Bắc Ninh tạo thông thoáng về đất đai để thu hút đầu tư “sạch”

07:05' - 11/07/2019
BNEWS Nhờ có cơ chế “thông thoáng” trên lĩnh vực đất đai tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, Bắc Ninh đang thu hút được ngày càng nhiều dự án có quy mô lớn, công nghệ cao, thân thiện với môi trường.
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Tenma, KCN Quế Võ, Bắc Ninh. Ảnh: Thái Hùng/TTXVN

Sau 23 năm tái lập tỉnh (kể từ năm 1996), vùng Quan họ Bắc Ninh từ kinh tế thuần nông đã “bứt phá” trên mọi lĩnh vực, trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hướng đến mục tiêu xây dựng Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2022.
Có thể khẳng định rằng, một trong những thành công trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa của vùng đất này là thực hiện hiệu quả phương châm sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên đất đai, làm tiền đề cho phát triển bền vững.

Bởi trong những năm qua, Bắc Ninh đã bám sát sự điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất của Chính phủ, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về đất đai nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất trong quản lý, quy hoạch, xây dựng kế hoạch sử dụng đất đến năm 2020.

Nhờ tạo được cơ chế “thông thoáng” trên lĩnh vực đất đai, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, nên tỉnh đã và đang thu hút được ngày càng nhiều dự án có quy mô lớn, công nghệ cao, thân thiện với môi trường.
* Điều chỉnh quy hoạch, sử dụng đất hợp lý
Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh nêu rõ, theo điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020), tỉnh được Chính phủ phê duyệt cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, trong đó chỉ tiêu sử dụng đất nông nghiệp giảm 11.110 ha; chỉ tiêu sử dụng đất phi nông nghiệp tăng 11.326 ha; ưu tiên cho đất khu công nghiệp 3.695 ha, đất phát triển hạ tầng 3.166 ha, đất ở tại nông thôn 992 ha, đất cụm công nghiệp 262 ha, đất thương mại, dịch vụ 335 ha...
Đặc biệt, hiện có 41/43 thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai được triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, đạt tỷ lệ 95,3%, trong đó cấp tỉnh 36/36 thủ tục, cấp huyện 5/6 thủ tục; 100% thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai được hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết tại Trung tâm Hành chính công tỉnh, cấp huyện, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã.

Các thủ tục được triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, liên thông điện tử, trong đó có 2 thủ tục được thực hiện “4 tại chỗ” tại Trung tâm Hành chính công tỉnh.
Tính từ tháng 1/2018 đến tháng 5/2019, tỉnh đã tiếp nhận 2.085 hồ sơ thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai tại Trung tâm Hành chính công tỉnh, đã giải quyết được 1.997 hồ sơ, đạt 95,78%; 53.185 hồ sơ tại Trung tâm Hành chính công cấp huyện, đã giải quyết được 45.704 hồ sơ, đạt 85,93%.

Với số lượng hồ sơ đất đai rất lớn, việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận, giải quyết thủ tục hành chính.

Các bước giải quyết được công khai, minh bạch loại bỏ tình trạng sách nhiễu, gây phiền hà của đội ngũ công chức thực thi công vụ, giảm số hồ sơ phải yêu cầu bổ sung và trễ hẹn trả kết quả.
Theo nhu cầu của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, Kế hoạch sử dụng đất năm 2019 đăng ký 1.544 dự án, tổng diện tích thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất khoảng 6.891,88 ha.

Cụ thể, thành phố Bắc Ninh 233 dự án, diện tích 941,13 ha; thị xã Từ Sơn 269 dự án, diện tích 1.291,16 ha; huyện Tiên Du 262 dự án, diện tích 1.139,02 ha; Quế Võ 189 dự án, diện tích 515,89 ha; Gia Bình 153 dự án, diện tích 394,86 ha; Lương Tài 58 dự án, diện tích 125,17 ha; Thuận Thành 192 dự án, diện tích 1.206,1 ha; Yên Phong 161 dự án, diện tích 1.278,55 ha.
Bên cạnh việc bám sát sự điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất của Chính phủ, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu với UBND tỉnh tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về đất đai.

Bắc Ninh tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, ngành chức năng đối với công tác tuyên truyền quản lý đất đai, nhất là công tác quản lý đất đai ở cấp xã, thôn.

Nhờ đó, việc thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn Bắc Ninh thực hiện đúng trình tự, thủ tục, công khai, dân chủ và đúng quy định của pháp luật.
Mặt khác, các cơ quan chức năng của Bắc Ninh tiến hành rà soát các dự án BT, dự án giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để có phương án giải quyết hợp lý; tập trung thẩm định, tham mưu với tỉnh phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 2020 của các huyện, thị xã, thành phố, danh mục dự án chuyển mục đích sử dụng đất dưới 10 ha đất trồng lúa năm 2019 và 2020.

Tỉnh thực hiện kiểm kê đất đai năm 2019, hoàn thành công tác thống kê đất đai năm 2018 và lập dự án, tổ chức xây dựng bảng giá đất 5 năm (2020-2024) sát với thực tế.

Các huyện, thị xã, thành phố tích cực giải quyết việc giao đất dân cư, dịch vụ cho hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp theo chỉ đạo của Trung ương và tỉnh.

Tỉnh điều tra, đánh giá sát chất lượng, tiềm năng đất đai, có phương án sử dụng hợp lý, đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội theo hướng an toàn, bền vững.
Tiêu biểu như việc giải quyết “điểm nóng” về đất đai tại xã Đông Tiến, huyện Yên Phong. Từ nhiều năm trước, vi phạm Luật Đất đai ở xã Đông Tiến đã xảy ra nhưng không được giải quyết dứt điểm, nhiều cuộc cưỡng chế không thành, đặc biệt là ở thôn Ô Cách đã gây ra sự bức xúc của người dân đối với công tác quản lý nhà nước của chính quyền địa phương.

Với mục tiêu giải quyết dứt điểm tình trạng vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn, năm 2018 Đảng ủy xã Đông Tiến đã xác định đây là một trong ba nhiệm vụ chính trị trọng tâm của xã cần tập trung thực hiện.
Theo đó, Đảng ủy xã đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề và tập trung rà soát toàn bộ các hộ vi phạm luật đất đai trên địa bàn, tổ chức lực lượng cưỡng chế thành công 61 trường hợp xây dựng trái phép trên đất vi phạm, tập trung chủ yếu ở thôn Ô Cách; kịp thời lập biên bản và ngăn chặn hàng chục lượt vi phạm đất đai, tổ chức tuyên truyền, vận động 3 trường hợp vi phạm mới tự giác tháo dỡ công trình vi phạm, trả lại mặt bằng cho địa phương quản lý.

Đến nay, cơ bản tình trạng vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn xã được kiểm soát, 100% các trường hợp vi phạm Luật đã lập biên bản, công tác quản lý đi vào nền nếp, có hiệu quả. Để có được kết quả này, cấp ủy, chính quyền xã Đông Tiến đã đoàn kết, thống nhất nội bộ, đưa ra các giải pháp, mục tiêu cụ thể để thực hiện.

Xã phân công rõ người rõ việc, giao thời gian hoàn thành công việc, đặc biệt chú trọng việc quy trách nhiệm cho người đứng đầu. Khi tổ chức cưỡng chế, chuẩn bị mọi phương án, không để bị động, được người dân trong xã đồng tình ủng hộ.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Đại Đồng khẳng định: Từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực, tỉnh Bắc Ninh thực hiện quản lý, quy hoạch đất đô thị có sự thống nhất cao giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị và các quy hoạch ngành, lĩnh vực khác có sử dụng đất.

Theo điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) của tỉnh, đã có sự gắn kết với quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng.

Đây là cơ sở pháp lý trong công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đô thị. Hiện tỉnh đã hoàn thành việc đo đạc bản đồ địa chính diện tích 82.271,1 ha, đạt 100% diện tích tự nhiên, trong đó bản đồ tỷ lệ 1/500 diện tích 3.960,9 ha; bản đồ tỷ lệ 1/1000 diện tích 39.462,65 ha; bản đồ tỷ lệ 1/2000 diện tích 38.847,6 ha.

Tổng số thửa đất đã đo đạc, lập bản đồ địa chính là 1.008.765 thửa. Công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất được thực hiện đúng trình tự, thủ tục và đúng quy định về quản lý, sử dụng đất.
Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được thực hiện công khai, dân chủ, lấy ý kiến của người có đất bị thu hồi, ít để xảy ra khiếu kiện.

Công tác đăng ký, lập hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất bảo đảm tính pháp lý, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người sử dụng đất, ngăn chặn kịp thời các giao dịch không đăng ký tại cơ quan nhà nước.
* Điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư
Nhờ tạo được cơ chế “thông thoáng” trên lĩnh vực đất đai, gắn với công tác quy hoạch đô thị phù hợp, vùng đất Bắc Ninh hôm nay trở nên hiện đại với các công trình bề thế, với cảnh quan “xanh-sạch-đẹp” nhờ hệ thống công viên, các dải cây xanh đan xen trên các khu phố.

Ấn tượng nhất là các công sở của tỉnh hầu như không có hàng rào chắn kiên cố như các tỉnh, thành phố khác, mà bao quanh là những vành đai cây cối tốt tươi, tạo nên sự hòa nhập và thân thiện với khách khi đến liên hệ làm việc.

Nhận xét về vùng đất và con người Quan họ ngày nay, anh bạn đồng nghiệp thường trú của Báo Nhân Dân hồ hởi khẳng định: “Bắc Ninh mới thật sự là vùng đất cầu hiền tài, đáng để an cư lạc nghiệp!”.
Minh chứng sống động là các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã khẳng định được thương hiệu, thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2019, tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư mới 76 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 584,8 triệu USD; cấp Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh vốn cho 58 dự án với tổng vốn điều chỉnh tăng là 362,7 triệu USD.

Tính riêng tháng 5 đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư mới cho 16 dự án FDI với tổng vốn đăng ký là 44,8 triệu USD, cấp Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh cho 15 dự án với tổng vốn điều chỉnh tăng là 97 triệu USD.

Lũy kế đến ngày 20/5/2019, Bắc Ninh có 1.360 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký sau điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp đạt hơn 18 tỷ USD.
Cũng trong 5 tháng đầu năm, tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư mới cho 31 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký hơn 3.284 tỷ đồng; cấp điều chỉnh cho 36 dự án, trong đó có 19 dự án đăng ký điều chỉnh vốn tăng hơn 2.220 tỷ đồng.

Lũy kế đến ngày 20/5/2019 Bắc Ninh cấp đăng ký đầu tư 1.301 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký sau điều chỉnh là 155.247 tỷ đồng.
Bắc Ninh hiện có 16 Khu công nghiệp tập trung với tổng diện tích 6.397,68ha; có 11 Khu công nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đầu tư và Quyết định thành lập (gồm 14 dự án đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp) có tổng diện tích quy hoạch 4.523,60 ha, diện tích đất công nghiệp cho thuê 3.156,17 ha.

Trong đó, 10 Khu công nghiệp đi vào hoạt động với diện tích đất quy hoạch 3.696,94 ha, diện tích đất công nghiệp cho thuê 2.609,40 ha, đã cho thuê 1.670,40 ha, tỷ lệ lấp đầy trên diện tích đất quy hoạch đạt 64,01%, trên diện tích đất thu hồi đạt 88,52%, vốn đầu tư hạ tầng đăng ký khoảng 775,30 triệu USD.
Các Khu công nghiệp đã trở thành khu vực kinh tế quan trọng đóng góp lớn vào giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất nhập khẩu, thu ngân sách của tỉnh, góp phần đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp, đưa Bắc Ninh trở thành tỉnh xuất siêu từ năm 2009.

Hiện các Khu công nghiệp tạo việc làm với thu nhập ổn định cho khoảng 290.000 lao động trong tỉnh và các tỉnh lân cận, góp phần quan trọng vào việc giải quyết việc làm, thúc đẩy sự phát triển của các loại hình dịch vụ phục vụ sản xuất công nghiệp và phục vụ người lao động; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, ổn định xã hội, giải quyết cơ bản các vấn đề ô nhiễm môi truờng.
Mặt khác, sự phát triển các Khu công nghiệp đã đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, tạo sự phát triển đồng đều giữa các vùng trong tỉnh, giúp hoàn thiện kết cấu hạ tầng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái.

Đồng thời, việc hình thành các khu đô thị mới, cùng các công trình hạ tầng xã hội đã đưa mạng lưới đô thị của tỉnh ngày càng mở rộng và phát triển.

Năm 2019, nhiều cơ hội mở ra sau khi nhiều hiệp định hợp tác quan trọng được ký kết như: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)...

Bắc Ninh tiếp tục xây dựng và phát triển một số Khu công nghiệp hỗ trợ, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm tập trung thu hút các dự án có quy mô lớn, công nghệ cao, thân thiện môi trường, qua đó xây dựng chuỗi liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, thực hiện chuyển giao công nghệ nhằm phát huy tác động lan tỏa từ khu vực FDI.
Hiện Bắc Ninh có 1.360 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 18 tỷ USD đến từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong đó, Nhật Bản có 92 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,2 tỷ USD, đứng thứ 3 về quy mô vốn đầu tư (chỉ sau Hàn Quốc và Singapore).

Tiêu biểu như Công ty TNHH Canon Việt Nam là một trong những doanh nghiệp FDI hoạt động hiệu quả hàng đầu tại Bắc Ninh.

Các doanh nghiệp Nhật Bản tập trung chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, cơ khí chế tạo như: Canon, Foster Electric, Hayakawa Electronic Vietnam, Shihen Vietnam, Platec Vietnam, Trois Electronic... hoạt động ổn định, quan tâm đầu tư đổi mới công nghệ, giảm thiểu các tác động môi trường và gia tăng giá trị sản xuất bền vững, phù hợp với tiêu chí phát triển, thu hút đầu tư của tỉnh trong giai đoạn hiện nay.

Đồng thời, các doanh nghiệp chấp hành tốt các quy định của pháp luật Việt Nam về đầu tư và đăng ký kinh doanh; thực hiện các quy định về quyền lợi, thu nhập, bảo hiểm và an toàn lao động cho người lao động… đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bắc Ninh định hướng lựa chọn các dự án theo tiêu chí “2 ít, 3 cao”: Sử dụng ít đất-Ít lao động, Vốn đầu tư cao-Đóng góp ngân sách cao-Hàm lượng công nghệ cao.

Trong đó, tỉnh tiếp tục xác định Nhật Bản là một trong những đối tác đầu tư chiến lược trong các lĩnh vực thế mạnh như giáo dục và đào tạo, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, môi trường và tiết kiệm năng lượng, sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục