Bạc Liêu đẩy nhanh giải ngân, hỗ trợ vốn sản xuất cho các đối tượng chính sách

19:16' - 23/06/2022
BNEWS Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo nhiều giải pháp rà soát nhu cầu vay vốn, đồng thời đẩy nhanh tiến độ giải ngân các chương trình tín dụng ưu đãi, hỗ trợ vốn sản xuất kinh doanh.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều – Trưởng Ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo nhiều giải pháp rà soát nhu cầu vay vốn, đồng thời đẩy nhanh tiến độ giải ngân các chương trình tín dụng ưu đãi, hỗ trợ vốn sản xuất kinh doanh cho các đối tượng chính sách, các đối tượng bị ảnh hưởng dịch COVID-19.

Cụ thể, ông Phạm Văn Thiều đề nghị Chủ tịch UBND, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng chính sách xã hội các huyện, thị, thành phố tăng cường chỉ đạo, đôn đốc các xã, phường thị trấn rà soát đối tượng vay vốn để đảm bảo thực hiện hoàn thành kế hoạch tăng trưởng tín dụng và thực hiện tốt Chương trình tín dụng ưu đãi phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ–CP của Chính phủ.

Các sở, ban, ngành cấp tỉnh căn cứ vào lĩnh vực Nhà nước có liên quan chủ động đôn đốc các địa phương giải ngân hoàn thành 100% kế hoạch tăng trưởng dư nợ đã được phân bổ trước ngày 30/6/2022.

Bạc Liêu cũng tích cực thực hiện các chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo quy định tại Nghị định 61, Nghị định 74 và các văn bản có liên quan; cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội theo quy định tại Điều 16 Nghị định 100/2015/NĐ-CP, khoản 10, Điều 1 Nghị định 49/2021/NĐ-CP và các văn bản có liên quan; cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập; cho vay để trang trải chi phí học tập thực hiện theo Quyết định 157/2007/QĐ-TTg và các văn bản liên quan; cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất 1 tháng theo yêu cầu phòng chống dịch… theo nhu cầu thực tế, đảm bảo đúng đối tượng được thụ hưởng.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo các ngành và Ban Chỉ đạo giảm nghèo của huyện phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội làm tốt việc tuyên truyền, vận động và tạo điều kiện để thực hiện chính sách tín dụng trên địa bàn.

Các tổ chức chính trị – xã hội tỉnh và các huyện, thị, thành phố chủ động thực hiện và chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội tại cơ sở, nhất là cấp xã thực hiện nghiêm túc các trách nhiệm, các nội dung được ủy thác; phối hợp chặt chẽ với ngân hàng chính sách xã hội và chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo, kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác, chất lượng hoạt động của mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn tạo tiền đề mở rộng tín dụng bền vững để phát huy hiệu quả và bảo tồn nguồn vốn, các cấp chính quyền từ tỉnh đến huyện, xã phải thể hiện trách nhiệm cao hơn nữa, phải quyết tâm, quyết liệt hơn trong hoạt động đầu tư và quản lý vốn...

Trong 2 năm qua, tình hình dịch bệnh COVID-19 đã tác động không nhỏ đến các mặt đời sống kinh tế – xã hội trên địa tỉnh Bạc Liêu nói chung và hoạt động tín dụng chính sách nói riêng.

Tuy nhiên, được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các tổ chức chính trị, xã hội Trung ương, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội đã chỉ đạo các địa phương phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh thực hiện tốt 16 chương trình tín dụng và đã cho vay 83.858 lượt khách hàng với tổng số tiền trên 2.200 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 2.370 tỷ đồng với 88.414 khách hàng còn dư nợ, dư nợ bình quân 26,8 triệu đồng/khách hàng, tăng 6,4 triệu đồng so với thời điểm 30/9/2018.

Bên cạnh đó, nguồn vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ người nghèo, các đối tượng chính sách đầu tư vào nhiều lĩnh vực từ sản xuất, kinh doanh đến đảm bảo an sinh xã hội, cụ thể: đã giải ngân 1.186 tỷ đồng đã giúp trên 43.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo có vốn để sản xuất kinh doanh, góp phần giảm gần 8.000 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 4,3% (cuối năm 2018) giảm xuống còn 0,37% vào cuối năm 2021; giảm 8.191 hộ cận nghèo, đưa tỷ lệ hộ cận nghèo giảm từ 5,58% (cuối năm 2018) xuống còn 1,45% vào cuối năm 2021. Đồng thời, đã giải ngân 317 tỷ đồng để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho gần 11.000 lao động.

Mặt khác, tỉnh cũng cho vay trên 326 tỷ đồng cho hơn 10.300 hộ thuộc các xã vùng khó khăn có vốn để sản xuất, kinh doanh; cho vay 256 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng được trên 28.400 công trình nước sạch và cầu vệ sinh ở khu vực nông thôn; giúp trên 1.800 lượt học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để trang trải một phần chi phí sinh hoạt và học tập; cho 488 hộ nghèo vay trên 12 tỷ đồng để xây nhà ở theo Quyết định số 33/2015/QĐ–TTg của Thủ tướng Chính phủ.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục