Bắc Kinh cảnh báo về cuộc khủng hoảng bán đảo Triều Tiên

06:30' - 23/08/2017
BNEWS Theo Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tuy đang tiến gần tới đỉnh điểm nhưng đồng thời cũng là cơ hội để trở lại vòng đàm phán 6 bên.
Mỹ cảnh báo chiến tranh nếu Triều Tiên bắn tên lửa đến Guam. Ảnh: AFP/TTXVN

Trang mạng sina.com.hk (Hong Kong) đưa tin Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã cảnh báo Ngoại trưởng CHDCND Triều Tiên Ri Yong-so rằng tình hình trên bán đảo đã gần tới đỉnh điểm khủng hoảng.

Giải thích với nhà ngoại giao Bình Nhưỡng, ông Vương Nghị cho rằng nghị quyết trừng phạt mới nhất là các biện pháp cần thiết, nhưng không phải là mục tiêu cuối cùng. Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tuy đang tiến gần tới đỉnh điểm nhưng đồng thời cũng là cơ hội để trở lại vòng đàm phán 6 bên.

Theo bài báo, cục diện hiện nay trên bán đảo Triều Tiên sẽ tiếp tục và không ai biết chắc quả tên lửa liên lục địa tiếp theo sẽ được phóng khi nào. Triều Tiên coi thường luật pháp quốc tế trong vụ phóng tên lửa, do đó phải chịu sự trừng phạt của Liên hợp quốc (LHQ).

Bắc Kinh và Moskva vừa bỏ phiếu ủng hộ Nghị quyết mới nhất của LHQ về việc trừng phạt Triều Tiên. Nghị quyết do Mỹ soạn thảo và được 15/15 thành viên Hội đồng Bảo an (HĐBA) nhất trí thông qua. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng ca ngợi quyết định này của Trung Quốc và Nga.

Nghị quyết trừng phạt do Mỹ soạn thảo ra lệnh cấm Triều Tiên xuất khẩu các sản phẩm chủ chốt như than, quặng sắt, quặng chì, thủy sản v.v... Theo tính toán, lệnh trừng phạt mới nhất này có thể làm giảm 1/3 nguồn thu của Triều Tiên mỗi năm, tương đương 1 tỷ USD.

Tuy nhiên, bài báo dẫn lời các nhà phân tích cho rằng nghị quyết trừng phạt mới nhất của HĐBA LHQ cũng khó có thể ngăn được Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân.

Trong cuộc họp với Ngoại trưởng Triều Tiên, ông Vương Nghị khuyên Bình Nhưỡng hãy bình tĩnh đối mặt với Nghị quyết mới của HĐBA LHQ. Trong bối cảnh cộng đồng quốc tế phản đối mạnh mẽ các hoạt động phóng tên lửa và thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên, Bình Nhưỡng đừng làm bất cứ điều gì vi phạm.

Bán đảo Triều Tiên hiện đã đạt đến đỉnh điểm gần như là khủng hoảng, nhưng đồng thời đây cũng có thể là cơ hội cho các nước liên quan quyết định nối lại đàm phán 6 bên bị ngưng trệ bấy lâu nay. Ông Vương Nghị còn nhấn mạnh, việc khởi động đàm phán 6 bên không phải chuyện một sớm một chiều, nhưng đây là mục tiêu của tất cả các bên.

Chuyên gia về vấn đề Triều Tiên ở Đại học Cát Lâm Tôn Tĩnh Kiệt cho rằng các biện pháp trừng phạt mới có thể ảnh hưởng lâu dài đến nền kinh tế Triều Tiên.

Các biện pháp trừng phạt mới có thể ảnh hưởng lâu dài đến nền kinh tế Triều Tiên. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, nhà quan sát tình hình Triều Tiên thuộc Trường Đảng Trung ương, Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Bắc Kinh, Trương Liễn Quế cho biết các biện pháp trừng phạt mới sẽ không đủ gây sức ép để Bình Nhưỡng thay đổi. Chỉ có các lệnh trừng phạt hoàn toàn mới có thể buộc Triêu Tiên quay trở lại bàn đàm phán.

Trung Quốc và Nga sẽ phản đối, phủ quyết dự thảo, nếu nghị quyết do Mỹ đưa ra có điều khoản cấm bán dầu mỏ cho Triều Tiên. Lệnh cấm mới nhất của HĐBA LHQ đã loại trừ dầu mỏ, mặt hàng sống còn đối với nền kinh tế của Triều Tiên. Có thể xem đây là một giới hạn đỏ mà Mỹ muốn vượt qua, còn cả Bắc Kinh lẫn Moskva đều bảo vệ đến cùng.

Nói cách khác, Triều Tiên vẫn là lá bài địa chiến lược có giá trị lớn đối với Trung Quốc và Nga trong cuộc tranh đua với Mỹ. Thậm chí đối với Mỹ, Triều Tiên không chỉ là bài toán vô cùng phức tạp, mà còn là lá bài chiến lược ở Đông Bắc Á.

Nếu lá bài này không tồn tại, thì Mỹ cũng không còn lý do để hiện diện quân sự ở khu vực, huống chi Mỹ muốn tăng cường quân sự ở khu vực này.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết ông Ri Yong-ho chỉ nhắc lại lập trường của Triều Tiên và hứa sẽ giữ liên hệ với Bắc Kinh. Điều này đã cho thấy, Bình Nhưỡng không dễ bị các siêu cường điều khiển.

Không ai biết chắc quả tên lửa liên lục địa tiếp theo sẽ được ông Kim Jong-un ký lệnh phóng khi nào. Việc Bắc Kinh đồng ý bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết của LHQ trừng phạt Bình Nhưỡng cũng là vì bản thân. Bắc Kinh muốn tránh một cuộc chiến thương mại với Washington.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục