Bàn giải pháp tiêu thụ nông sản mùa vụ cho nông dân trong mùa dịch

17:44' - 27/05/2021
BNEWS Chiều 27/5, Tổng cục Quản lý Thị trường, Bộ Công Thương đã họp khẩn trực tuyến với 63 tỉnh điểm cầu trong lực lượng để bàn về các giải pháp tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân vùng dịch.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhằm thực hiện Chỉ thị 08/CT-BCT về xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát thị trường, kế hoạch cao điểm; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, các hành vi đầu cơ, găm hàng và lợi dụng dịch bệnh để thu lợi bất chính, kiểm soát các giao dịch trên môi trường trực tuyến.

Đồng thời, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các mặt hàng nông sản trong sản xuất trong nước và nhập khẩu trên thị trường, lực lượng quản lý thị trường cần nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo và áp dụng hiệu quả nhằm hướng đến mục tiêu hỗ trợ bà con nông dân tiêu thụ các mặt hàng nông sản theo mùa vụ tại thị trường nội địa.

Ông Trần Hữu Linh đã nhấn mạnh như vậy tại cuộc họp khẩn ngày 27/5 theo hình thức trực tuyến với 63 tỉnh điểm cầu trong lực lượng để bàn về các giải pháp tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân vùng dịch.

Theo ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, ngay từ năm 2018, Hà Nội đã triển khai xây dựng Đề án quản lý kinh doanh trái cây. Chương trình được thí điểm năm 2019 với sự tham gia của 12 quận nội thành, 900 cửa hàng kinh doanh.

Do vậy, đến năm 2021, số lượng cửa hàng kinh doanh trái cây được treo biển nhận diện lên đến 1.500 cửa hàng; 1.862 cửa hàng kinh doanh mặt hàng trái cây; 200 siêu thị; 1.500 cửa hàng tiện ích; 3 chợ đầu mối chuyên biệt về nông sản.

Để hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch COVID-19 an toàn và hiệu quả, ông Nguyễn Minh Hùng cho rằng cần có các giải pháp để đảm bảo các phương tiện vận chuyển hàng hóa về Hà Nội phải có chứng nhận phòng dịch. Riêng với lái xe cần chứng minh âm tính với COVID-19 để nhân dân thủ đô và các cửa hàng kinh doanh an tâm kinh doanh, tiêu thụ.

Ông Trương Văn Ba, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Tp. Hồ Chí Minh cho biết, lực lượng sẽ chủ động phối hợp với các đơn vị trên địa bàn thành phố báo cáo UBND Thành phố có ý kiến chỉ đạo Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm có giải pháp kết nối cung cầu với các tỉnh có nông sản mùa vụ để hỗ trợ tiêu thụ nông sản mùa vụ trong tình hình hiện nay.

Cùng với đó, lực lượng cũng sẽ chủ động phối hợp triển khai đến các siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối, chợ truyền thống… hỗ trợ tiêu thụ nông sản mùa vụ; tuyền truyền, vận động tiểu thương và có thể vận động cam kết hỗ trợ thu mua để tiêu thụ nông sản góp phần hỗ trợ cho bà con nông dân; quản lý tốt địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện mua bán các mặt hàng nông sản mùa vụ trong tình hình hiện nay.

Tới đây, lực lượng quản lý thị trường Tp.Hồ Chí Minh sẽ tăng cường phối hợp với các sở, ngành, các lực lượng chức năng trong việc kiểm tra, kiểm soát thị trường, lưu thông hàng hóa; tuyên truyền đến tổ chức, cá nhân hỗ trợ, hưởng ứng thực hiện chủ trương của Chính phủ, của bộ, ngành trong việc thúc đẩy tiêu thụ nông sản, vừa bảo đảm phòng tránh dịch bệnh COVID-19.

Đặc biệt, các Đội quản lý trường cũng sẽ kết nối Ủy ban nhân dân các phường, xã tuyên truyền vận động các Ban quản lý siêu thị, chợ và tiểu thương tích cực hưởng ứng thu mua nông sản mùa vụ để kinh doanh, chung tay giải quyết khó khăn của bà con nông dân.

Chia sẻ tại cuộc họp, đại diện Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho hay, dịch COVID-19 lan rộng khắp nơi khiến không thể tổ chức các chương trình hội chợ, triển lãm. Do vậy, Cục Xúc tiến thương mại đã xây dựng các kế hoạch xúc tiến thương mại giữa các vùng miền, tổ chức kết nối nhà cung cấp ở các địa phương với các nhà chế biến nông sản để đưa ra các giải pháp tiêu thụ.

Bên cạnh đó, Cục Xúc tiến thương mại còn hỗ trợ các địa phương về mặt kỹ thuật để tổ chức các hội nghị kết nối nông sản trực tiếp tại các địa phương như tại Bắc Giang, Sơn La hay Bình Thuận.

Đặc biệt, Cục đã làm việc với các đơn vị quảng bá sản phẩm trên các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn như: Lazada, Sendo để đưa nông sản như trái vải, xoài hay thanh long bán trên các sàn giao dịch hay phối hợp với Viettel post để hỗ trợ bà con nông dân vận chuyển hàng hóa, livestream bán hàng…

Với sự hỗ trợ của Cục Xúc tiến Thương mại - Bộ Công Thương, vải thiều Hải Dương đã được mở bán chính thức trên sàn Sendo từ ngày 24/5. Kết quả đã tiêu thụ được 6 tấn chỉ trong ngày đầu mở bán. Tính đến chiều ngày 26/3, lượng vải thiều Thanh Hà tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử Sendo đã chạm mốc 14 nghìn tấn, tăng 2 nghìn tấn so với dự kiến ban đầu.

Đánh giá cao những hoạt động hỗ trợ mà Cục Xúc tiến thương mại đã thực hiện để hỗ trợ nông dân quảng bá, tiêu thụ nông sản. Tuy nhiên, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh góp ý Cục Xúc tiến thương mại cần lưu tâm cách thức đảm bảo chất lượng sản phẩm bởi quả vải là mặt hàng nông sản có tính mùa vụ cho nên việc bảo quản để sản phẩm tươi, ngon đến tay người tiêu dùng là vấn đề rất quan trọng.

Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh cho biết, ngay sau khi cuộc họp kết thúc, Tổng cục Quản lý thị sẽ có văn bản gửi UBND các tỉnh, Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường các tỉnh triển khai nghiêm túc các Chỉ thị 07, 08 của Bộ Công Thương. Ngoài ra, Tổng Cục trưởng cũng đề nghị các Cục Quản lý thị trường phải chủ động phối hợp với các đơn vị tại địa phương cùng bàn giải pháp triển khai phù hợp với địa bàn mỗi tỉnh.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục