Bàn giải pháp phát triển dược liệu theo chuỗi giá trị gắn với du lịch sinh thái

15:15' - 07/07/2023
BNEWS Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ tiếp thu và tổng hợp các ý kiến để có chủ trương, giải pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh phát triển dược liệu theo chuỗi giá trị gắn với du lịch sinh thái hiệu quả.

Sáng 7/7, tại thành phố Lai Châu, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Văn hóa thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu tổ chức Diễn đàn khuyến nông & nông nghiệp với chủ đề: Giải pháp phát triển dược liệu theo chuỗi giá trị gắn với du lịch sinh thái.

 

Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, hiện Việt Nam có hơn 5.117 loài và thứ dưới loài được sử dụng làm thuốc chữa bệnh và bồi bổ sức khỏe; trong đó, hầu hết loài cây dược liệu quý, hiếm, có giá trị kinh tế cao đều phân bố trong các hệ sinh thái rừng tự nhiên như: sâm Lai Châu, sâm vũ diệp, tam thất hoang, bách hợp, thông đỏ, vàng đắng, lan kim tuyến...

Hầu hết các loài thảo dược quý, có giá trị đều sống dưới tán rừng, nhất là dưới tán rừng nguyên sinh, ở các độ cao khác nhau và các độ tàn che khác nhau. Đến nay, cả nước có khoảng 14,79 triệu ha đất có rừng; trong đó rừng tự nhiên là 10,1 triệu ha, chiếm gần 70% diện tích rừng của cả nước. Nhiều địa phương đã và đang phát triển dược liệu trong môi trường rừng.

Chỉ riêng năm 2020, nguồn thu của 4 loại dịch vụ trong các hệ sinh thái rừng của nước ta gồm: dịch vụ cung cấp gỗ và lâm sản ngoài gỗ; dịch vụ môi trường rừng; dịch vụ hấp thụ và lưu trữ các-bon; dịch vụ du lịch sinh thái đã mang lại giá trị khoảng 39.039 tỷ đồng. Trong số đó, giá trị thu được từ dịch vụ du lịch sinh thái đạt 2.022 tỷ đồng.

Riêng tại tỉnh Lai Châu với 472.676 ha diện tích rừng; trong đó diện tích rừng tự nhiên 450.392 ha, tỷ lệ che phủ rừng 51,87%. Là địa phương có nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế dưới tán rừng, năm 2022, Lai Châu có trên 11.000 ha các loại cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu như: sâm Lai Châu, lan kim tuyến, thảo quả, sa nhân, tam thất, đương quy, hà thủ ô...

Phát huy tiềm năng thế mạnh, hiện Lai Châu tập trung phát triển hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng dưới tán rừng. Giai đoạn 2011 - 2020, tỉnh đã thu hút được hơn 2 triệu lượt khách du lịch (năm 2022 Lai Châu đón khoảng 762.000 lượt khách du lịch), tổng doanh thu từ du lịch giai đoạn 2011 - 2020 đạt 3.188 tỷ đồng (doanh thu năm 2022 đạt trên 550 tỷ đồng).

Tốc độ tăng trưởng trung bình du lịch Lai Châu giai đoạn 2010 - 2020 đạt 14,9%/năm; trong đó, tốc độ tăng trưởng trung bình khách du lịch quốc tế đạt 12,59%/năm, khách du lịch nội địa đạt 17,32%/năm.

Qua diễn đàn, tỉnh mong muốn các chuyên gia, đại biểu chia sẻ kinh nghiệm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, đặc biệt là sâm Lai Châu. Cụ thể là các vấn đề như: định mức kinh tế - kỹ thuật trồng sâm Lai Châu phù hợp với tuổi cây giống và phương thức canh tác, quy trình kỹ thuật canh tác phù hợp với từng loại định mức; kinh nghiệm trong cấp mã số cơ sở trồng...

Tại diễn đàn, đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển dược liệu dưới tán rừng; tiềm năng của các loại sâm dưới tán rừng trong phát triển sinh kế cộng đồng dân cư gắn với du lịch sinh thái; thực trạng và giải pháp phát triển dược liệu khu vực Tây Bắc... Từ đó, tìm ra những nút thắt, giải pháp phát triển dược liệu theo chuỗi giá trị gắn với du lịch sinh thái nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, giúp người dân tăng thu nhập, phát triển kinh tế dưới tán rừng.

Đại diện Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nêu rõ cơ chế, chính sách hỗ trợ và giải pháp phát triển lâm sản ngoài gỗ, dược liệu dưới tán rừng. Trên cơ sở định hướng về quy hoạch tỉnh, các huyện cần rà soát quỹ đất, vùng nguyên liệu, xác định loài cây trồng phù hợp; xây dựng mã số các vùng trồng để quản lý nguồn gốc, xuất xứ, lựa chọn, cung cấp giống có nguồn gốc, xuất xứ, năng suất, chất lượng để đưa vào sản xuất; đa dạng hóa sản phẩm, nhưng phải đảm bảo tính đặc thù, gắn sản phẩm với đặc trưng văn hóa, con người, bản sắc dân tộc trên địa bàn tỉnh; xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đặc trưng của tỉnh, đặc biệt là sản phẩm đặc thù, sản phẩm mà tỉnh có thế mạnh.

Đại diện ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình trình bày thực trạng và tiềm năng phát triển cây dược liệu tại tỉnh và đưa ra một số định hướng, giải pháp của tỉnh như: tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các địa phương trong tỉnh để tổ chức sản xuất, phát triển vùng trồng dược liệu theo quy hoạch, lồng ghép trong kế hoạch, chương trình công tác của ngành; nghiên cứu, lựa chọn các giống cây dược liệu phù hợp với điều kiện địa phương/vùng trồng; vận động, tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng, phòng chống bệnh hại trên cây dược liệu, sản xuất theo quy trình đảm bảo vệ sinh an toàn; tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến đầu tư, phát triển thị trường cho sản phẩm cây dược liệu; gắn kết với dịch vụ du lịch, lễ hội văn hóa truyền thống của mỗi địa phương.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh, diễn đàn giải pháp phát triển dược liệu theo chuỗi giá trị gắn với du lịch sinh thái có ý nghĩa quan trọng giúp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan tham mưu cho Bộ từng bước tháo gỡ những khó khắn, vướng mắc trong việc đẩy mạnh phát triển dược liệu theo chuỗi giá trị gắn với du lịch sinh thái và đưa ra những cơ chế, chính sách phù hợp, định hướng hoạt động khoa học công nghệ cần tập trung nghiên cứu trong giai đoạn tới.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ tiếp thu và tổng hợp các ý kiến tham gia tại diễn đàn về báo cáo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có chủ trương, giải pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh phát triển dược liệu theo chuỗi giá trị gắn với du lịch sinh thái hiệu quả, phù hợp trong thời gian tới.

Trước đó, các đại biểu đã tham quan mô hình trồng sâm Lai Châu tại Hợp tác xã bảo tồn và phát triển sâm núi Lai Châu, xã Giang Ma và bản du lịch cộng đồng Lao Chải, xã Khun Há (huyện Tam Đường)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục