước tiến vượt bậc, mang tính chất thay đổi căn bản, chuyển từ phương thức quản lý dịch vụ công dựa trên giấy tờ, giao tiếp trực tiếp chuyển sang phương thức quản lý hiện đại, dựa vào ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng thiết bị hiện đại để số hóa.

Cụ thể, Tổng cục thuế thực hiện chương trình kê khai nộp thuế thông qua hệ thống công nghệ thông tin, triển khai hệ thống kê khai thuế điện tử kết nối được với hệ thống ngân hàng để thực hiện quá trình giao dịch, nộp tiền, chuyển tiền, thanh toán tiền doanh nghiệp đã giúp tiết kiệm được rất nhiều chi phí.

Với ứng dụng công nghệ thông tin kết nối với ngân hàng và thực hiện dịch vụ 24/7, các thủ tục đã được thực hiện nhanh chóng, giúp thời gian hao phí trước đây tính bằng giờ, bằng ngày thì nay tính bằng phút.

Ngoài ra, ngành Hải quan hiện có đến 99% thủ tục thông quan đều được thông quan điện tử và gần như các doanh nghiệp tiếp nhận ngay phương thức này.

Ngân hàng Thế giới đã có đánh giá khách quan và thừa nhận thành công này của ngành Hải quan. Theo tính toán, sự cắt giảm thời gian nhờ thông quan điện tử đã tiết kiệm 200 triệu USD/năm.

Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, điều này không chỉ tiết kiệm thời gian, chi phí, nhân lực cho doanh nghiệp, người dân mà còn tăng tính công khai, minh bạch; làm thay đổi phương thức giao tiếp, giảm thiểu tiêu cực, tạo ra môi trường kinh doanh có lợi cho doanh nghiệp, thu hút nhà đầu tư yên tâm đầu tư kinh doanh trong nền kinh tế.

Hiện nay, kinh tế số đang trở thành đặc trưng và là xu thế tất yếu trên thế giới được nhiều quốc gia nghiên cứu, ứng dụng và phát triển.

Đặc biệt, dưới tác động của đại dịch COVID-19, chuyển đổi số đã không còn là lựa chọn mà trở thành yêu cầu bắt buộc đối với mỗi quốc gia và doanh nghiệp.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục