Bắc Giang phát triển 7 sản phẩm nông nghiệp chủ lực

11:26' - 19/04/2022
BNEWS Từ nay đến năm 2025 tỉnh Bắc Giang phát triển 7 sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực của địa phương, với mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế.

“Từ nay đến năm 2025 tỉnh Bắc Giang tập trung phát triển 7 sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực của địa phương, với mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu”, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang Dương Thanh Tùng cho biết.

 

Bắc Giang phát triển các vùng trồng cây ăn quả tập trung quy mô lớn, có chất lượng cao đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ; trong đó sản phẩm vải thiều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu chiếm 70% tổng sản lượng.

Các sản phẩm như: bưởi, nhãn, na đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu, nhất là xuất khẩu vào các thị trường mới như Mỹ, EU (Liên minh châu Âu), Nhật Bản...

Đối với cây lúa, tỉnh đảm bảo an ninh lương thực lâu dài, mở rộng diện tích gieo cấy các giống lúa chất lượng chiếm 50% diện tích.

Cây rau mầu, tỉnh hình thành các vùng sản xuất rau chế biến, rau an toàn tập trung, sản xuất ứng dụng công nghệ cao, tạo vùng nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu.

Con lợn, con gà, tỉnh phát triển mạnh chăn nuôi trang trại tập trung quy mô lớn áp dụng hình thức chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp, gắn với xây dựng các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh. Sản phẩm thịt lợn, thịt gà của Bắc Giang đảm bảo đạt tiêu chuẩn chế biến phục vụ cho thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Con cá, Bắc Giang tiếp tục phát triển nuôi cá thâm canh tập trung, khuyến khích phát triển các trang trại nuôi trồng thủy sản tập trung quy mô lớn.

Cây lấy gỗ, Bắc Giang nâng cao chất lượng giống cây lâm nghiệp; mở rộng diện tích trồng rừng bằng cây keo, giảm diện tích rừng trồng bạch đàn; khuyến khích trồng rừng thâm canh, nhất là rừng trồng thâm canh gỗ lớn. Bắc Giang phấn đấu đến năm 2025 sản lượng gỗ khai thác trên 1 triệu m3, diện tích rừng gỗ lớn đạt 15.000 ha (chiếm 18,8% diện tích rừng sản xuất); diện tích rừng được cấp chứng chỉ rừng bền vững quốc tế FSC đạt 12% để phục vụ chế biến xuất khẩu.

Những năm tới, Bắc Giang tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực và địa bàn trọng điểm (các huyện miền núi Sơn Động, Lục Ngạn, Yên Thế và Lục Nam).

Tập trung nguồn lực hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại, hợp tác xã nông nghiệp. Tỉnh chú trọng đầu tư phát triển các sản phẩm chủ lực, phấn đấu giá trị 7 sản phẩm chủ lực của tỉnh (cây ăn quả, cây lúa, cây rau, cây lấy gỗ, con lợn, con gà, con cá) tăng bình quân 5%/năm.

Bắc Giang tăng cường sản xuất an toàn đạt các tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP; ưu tiên phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nhân rộng mô hình phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên môi trường.

Bắc Giang còn quan tâm thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp, trong đó tập trung xây dựng bộ dữ liệu để số hóa toàn bộ các vùng sản xuất tập trung, gắn với sổ nhật ký điện tử để truy xuất nguồn gốc sản phẩm; cấp mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói, cấp mã số định danh cho các trang trại, hộ chăn nuôi theo yêu cầu của các thị trường tiêu thụ nông sản; xây dựng mã QRcode, tiêu thụ nông sản qua nền tảng online, sàn thương mại điện tử; ứng dụng công nghệ máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân, gieo hạt giống...

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang, tăng trưởng lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2016-2021 bình quân đạt 1,4%/năm.

Cơ cấu nông nghiệp của tỉnh chuyển dịch theo hướng phát huy lợi thế và đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tỷ trọng trồng trọt chiếm 55,7%, chăn nuôi chiếm 43,2%, dịch vụ nông nghiệp chiếm 2,0%.

Trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp, cây ăn quả, cây rau an toàn, rau chế biến, chăn nuôi lợn, gà được xác định là cây, con chủ lực và là ngành sản xuất tạo động lực chính cho tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh.

Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp của tỉnh Bắc Giang thời gian qua còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế đó là tăng trưởng nông nghiệp có xu hướng chậm lại, không ổn định; năng suất lao động chưa cao, chi phí đầu vào sản xuất cao, hiệu quả thấp, khó cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

Việc thực hiện các tiêu chuẩn công nghệ tiên tiến, cơ giới hóa trong sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản nông sản chưa đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, nhất là các thị trường khó tính; phần lớn nông sản tiêu thụ và xuất khẩu của tỉnh ở dạng sơ chế thô nên giá trị gia tăng thấp…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục