Bắc Giang phát huy hiệu quả tín dụng đối với người nghèo và đối tượng chính sách

10:30' - 13/09/2022
BNEWS Thời gian tới Bắc Giang phát huy hiệu quả, bảo đảm thực hiện chuyển tải tốt các chương trình tín dụng chính sách của Chính phủ đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn, từ nay đến năm 2030, Bắc Giang phấn đấu tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đạt bình quân 8 - 10%/năm; đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ do Ngân hàng Chính sách xã hội cung cấp.

 

Cùng với đó, chất lượng tín dụng được giữ vững và ngày càng nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn ở mức dưới 0,1%, duy trì, phát huy hiệu quả hoạt động của 209 điểm giao dịch xã; nâng cao chất lượng hoạt động tổ tiết kiệm và vay vốn, phấn đấu trên 95% tổ tiết kiệm và vay vốn có chất lượng hoạt động đạt loại tốt...

Thời gian tới, Bắc Giang thực hiện có hiệu quả và chất lượng các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn; triển khai cho vay kịp thời các chương trình tín dụng ưu đãi đảm bảo công khai, dân chủ, minh bạch, nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng, vốn vay được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả và hoàn trả đúng hạn, tránh bị lợi dụng, trục lợi chính sách.

Tỉnh tập trung ưu tiên phân bổ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vay của các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, huyện nghèo, vùng nghèo, vùng dân tộc thiểu số và miền núi; quan tâm đầu tư vốn tín dụng chính sách cho các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, thu hút nhiều lao động, phát triển làng nghề, sản phẩm dịch vụ OCOP... trên địa bàn.

Ngoài ra, Bắc Giang lồng ghép, gắn kết sử dụng có hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách trong thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh; phối hợp hiệu quả giữa các hoạt động khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư, hướng dẫn khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm với hoạt động tín dụng chính sách nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay.

Bên cạnh duy trì và phát huy hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách xã hội, Bắc Giang thường xuyên quan tâm củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động ủy thác; kiện toàn và nâng cao chất hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn để đưa hoạt động tín dụng chính sách ngày càng ổn định và phát triển bền vững.

Ngoài ra, địa phương nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm tra, giám sát trong tổ chức thực hiện tín dụng chính sách xã hội; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về chính sách tín dụng của Đảng và Nhà nước đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn...

Tổng nguồn vốn tín dụng chính sách thực hiện đến 31/8 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang là 5.715 tỷ đồng. Tổng dư nợ ủy thác cho vay qua các tổ chức chính trị - xã hội là 5.517 tỷ đồng với 105.820 khách hàng đang vay vốn, chiếm tỷ trọng 96,7% trên tổng dư nợ tín dụng chính sách.

Trong 20 năm thực hiện tín dụng chính sách theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ, toàn tỉnh Bắc Giang đã có 720.344 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn với doanh số cho vay đạt 15.584 tỷ đồng.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đang thực hiện 20 chương trình tín dụng chính sách với 106.119 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đang dư nợ, bình quân là 53,7 triệu đồng/khách hàng.

Dư nợ tập trung vào một số chương trình tín dụng chính sách chủ yếu như cho vay hộ cận nghèo (chiếm tỷ trọng 18%); cho vay hộ mới thoát nghèo (17,3%); cho vay hộ nghèo (17,1%); cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (14,7%); cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn (12,8%); cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm (9,2%).

Vốn tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách ở Bắc Giang có điều kiện tự lực vươn lên, được làm quen với các dịch vụ tài chính ngân hàng hiện đại; từng bước thay đổi cơ bản nhận thức, giúp hộ vay sử dụng vốn có hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng, thành thị và nông thôn.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 30,67% (năm 2005) xuống còn 5,27% (năm 2021) (theo chuẩn nghèo đa chiều mới).

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp cho 176.787 lượt hộ ở Bắc Giang thoát nghèo; thu hút tạo việc làm cho 58.326 lao động; giúp cho 153.860 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để trang trải chi phí học tập, mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến; hỗ trợ xây mới và cải tạo 213.930 công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 10.049 căn nhà cho hộ nghèo, 687 căn nhà ở xã hội; 142.697 lượt lao động được doanh nghiệp vay vốn để trả lương do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục