Nhiều dự án chậm tiến độ, miền Nam sẽ thiếu điện?

17:02' - 06/06/2019
BNEWS Bộ Công Thương đã có báo cáo số 58/BC-BCT về tình hình thực hiện các dự án điện trong quy hoạch điện VII điều chỉnh để thông tin về vấn đề này.

Hàng chục dự án chậm tiến độ, cùng với việc khó khăn trong cung ứng nguồn nguyên liệu đầu vào phát điện dẫn đến nguy cơ thiếu điện đang hiện hữu, đặc biệt với các tỉnh, thành khu vực phía Nam.

Bộ Công Thương đã có báo cáo số 58/BC-BCT về tình hình thực hiện các dự án điện trong quy hoạch điện VII điều chỉnh để thông tin về vấn đề này.

* Nhiều dự án lớn chậm tiến độ

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tổng công suất các nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành trong giai đoạn 2016-2020 trên toàn hệ thống là 21.650 MW; trong đó, các nguồn điện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đầu tư là 7.185 MW (chiếm 33,2%), các nguồn điện do các doanh nghiệp khác đầu tư là 14.465 MW (chiếm 66,8%).

Công nhân EVNNPT tích cực sửa chữa dường dây và trạm biến áp đảm bảo cung cấp điện phục vụ nhu cầu dân sinh và phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Nguồn: BNEWS/TTXVN

Hiện nay, các dự án nguồn điện được thực hiện theo 3 hình thức đầu tư gồm: các dự án do tập đoàn nhà nước gồm EVN, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) là chủ đầu tư; các dự án đầu tư theo hình thức xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT); các dự án đầu tư theo hình thức dự án điện độc lập (IPP).

Báo cáo của Bộ Công Thương về tình hình thực hiện các dự án điện trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh cho thấy, tổng hợp tình hình tiến độ thực hiện 62 dự án có công suất lớn trên 200 MW thì 15 dự án đạt tiến độ, còn lại 47 dự án chậm tiến độ hoặc chưa xác định tiến độ so với tiến độ nêu trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Cụ thể, EVN thực hiện 23 dự án các loại, tổng công suất 14.809 MW thì có 10 dự án đạt tiến độ, 13 dự án chậm hoặc lùi tiến độ. Đến nay, EVN đã hoàn thành xây dựng, đưa vào vận hành 8 dự án, đang xây dựng 4 dự án và đang thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng 11 dự án.

Dự kiến năm 2019, EVN hoàn thành 4 dự án nguồn điện với tổng công suất 1.560 MW, gồm: Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng, Vĩnh Tân 4 mở rộng, Dự án thủy điện Đa Nhim mở rộng, thủy điện Thượng Kon Tum.

Còn PVN được giao làm chủ đầu tư 8 dự án nguồn điện với tổng công suất 11.400 MW; trong đó, giai đoạn 2016-2020 có 3 dự án, giai đoạn 2021-2025 là 5 dự án. Đến nay, cả 8 dự án đều gặp khó khăn và khó hoàn thành theo tiến độ. Hiện, PVN đang xây dựng 3 dự án, nhưng đều chậm tiến độ từ 2-3 năm; đang thực hiện thủ tục đầu tư 4 dự án nhưng dự kiến đều chậm từ 2 năm rưỡi đến 3 năm rưỡi so với quy hoạch VII điều chỉnh; 1 dự án đã đề nghị giao cho chủ đầu tư khác là Long Phú III.

Với TKV, Tập đoàn này thực hiện 4 dự án với tổng công suất 2.950 MW; trong đó, giai đoạn 2016-2020 là 2 dự án, giai đoạn 2021-2030 là 2 dự án. Hiện cả 4 dự án đều chậm tiến độ từ 2 năm trở lên.

Các dự án BOT có 15 dự án; trong đó, giai đoạn 2016-2020 là 1 dự án, số còn lại thực hiện trong các năm 2021-2030. Theo đánh giá chỉ có 3 dự án có khả năng đạt tiến độ, còn 12 dự án chậm tiến độ hoặc chưa thể xác định tiến độ vì vướng mắc trong đàm phán.

Các dự án IPP cũng không mấy khả quan khi có 8 dự án với công suất đạt 7.390 MW nhưng đến nay mới có 1 dự án hoàn thành đúng tiến độ, 2 dự án có khả năng đạt tiến độ. Các dự án còn lại chưa xác định được thời gian hoàn thành.

Liên quan tới các dự án năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho hay, đến nay, Chính phủ, Bộ Công Thương đã phê duyệt 130 dự án điện mặt trời với công suất khoảng 8.500 MW và các dự án điện gió công suất khoảng 2.000 MW. Tuy nhiên, các dự án năng lượng tái tạo đều tập trung ở nơi có phụ tải thấp, hạ tầng lưới điện 110 -500kV tại các khu vực này chưa đáp ứng được yêu cầu truyền tải.

Bộ Công Thương cũng đã trình và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung quy hoạch một số dự án lưới điện truyền tải 220kV, 500kV khu vực Bình Thuận, Ninh Thuận để giải tỏa công suất các dự án điện từ năng lượng tái tạo. Hiện EVN đang tiếp tục nghiên cứu đề xuất các dự án.

* Rủi ro về nhiên liệu phát điện

Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, hiện việc đảm bảo nguồn nhiên liệu cho các dự án điện còn tiềm ẩn rủi ro.

Cụ thể, về cung cấp than, TKV đã báo cáo dừng thực hiện dự án cảng trung chuyển than Đồng bằng sông Cửu Long do không thỏa thuận được địa điểm và chưa có giải pháp để tiếp tục thực hiện.

Các nhà máy nhiệt điện Long Phú 2, Sông Hậu 2 vẫn chưa rõ phương án vận chuyển than. Việc cung cấp than cho các nhà máy điện chưa đáp ứng yêu cầu cả về khối lượng và chủng loại than.

Về cung cấp khí, khí Đông Nam Bộ cấp cho cụm nhiệt điện Phú Mỹ sẽ suy giảm từ sau năm 2020. Tới năm 2023-2024, dự kiến sẽ thiếu hụt 2-3 tỷ m3/năm và lượng thiếu hụt này sẽ tăng rất nhanh tới trên 10 tỷ m3 vào năm 2030.

Như vậy, nếu cảng Sơn Mỹ không vận hành từ năm 2023 thì cụm nhiệt điện Phú Mỹ – Bà Rịa sẽ thiếu khí, tương đương với khoảng 13 tỷ kWh năm 2023.

Khí Tây Nam bộ cung cấp khí cho cụm Nhiệt điện Cà Mau cũng sẽ thiếu hụt từ năm 2019 với lượng thiếu hụt từ 0,5 – 1 tỷ m3. Hiện PVN đang đàm phán với Malaysia để mua thêm khí bổ sung vào nguồn thiếu hụt này.

Còn cụm nhiệt điện Ô Môn hiện đang vướng cơ chế về giá khí và giá khí cao ảnh hưởng tới giá điện. Đây là các dự án quan trọng cho cấp điện tại miền Nam tới năm 2025. Việc sử dụng khí hóa lỏng (LNG) để phát điện sau năm 2023 là không thể tránh khỏi. Do vậy, cần xem xét nâng cao hiệu suất các nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 3, 4 để giảm giá thành điện năng.

Đối với các nhà máy nhiệt điện sử dụng LNG như Nhơn Trạch 3, 4, sau năm 2022, phía Đông Nam bộ sẽ thiếu khí và bắt buộc phải bù bằng LNG. Vì vậy, giải pháp cần thiết là phải đưa cảng LNG Thị Vải và Sơn Mỹ vào vận hành giai đoạn 2023 để bù khí cho cụm nhiệt điện Phú Mỹ và cấp cho nhiệt điện Nhơn Trạch 3,4.

Hiện tại, các đơn vị đang xây dựng một cảng LNG khu vực Cái Mép khoảng 2-3 triệu tấn/năm. Nếu các cảng Thị Vải, Sơn Mỹ chậm tiến độ, có thể xem xét sử dụng cảng này để cấp bù khí Đông Nam bộ hoặc có thể xem xét nghiên cứu xây mới 1 nhà máy điện sử dụng LNG khu vực này.

* Miền Nam sẽ thiếu điện

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế đến năm 2020, tổng công suất các nhà máy điện khoảng 60.000 MW. Đến năm 2025 con số này tương ứng là 96.500 MW và đạt 129.500 MW vào năm 2030.

Miền Nam sẽ thiếu điện. Ảnh minh hoạ: Ngọc Hà - TTXVN

Trong giai đoạn 2016 -2020 sẽ đưa vào vận hành tổng cộng 21.651 MW; giai đoạn 2021-2025 sẽ đưa vào vận hành 38.010 MW; giai đoạn 2026 -2030 sẽ đưa vào vận hành tổng cộng 36.192 MW công suất các nguồn điện.

Tuy nhiên trên thực tế, tổng công suất các nguồn điện có khả năng đưa vào vận hành cả giai đoạn 2016-2030 dự kiến khoảng 80.500 MW, thấp hơn so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh là hơn 15.200 MW; trong đó, chủ yếu thiếu hụt trong các năm từ 2018-2022 với tổng công suất trên 17.000 MW. Nhiều dự án giai đoạn này bị chậm sang giai đoạn 2026-2030 và hầu hết là dự án nhiệt điện tại miền Nam.

Theo tính toán, với các dự án nguồn điện đưa vào vận hành năm 2019-2020, hệ thống điện có thể đáp ứng được nhu cầu điện toàn quốc. Tuy nhiên, cần huy động thêm nguồn nhiệt điện chạy dầu với sản lượng tương ứng 1,7 tỷ kWh vào năm 2019 và 5,2 tỷ kWh vào năm 2020.

Trong trường hợp các tổ máy phát điện không đáp ứng yêu cầu về độ tin cậy vận hành hoặc không đảm bảo đủ nhiên liệu cho phát điện, Việt Nam có thể đối mặt nguy cơ thiếu điện vào năm 2020.

Các năm từ 2021-2025, mặc dù huy động tối đa các nguồn điện chạy dầu nhưng hệ thống điện nhiều khả năng không đáp ứng nhu cầu phụ tải và xảy ra tình trạng thiếu điện tại miền Nam với mức thiếu hụt tăng từ 3,7 tỷ kWh (năm 2021) lên gần 10 tỷ kWh (năm 2022).

Mức thiếu hụt cao nhất vào năm 2023 khoảng 12 tỷ kWh và sau đó giảm dần xuống 7 tỷ kWh năm 2024 và 3,5 tỷ kWh năm 2025.

Nguyên nhân chính dẫn tới việc thiếu điện tại miền Nam tăng cao hơn so với tính toán trước đây được Bộ Công Thương chỉ ra là do tiến độ các dự án khí Lô B, Cá Voi Xanh đều bị chậm so với kế hoạch từ 9 tháng đến 1 năm.

Các dự án Nhiệt điện Kiên Giang 1&2 không đáp ứng tiến độ hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025, thậm chí lùi sau năm 2030.

Dự án Ô Môn III lùi tiến độ đến năm 2025. Trong trường hợp dự án điện Long Phú 1 không đáp ứng tiến độ hoàn thành năm 2023, tình trạng thiếu điện tại miền Nam trong các năm 2024-2025 sẽ càng trầm trọng hơn.

Hiện Bộ Công Thương đã chủ động đẩy nhanh tiến độ các dự án cung cấp khí, nhà máy nhiệt điện... nhằm đảm bảo cung ứng điện cho giai đoạn sắp tới; đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tìm cách tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy các dự án đầu tư xây dựng, đáp ứng yêu cầu về điện cho phát triển kinh tế -xã hội trong những năm tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục