Bắc Ninh đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao

11:05' - 19/11/2018
BNEWS Bắc Ninh tập trung chỉ đạo áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ được đưa vào ứng dụng rộng rãi trong sản xuất trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản.
Phát triển mô hình trồng dưa lưới Nhật Bản trong nhà kính tại xã Nguyệt Đức, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Thái Hùng/TTXVN

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hướng đến nông nghiệp sạch là một trong những nhiệm vụ ưu tiên trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Xác định được mục tiêu trên, trong những năm qua, tỉnh Bắc Ninh tập trung chỉ đạo áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ được đưa vào ứng dụng rộng rãi trong sản xuất trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản.

Đáng chú ý trong phát triển nông nghiệp ở Bắc Ninh những năm qua là xu hướng ứng dụng công nghệ cao vào các mô hình trang trại dần được phổ biến. Hiện toàn tỉnh có 148 trang trại vườn, ao, chuồng (VAC) ứng dụng công nghệ cao, chiếm 60% tổng số trang trại.

Để hỗ trợ phát triển, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 46/2016/QĐ-UBND về Quy định hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và hạ tầng nông thôn giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh, Quyết định số 19/2015/QĐ-UBND về việc phê duyệt “Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020”.

Ngoài ra, các địa phương cũng có chính sách tỉnh hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng (đường giao thông, hệ thống điện, cấp - thoát nước, xử lý chất thải, cải tạo đồng ruộng) cho các hộ VAC và các chủ trang trại thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới cùng địa phương; tỉnh hỗ trợ kinh phí cho các mô hình xây dựng nhãn hiệu sản phẩm thông qua chương trình “mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm”… Tại các mô hình ứng dụng công nghệ cao đều áp dụng tự động hóa bằng phần mềm máy tính, sản phẩm đều có mã truy xuất nguồn gốc (QR code) để kiểm tra xuất xứ, quy trình.

Điển hình là mô hình trồng dưa lưới và rau sạch trong nhà màng được Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ Khoa học công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh triển khai tại xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du. Trung tâm đầu tư các loại máy gieo hạt; hệ thống lưới cắt nắng tự động cảm biến nhiệt độ với lớp trên tráng bạc và nhôm, giảm 70% nắng so với ngoài trời; quạt đảo gió làm giảm bớt nhiệt độ nóng cục bộ; hệ thống phun sương tự động; hệ thống tưới nhỏ giọt… chi phí đầu tư ban đầu khá cao nhưng mô hình này lại có nhiều điểm ưu việt như bảo vệ cây trồng trước những tác động bất lợi của thời tiết và điều kiện ngoại cảnh, tạo môi trường tốt cho cây sinh trưởng, phát triển, năng suất cao; giảm nguy cơ xâm hại của sâu bệnh, côn trùng; có thể trồng quanh năm...

Nhờ vậy, sản phẩm cung ứng ra thị trường đều là những nông sản sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Trung bình, Trung tâm sản xuất ra 6,5 tấn rau/tháng với giá bán từ 10 đến 12 nghìn đồng/kg.

Phát triển mô hình trồng rau thủy canh tại Trang trại nông nghiệp công nghệ cao DELCOFARM tại xã Nguyệt Đức, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Thái Hùng/TTXVN

Còn tại huyện Lương Tài, vốn được coi là huyện thuần nông của Bắc Ninh, thực hiện Đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Bắc ninh đến năm 2020”, huyện Lương Tài chủ động bám nắm, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, từng bước hình thành các vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa, mang lại giá trị kinh tế cao.

 Hiện nay, toàn huyện hình thành hàng chục mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản như: Các vùng chuyên canh lúa, rau màu hàng hóa, với các giống cây trồng mới: Lúa lai Syn6, GS9,Qưu số 1... ngô lai NK4300, HN88... cà rốt lai Ti 103, VL444 F1... khoai tây Atlantic, Diamant... lạc L14, L18... đậu tương DT84, DT99... được đưa vào sản xuất và mở rộng diện tích ở các xã Minh Tân, Lai Hạ, Mỹ Hương, An Thịnh...

Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp sạch được ứng dụng rộng rãi như: Sản xuất lúa theo quy trình VietGAP ở Quảng Phú; mô hình rau chuyên canh ứng dụng công nghệ cao gắn với sơ chế bảo quản ở Minh Tân; sản xuất hoa cao cấp trong nhà lưới, nhà kính ở Lôi Châu (An Thịnh)... Điển hình là mô hình trồng lá tía tô xuất khẩu sang Nhật Bản cho thấy rõ hiệu quả kinh tế.

Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Lương Tài Phạm Xuân Sản cho biết, xác định ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao giá trị kinh tế/1 ha canh tác, Lương Tài mạnh dạn đi đầu trong đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Huyện phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm từ 20 đến 30% giá trị sản xuất nông nghiệp.

Mô hình trồng dưa lưới Nhật Bản trong nhà kính tại xã Nguyệt Đức, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Thái Hùng/TTXVN

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp ở Bắc Ninh chủ yếu vẫn là quy mô hộ, đất đai phân tán, nhỏ lẻ, tích tụ ruộng đất khó khăn là trở ngại để xây dựng các dự án ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi vốn lớn, trong khi nguồn lực tài chính của người dân và các nhà đầu tư còn hạn chế; sản xuất nông nghiệp lại có độ rủi ro cao về thời tiết, thị trường nên chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.

Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cần nguồn nhân lực trình độ cao về kỹ năng quản lý, sản xuất, thị trường trong khi hiện nay các chủ trang trại, gia trại vẫn chủ yếu sản xuất theo kinh nghiệm, truyền thống. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hữu Trượng cho biết:  Mục tiêu của Bắc Ninh trong những năm tới là nâng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 chiếm từ 25 đến 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của cả tỉnh. Ðồng thời, hình thành và phát triển 35 vùng sản xuất trồng trọt ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố với tổng diện tích 641,5 ha.

Đối với các trang trại, Bắc Ninh đặt mục tiêu đến hết năm 2020 có trên 50% trang trại, các hợp tác xã VAC ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; 100% chủ trang trại được tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng quản lý trang trại; sản phẩm do các trang trại sản xuất phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Để đạt mục tiêu này và phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, ngoài cơ cấu lại nền nông nghiệp cần đẩy mạnh áp dụng các thành tựu công nghệ, thay đổi phương thức sản xuất, để tối ưu hoá quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường, cải thiện đời sống và làm giàu cho người nông dân./.

>> Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục