Bạc Liêu còn 15 dự án chậm triển khai gây lãng phí "đất vàng"

18:38' - 19/07/2019
BNEWS Tỉnh Bạc Liêu còn 15 dự án đã bàn giao cho chủ đầu tư từ lâu nhưng triển khai rất chậm, thậm chí chưa xây dựng gây lãng phí “đất vàng” và bức xức trong dư luận.

Theo báo cáo số 305/BC-UBND tỉnh Bạc Liêu, trên địa bàn tỉnh còn 15 dự án đã bàn giao cho chủ đầu tư từ lâu nhưng triển khai rất chậm, thậm chí chưa xây dựng gây lãng phí “đất vàng” và bức xức trong dư luận, nhất là dự án Trung tâm Thương mại Nguyễn Kim Bạc Liêu.

Cụ thể, năm 2014, UBND tỉnh Bạc Liêu đã ban hành Quyết định số 2202/QĐ-UBND phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền thuê hàng năm để thực hiện dự án Đầu tư xây dựng Trung tâm Thương mại - Dịch vụ - Giải trí (giai đoạn 1), tại phường 3, thành phố Bạc Liêu.

Đơn vị trúng đấu giá là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đầu tư phát triển Nguyễn Kim Bạc Liêu (thuộc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim) do ông Nguyễn Thanh Sử, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty là đại diện.

Dự án có tổng diện tích hơn 4.000 m2, mục đích sử dụng đất là “đất thương mại, dịch vụ”, thời hạn sử dụng đất 50 năm và giá trả tiền thuê đất hàng năm là 504.050 đồng/m2. Sau khi có quyết định phê duyệt của UBND tỉnh, công ty này đã nộp tiền hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng và tiền thuê đất hàng năm 12 tỷ đồng cho tỉnh. Sau đó, công ty tiến hành thăm dò địa chất và khởi công dự án. 

Vào thời điểm này, người dân Bạc Liêu ai thấy cũng mừng vì khu “đất vàng” nằm ngay trung tâm tỉnh đã chọn đúng nhà đầu tư, có đủ năng lực về tài chính. Điều này, sẽ đảm bảo tiến độ xây dựng công trình để sớm đưa vào sử dụng, góp phần cho bộ mặt đô thị của thành phố Bạc Liêu ngày một khang trang. Thế nhưng, sau lễ khởi công long trọng, dự án vẫn đắp chiếu đến tận bây giờ.

Tiếp đó, ngày 17/5/2016, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Quyết định số 710/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả trúng thầu đấu giá quyền sử dụng đất hàng năm để tiếp tục thực hiện dự án Đầu tư xây dựng Trung tâm Thương mại - Dịch vụ - Giải trí (giai đoạn 2), với diện tích khu đất gần 11.900 m2 (vị trí đất nằm liền kề với khu đất trúng thầu giai đoạn 1), do ông Nguyễn Văn Kim, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim, tại Thành phố Hồ Chí Minh đại diện trúng thầu.

Những tưởng, giai đoạn 2 này Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án sau nhiều lần cam kết với UBND tỉnh. Nhưng hết năm này sang năm khác, cả hai giai đoạn trúng thầu hơn 16.000 m2 đất từ năm 2014 đến nay, chủ đầu tư chỉ xây dựng được hàng rào và phần ép cọc đại trà.

Một dự án “hoành tráng” kế tiếp là công trình xây dựng Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu - Sài Gòn (tại khóm 10, phường 1, thành phố Bạc Liêu). Vào năm 2010, UBND tỉnh Bạc Liêu đã ban hành Quyết định số 225/QĐ-UBND thu hồi gần 38.000 m2 đất của Trung tâm phát triển quỹ đất quản lý và giao cho Công ty cổ phần Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu- Sài Gòn để xây dựng Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu - Sài Gòn.

Sau khi “xí phần” được dự án, chủ đầu tư làm động thái “khởi công” với viễn cảnh đưa ra: quy mô xây dựng bệnh viện cao 10 tầng với đầy đủ các phòng chức năng, các phương tiện chuẩn đoán y khoa hiện đại nhất hiện nay. Bệnh viện có khu khám, điều trị ngoại trú với quy mô 400 giường/ngày, tổng vốn đăng ký đầu tư 1.369 tỷ đồng.

Phát biểu tại lễ khởi công này, bà Trương Thiện Niềm, Chủ tịch Hội đồng quản trị - Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu - Sài Gòn khẳng định trước lãnh đạo tỉnh, công trình sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động cuối năm 2020.

Điều đáng nói hơn, trong khi dự án bệnh viện này chưa có một tín hiệu lạc quan nào về năng lực tài chính, về việc xây dựng cơ sở hạ tầng, vào ngày 6/8/2012, UBND tỉnh Bạc Liêu tiếp tục ra Quyết định số 1886/QĐ-UBND thu hồi gần 25.000 m2 đất do Trung tâm Phát triển Quỹ đất quản lý để giao cho Công ty cổ phần Bệnh viện đa khoa Bạc Liêu - Sài Gòn đầu tư xây dựng nhà ở cho cán bộ, nhân viên và chuyên gia Bệnh viện đa khoa Bạc Liêu - Sài Gòn.

Cả hai giai đoạn, nhà đầu tư này được tỉnh cấp đất với tổng diện tích gần 63.000 m2, nhưng dự án lại tiếp tục rơi vào cảnh “án binh bất động”. Đây là một trong những dự án hiện đại nhất nhì tại Bạc Liêu được công ty này quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng rồi, dự án chỉ nằm trên giấy với một khu đất trống bỏ hoang qua nhiều năm, chủ đầu tư thì “biệt tăm”.

Tính đến thời điểm này, dự án đã kéo dài hơn 8 năm, toàn khu đất của dự án cây cỏ mọc um tùm, gây bức xúc trong dư luận nhân dân.

Không những thế, hiện tại toàn bộ khu đất rộng gần 63.000 m2 giao cho Công ty cổ phần Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu - Sài Gòn, cỏ mọc um tùm, trũng thấp, ruộng nước mênh mông… Tuy nhiên, tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh mới đây, ông Trần Thanh Tâm, thừa ủy quyền Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, đến nay, nhà đầu tư bỏ ra khoảng 28 tỷ đồng san lắp mặt bằng, nộp tiền sử dụng đất.

Còn theo người dân sống xung quanh dự án trên phản ánh chẳng thấy công trình này xây dựng gì, có chăng sau khi tổ chức lễ khởi công “đối phó”, đất nền thương mại của Khu đô thị Hoàng Phát “ăn theo” tăng giá vù vù, nhiều người dân bị “sụp bẫy” bỏ tiền ra mua đất, còn dự án bệnh viện thì nằm “bất động”.

Cùng với đó, nhiều dự án khác như: Dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa - Khu du lịch nghỉ dưỡng Quốc Tế Phương Đông; Dự án khu du lịch sinh thái Nam Hải… cũng cùng chung số phận.

Ông Nguyễn Trung Kiên, cán bộ hưu trí ngụ phường 7, thành phố Bạc Liêu bức xúc nói, các chủ đầu tư trên “chiếm đất" quá lâu nhưng không thực hiện, yêu cầu cơ quan chức năng có thẩm quyền làm rõ nguyên nhân chậm trễ để cho nhân dân được biết, vì đây là những khu “đất vàng” bỏ hoang, gây lãng phí lớn.

Theo ông Trần Thanh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Bạc Liêu, nguyên nhân các dự án trên triển khai chậm là do: vướng khâu giải phóng mặt bằng, năng lực nhà đầu tư, tài chính có hạn…

Theo đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Bạc Liêu ông Lý Chí Kiệt, nguyên nhân mặt bằng “chưa sạch” là chưa khách quan bởi đây là những dự án trúng đấu giá quyền sử dụng đất thì mặt bằng phải sạch.

Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, các dự án tồn tại do “lịch sử” để lại, việc để hay thu hồi là một bài toán không dễ. Riêng nhóm dự án bệnh viện cũng gặp khó, nếu thu hồi thì phải giao lại cho chủ đầu tư mới, chứ không thể thu hồi rồi để đó. Còn các dự án đang làm dang dở, nếu thu hồi phải tốn rất nhiều tiền đền bù cho nhà đầu tư.

Cũng theo ông Dương Thành Trung, về giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trên, UBND tỉnh đã yêu cầu tất cả các nhà đầu tư lập tiến độ chi tiết và cam kết thực hiện; đồng thời các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, đối chiếu, xử lý theo đúng quy định.

Ông Dương Thành Trung khẳng định, quan điểm của UBND tỉnh là luôn mong muốn việc triển khai dự án của các nhà đầu tư được thuận lợi, thành công, việc thu hồi dự án là việc làm bất đắc dĩ, nằm ngoài mong muốn của tỉnh. Tuy nhiên, nếu các dự án trên triển khai quá chậm thì buộc phải thu hồi để không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của tỉnh, cũng như đời sống của người dân.

Chỉ đạo về vấn đền này, ông Phạm Văn Thiều, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Bạc Liêu đề nghị UBND tỉnh, Sở Kế hoạch - Đầu tư cần rà soát, xử lý nghiêm, không để lãng phí tài nguyên đất đai kéo dài, gây bức xúc nhân dân, dư luận./.

Xem thêm:

>>Bạc Liêu: Phát hiện nhiều sai phạm tại thị xã Giá Rai

>>Bạc Liêu kỷ luật cảnh cáo ba cán bộ liên quan đến sai phạm tại dự án Nọc Nạng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục